Xã hội

Đất khô hạn, dân khô héo vì đâu?

17/03/2019, 08:00

Đã có chút tuổi già nên Bảy Lang thường khó ngủ. Lão ngủ muộn và dậy sớm hơn thường ngày để nghe chương trình thời sự trên đài phát thanh...

img
Những vườn cà phê ở Gia Lai héo khô vì thiếu nước - Ảnh Chí Dũng

Lão tranh thủ tập thể dục rồi tụ tập với mấy ông bạn già hưu trí uống cà phê gần nhà.

Vừa ngồi xuống chưa nóng ghế, lão Bảy bắt chuyện: “Chuyện hạn hán ở Gia Lai mình lên chương trình thời sự của cả nước rồi các ông ạ. Các vùng sông Ba, Chư Sê, Chư Pưh, Đức Cơ lại khát nước, đất đai khô nẻ, hồ tiêu thiếu nước quắt queo hết cả, xót xa quá”.

Ông Năm Thành mắt không rời bài báo trên chiếc smatphone cũng nói theo: “Báo mạng viết nhiều lắm. Nhìn phóng sự ảnh cả vùng như đất hoang. Bà con người đồng bào dân tộc ở mấy vùng đó khổ thật. Mà đây mới chỉ hạn đầu mùa thôi, dự báo còn khốc liệt lắm”.

Tiếp lời ông Năm, ông Tám Dũng nhấp vội ly cà phê rồi nói nhanh: “Năm 2016 là hạn kỷ lục. Tôi đọc báo thấy cái ông dự báo khí tượng nói năm nay có vùng hạn xấp xỉ năm 2016 đấy ông ạ”.

Rồi ông Tám trầm giọng: “Mới 3 năm mà khô hạn 2 lần, không biết bà con sống sao đây. Tôi nhớ, năm đó, ông Võ Ngọc Thành - Chủ tịch tỉnh Gia Lai mình kêu cái Thủy điện An Khê - Ka Nak lắm. Cái thuỷ điện ấy đi vào hoạt động đã gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng đối với hạ lưu sông Ba, 7 huyện chịu ảnh hưởng. Nghe đâu lúc đó có trên 6.500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, gần 7.000 ha cây trồng bị hạn. Đó là hiểm họa về mùa khô, còn trong mùa lũ thì phải gánh chịu thêm lũ chồng lũ từ thủy điện”.

Ông Bảy Lang không đồng tình: “Tôi lại thấy cái nắng hạn khô héo này là do phá rừng. Báo chí cũng đăng đó, từ năm 2014 đến 2018 mà trên địa bàn toàn tỉnh đã bị phá 5 hay 7 nghìn ha rồi”.

Ông Tám Dũng tán thành: “Thiệt tình người Việt mình cứ thấy cái gì có lợi trước mắt lại lao vào. Đấy các ông xem, hồ tiêu hồi xưa có giá là đổ xô trồng tiêu. Chanh dây rộ lên là đổ xô vào chanh dây, cứ cây gì có giá là đổ xô vào. Không có đất thì phá rừng chứ ở đâu ra”.

Ông Năm Thành gắt: “Ông nói như vậy chưa hẳn đúng. Mấy năm qua, ở Gia Lai mình lấy đất rừng giao cho doanh nghiệp khai hoang rồi trồng cao su, cà phê cả mấy nghìn ha. Người dân không có đất riêng nên họ vào rừng khai phá thôi. Nói đâu xa, ở TP Pleiku này nè. Có cái rừng thông phòng hộ cũng bị người dân phá để lấy đất đấy. Có mấy ông cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ cũng chiếm được mấy hecta để làm của riêng trồng cà phê. Làm thế thì sao nói dân được. Cứ mạnh ai nấy phá thôi”.


“Rừng mất thì hạn hán, lũ quét từ đó mà ra cả”, ông Bảy Lang nói thêm rồi nhìn thẳng vào ông Tám Dũng hỏi: “Ông trước đây làm cán bộ tỉnh, thế giờ làm gì để dân bớt khổ hả ông? Chả nhẽ cứ để cho dân ở đó họ chịu hạn, chịu lụt mãi như thế à?”.

Thấy ông bạn bị hỏi khó, ông Năm Thành nói đỡ: “Câu hỏi này lớn quá, ổng không trả lời được đâu. Tôi thì chỉ có một ý thôi: “Phải trồng lại rừng và giữ rừng. Càng làm to thì càng phải làm gương. Đừng đổ hết cho dân!”. Cả mấy cán bộ về hưu lòng ai cũng nặng trĩu, dường như ai cũng muốn nói thêm điều gì đó nhưng thấy khó mở lời.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.