Thị trường

Đất nền khắp nơi hùa nhau tăng giá

21/05/2018, 06:35

Không chỉ các đặc khu kinh tế tương lai, tình trạng sốt đất nền đang diễn ra khắp nơi trên cả nước...

4

Từ đầu năm tới nay, dấu hiệu sốt đất diễn ra cục bộ ở một số nơi tại Hà Nội

Đất tăng cao, chiêu trò của đầu cơ

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông trên thị trường Hà Nội từ đầu năm tới nay, dấu hiệu sốt đất diễn ra cục bộ tại một số nơi. Đơn cử tại khu dịch vụ đô thị Mỗ Lao (Hà Đông) hay Khu đô thị Kim Chung (Hoài Đức), giá đất hiện đã tăng mạnh khoảng 30% so với cuối năm 2017. Đối với phân khúc nhà thấp tầng, đất nền tại khu vực hạ tầng đang phát triển như khu đô thị Xuân Phương, khu Tây Hồ Tây, khu vực Mậu Lương - Thanh Hà giá cũng đã tăng nhẹ ở mức từ 5 - 10%.

Tương tự, tại TP.HCM hiện tượng tăng giá đất nền khu vực quận 9, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ cũng đã diễn ra với mức tăng từ 10-20%, cá biệt có một vài khu vực giá đất tăng 40- 50% so với năm 2016. Cụ thể, một số dự án đất nền có sổ đỏ trên đường Nguyễn Duy Trinh, Gò Cát (quận 9) được môi giới ra giá 30-35 triệu đồng/m2, trong khi cách đây gần 1 tháng cũng khu vực này được báo giá 25 triệu đồng/m2.

Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cũng đã trình lãnh đạo Bộ Xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ “Về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, hiệu quả”. Dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 5 này.

Ông Phạm Lâm, CEO Công ty DKRA Việt Nam cho hay khu vực thuộc Đông TP.HCM bao gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức dẫn đầu nguồn cung đất nền và lượng tiêu thụ, với khoảng 970 nền đất được tung ra thị trường. Đáng chú ý, tỷ lệ tiêu thụ đất nền phân lô của riêng khu vực này đạt tới 100%. Tương tự, một doanh nghiệp chuyên phân phối đất nền cho biết, vừa tung ra 100 nền tại khu vực hướng xuống Vũng Tàu, thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai nhưng chưa đến ngày mở bán đã được đặt hết chỗ. Thậm chí, người trong công ty muốn mua cũng không thể mua. “Không thể hình dung đất lại bán chạy như thế, chưa kịp làm kế hoạch marketting đã hết sạch. Người trong công ty muốn mua cũng không còn”, vị doanh nhân cho hay.

Ngoài hai thành phố lớn trên, tình hình thị trường đất nền nhiều nơi trên cả nước như: Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP Đà Nẵng, TP Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) Long Thành (Đồng Nai)... đặc biệt 3 đặc khu kinh tế tương lai (Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong) đều diễn ra sôi động.

Nhận định về tình trạng này, đại diện Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: “Giá đất nền tăng cao tại các đô thị đang phát triển có các công trình hạ tầng đồng bộ; các khu vực đã hình thành hoặc có quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu du lịch nghỉ dưỡng... do một số nhóm đầu cơ tạo ra cơn sốt ảo”.

Cũng theo vị đại diện trên, phương thức đẩy giá đất tăng cao thường được khởi nguồn từ một nhóm các nhà đầu tư ở Hà Nội, TP.HCM có tiềm lực tài chính mạnh đến các khu vực có quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới, khu kinh tế, khu công nghiệp… để tạo ra thị trường bằng cách mua một số lô đất với giá thấp lúc thị trường chưa sôi động. Một thời gian sau, nhóm này tìm cách mua tiếp các lô đất gần đó hoặc mua đi bán lại chính các ô đất đã mua trước đó với giá cao hơn rất nhiều so với thị trường, đồng thời tung thông tin thị trường khu vực đã bắt đầu sốt để lôi kéo các nhà đầu tư khác. Lợi dụng tâm lý đầu tư theo hiệu ứng “đám đông”, nhiều nhà đầu tư khác sẽ đổ xô vào mua đất chờ lên giá kiếm lời, nhóm này đã tạo những cơn sốt ảo đẩy giá lên cao để trục lợi.

Kịch bản“bong bóng” đất nền 10 năm trước có lặp lại?

Theo các chuyên gia bất động sản, trước tình trạng sốt đất đang diễn ra trên diện rộng, rất có thể lại xảy ra “bong bóng” đất nền như hồi 2007-2008. Về phía cơ quan chức năng, Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản thừa nhận: Nếu tình trạng đầu cơ giá đất kể trên không được chấn chỉnh kịp thời thì không những có tác động tiêu cực đến sự phát triển thị trường bất động sản mà còn ảnh hưởng đến an ninh kinh tế và trật tự an toàn xã hội.

“Một thời gian sau nhóm đầu cơ rút đi, tạo làn sóng bán ra ồ ạt và hệ quả là nhiều nhà đầu tư sau mua đất với giá cao của nhà đầu tư trước phải bán đi để cắt lỗ. Nhiều nhà đầu tư không bán kịp sẽ bị mắc kẹt. Hậu quả để lại cho thị trường rất nặng nề, người có nhu cầu thực không thể có đủ tiền mua do giá đất bị đẩy lên cao, người đầu cơ không có nhu cầu ở nhưng lại không bán được, vì nếu bán thì lỗ nặng. Dẫn đến tình trạng nhiều nhà, đất sẽ để hoang hóa không sử dụng, lãng phí tài nguyên và nguồn lực của xã hội”, đại diện Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản lý giải.

Được biết, mới đây, Bộ Xây dựng đã ra văn bản khẩn yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình, làm rõ nguyên nhân gây ra biến động của thị trường. Tổ chức thanh tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan theo thẩm quyền. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thổi giá, tạo nên các giao dịch ảo để kiếm lời. Ngoài ra, văn bản cũng nêu rõ các địa phương cần có biện pháp ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật; ngăn chặn việc phân lô bán nền trái quy định; chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp làm tăng giá bất động sản bất hợp lý tại những khu vực nêu trên, không để xảy ra tình trạng sốt nóng giá đất nền dẫn đến hiện tượng bong bóng bất động sản.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.