Thời sự

Đặt mục tiêu có ít nhất 1 trường ĐH lọt top 1.000 thế giới

07/06/2018, 07:04

Sáng 6/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

bo truong nha

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lờichất vấn Quốc hội

Báo cáo Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua, ngành đã nỗ lực thực hiện nhiều nhiệm vụ để đổi mới căn bản, toàn diện và đã đạt những kết quả bước đầu, tuy nhiên, cũng vẫn còn nhiều điều chưa làm được. “Với trách nhiệm của người đứng đầu ngành, tôi xin chịu trách nhiệm về những gì chưa làm được”, Bộ trưởng Nhạ nói.

Bước vào phần trả lời chất vấn của các ĐBQH, Bộ trưởng Nhạ đã giải đáp hàng loạt vấn đề nóng của ngành giáo dục như: Chất lượng giáo dục mầm non; tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp cao; chất lượng đội ngũ giáo viên các cấp, cơ sở vật chất ngành giáo dục; chủ trương phân luồng giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, nhằm tránh những bất cập hiện nay là tỉ lệ đại học quá lớn trong khi học nghề lại ít...

Kết thúc phần chất vấn Bộ trưởng Nhạ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề. Dẫn lại thống kê của Bộ LĐ,TB&XH năm 2017, có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp, Phó Thủ tướng nhận định con số này chiếm khoảng hơn 4% tổng số sinh viên đã ra trường. “Đây cũng là yếu tố góp phần thúc đẩy cạnh tranh chất lượng trong nền giáo dục”, Phó Thủ tướng nói. Để khắc phục, ông nhấn mạnh giải pháp phải đẩy mạnh hướng nghiệp ngay từ cấp học THCS.

Phó Thủ tướng cho biết, năm nay ngành giáo dục Việt Nam đặt mục tiêu sẽ có ít nhất 1 trường đại học đứng trong top 1.000 của thế giới. Trước câu hỏi đề nghị đánh giá công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đang ở bước nào; có quyết định đổi mới nữa hay không, Phó Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề rất khó. Theo Phó Thủ tướng, có rất nhiều cách để phân định nhiệm vụ đổi mới giáo dục. Đứng trên quan điểm ngành giáo dục, ông tạm chia làm 8 đầu mục đổi mới bao gồm: Hệ thống, khung trình độ; chương trình sách giáo khoa; phương pháp giảng dạy gắn với giáo viên; kiểm định đánh giá thi cử; cơ sở vật chất; quản lý nhà nước; quản trị cơ sở giáo dục. “Tới giờ phút này, chúng ta đã xây dựng được khung trình độ, đang đổi mới sách giáo khoa, thực hiện từng bước tự chủ đại học… đặc biệt đang trình sửa 2 dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi và Giáo dục đại học”, Phó Thủ tướng nhận định.

“Lần này nếu sửa được luật theo xu hướng trên, coi như công cuộc đổi mới giáo dục của chúng ta sẽ hoàn thành được một nửa”, Phó Thủ tướng nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.