Hạ tầng

Đất nước sẽ “cất cánh” với siêu sân bay Long Thành

06/01/2021, 06:06

Khi dự án hoàn thành, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không quốc tế, thu hút đầu tư, du lịch, nâng tầm Việt Nam...

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu bấm nút khởi công xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 - dự án thành phần 3. Ảnh: Phan Công

Sáng 5/1, dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành), dự án hạ tầng có tổng vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay (hơn 16 tỷ USD) đã chính thức được khởi công giai đoạn 1. Khi dự án hoàn thành, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không quốc tế, thu hút đầu tư, du lịch, nâng tầm Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Khoảnh khắc mong chờ hàng chục năm

Sáng sớm 5/1, tại trạm y tế xã Bình Sơn (đặt tại ấp Suối Trầu, xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), người dân tấp nập đưa trẻ đến tiêm chủng. Đây là đợt tiêm chủng cuối cùng mà người dân tham gia, bởi lẽ ngay sau đây, khu vực này sẽ được giải tỏa trắng để xây sân bay Long Thành.

Tiếp xúc với PV người dân nơi đây bày tỏ sự vui mừng vì sân bay đã chính thức khởi công sau hàng chục năm chờ đợi.

“Chúng tôi đã phải chờ đợi quá lâu. Người dân trong xã đã nhiều năm thiệt thòi vì đường sá không được đầu tư, nhà cửa không được xây dựng mới”, anh Võ Minh Tùng (ấp Suối Trầu 1) nói và cho biết, giờ anh cũng như người dân trong ấp chỉ mong đơn vị thi công đẩy nhanh xây dựng hạ tầng để sớm bố trí người dân vào xây cất nhà ở.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Kim Liên (ấp Suối Trầu 3) chia sẻ: “Trước đây người dân hầu hết đều làm rẫy có thu nhập ổn định. Thanh niên còn dễ xin làm việc tại các nhà máy, tôi năm nay 45 tuổi thì chẳng biết có nơi nào nhận hay không”, chị Liên băn khoăn.

Ông Nguyễn Trần Thành, Trưởng ấp Suối Trầu 2 cho biết, ấp có 1.018 hộ, hiện công tác kiểm đếm đã cơ bản hoàn thành, còn một số trường hợp đang giải quyết về giấy tay, thủ tục pháp lý. Người dân cũng thắc mắc về chính sách hỗ trợ việc làm vì hầu hết đều làm nông nghiệp.

Theo UBND huyện Long Thành, đến cuối tháng 12/2020 các cơ quan chức năng đã hoàn thành công tác kiểm kê, đo đạc đối với toàn bộ diện tích 5.000ha phục vụ dự án. Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành các bước tiếp theo để hoàn chỉnh hồ sơ, áp giá và phê duyệt phương án bồi thường.

Ông Lê Văn Tiếp, Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết, đến nay địa phương đã thực hiện chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho 1.167 hộ dân với số tiền hơn 2.800 tỷ đồng; đã tổ chức bốc thăm vị trí, giao đất cho 208 hộ tái định cư. Đối với những hộ còn lại, dự kiến hoàn thành chi trả tiền bồi thường trong quý I/2021.

“Hiện khu tái định cư đã cơ bản hoàn thành, có thể đưa người dân vào xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, do là thời điểm cận Tết nên hiện chưa có hộ dân nào chuyển tới”, ông Tiếp cho hay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai chia sẻ, hơn ai hết, người dân vùng dự án đã phải chịu nhiều thiệt thòi vì lợi ích chung. “Về đào tạo nghề cho người dân, hiện nay kinh phí đã có trong dự án, tỉnh sẽ làm việc cụ thể với các ngành liên quan để có kế hoạch. Quan điểm của tôi là phải tránh việc đưa người dân đi đào tạo xong lại không nhận họ vào làm việc. Tôi đã chỉ đạo UBND tỉnh phải làm tốt để người dân đồng lòng với Nhà nước trong suốt quá trình thực hiện dự án”, ông Cường nói.

Nguồn vốn sẵn sàng

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và các đại biểu tham dự lễ khởi công. Ảnh: Phan Công

Theo ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV), dự án xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 109.000 tỷ đồng, tương đương 4,664 tỷ USD.

Dự án được chia thành 4 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 1 - các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước được Thủ tướng giao các cơ quan liên quan (Hải quan, Công an, Công an cửa khẩu, Cảng vụ, Kiểm dịch y tế) bố trí nguồn vốn thực hiện. Dự án thành phần 2 - các công trình phục vụ quản lý bay, được Thủ tướng giao cho Tổng công ty Quản lý bay VN làm chủ đầu tư. Dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu trong cảng sẽ do ACV làm chủ đầu tư. Dự án thành phần 4 - các công trình khác… sẽ thực hiện bởi các nhà đầu tư, chủ đầu tư do Bộ GTVT lựa chọn.

Theo ông Thanh, ACV được giao nhiệm vụ là chủ đầu tư đối với dự án thành phần 3 với tổng mức đầu tư lên tới hơn 99.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn của ACV, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ. Hiện vốn tự có của ACV đến từ 2 nguồn. Thứ nhất là 29.225 tỷ đồng tiền mặt hiện có và dòng tiền tích lũy trong giai đoạn 2020 - 2025 dành riêng cho dự án là 6.877 tỷ đồng.

Số còn lại dự kiến được ACV huy động dưới nhiều hình thức như vay thương mại, phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường trong nước và quốc tế... Hiện nay, 22 tổ chức đã ký thỏa thuận bảo mật thông tin để trao đổi về dự án, trong đó 12 tổ chức đã ký biên bản ghi nhớ về mong muốn tài trợ cho dự án với tổng giá trị đề xuất hơn 143.000 tỷ đồng, nhiều hơn nhu cầu vốn cần huy động.

Kết nối sân bay bằng đường cao tốc, metro

img

Điều khiến nhiều người quan tâm là phương án kết nối giao thông của khu vực sẽ được thiết kế ra sao để phát huy hiệu quả khi sân bay Long Thành được đưa vào khai thác?

Theo ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược GTVT, hiện nay kết nối trực tiếp với khu vực sân bay Long Thành có các cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây và QL51. Thời gian tới, hành khách có thể đi tới sân bay này qua cao tốc Bến Lức - Long Thành và Biên Hòa - Vũng Tàu.

Về các dự án cần ưu tiên đầu tư đảm bảo kết nối đến sân bay Long Thành giai đoạn đến năm 2025, ông Mười nhấn mạnh, cần nâng cấp mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Dây (đoạn TP HCM - Long Thành, 20km) lên 8 làn xe; hoàn thành và đưa vào khai thác cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (đoạn Biên Hòa - Phú Mỹ); tuyến đường sắt đô thị số 2 (Củ Chi - Thủ Thiêm); tuyến đường sắt kết nối trung tâm TP HCM (Thủ Thiêm) với sân bay Long Thành theo 1 trong 2 phương án: Tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành (dài 37km) hoặc tuyến đường sắt tốc độ cao TP HCM - Nha Trang (đoạn TP HCM - Long Thành, dài 33km); tuyến Vành đai 3 TP HCM; các tuyến hỗ trợ kết nối: Tuyến trục đô thị số 4, tuyến liên vùng 04 (LV04), tuyến liên vùng 04B (LV04B).

Trong tương lai, ông Mười cho biết, mạng lưới đường bộ, đường sắt cao tốc và đường sắt đô thị đã được định hình tương đối rõ trong giai đoạn quy hoạch trước năm 2030. Tuy nhiên giai đoạn sau năm 2030, phát triển mạng lưới giao thông vận tải của vùng TP HCM kết nối đến sân bay Long Thành chưa có thêm nhiều thông tin.

Có thể đóng góp 3-5% GDP

Phát biểu tại lễ khởi công xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 - dự án thành phần 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành nằm trong top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới. Đây là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia. Nếu dự án hoàn thành, sân bay này có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP từ 3 - 5%.

Theo Thủ tướng, Cảng hàng không Quốc tế Long Thành khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh các đường bay trong nước và quốc tế, tạo nền tảng phát triển cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy kết nối nền kinh tế nước ta với thị trường ASEAN, khu vực châu Á và toàn cầu.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh Đồng Nai, TP HCM, các tỉnh Đông Nam Bộ, kể cả một số tỉnh Tây Nam Bộ, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng sớm có phương án kết nối giao thông với sân bay Long Thành một cách đồng bộ, kể cả phát triển đô thị, các khu du lịch, dịch vụ, trong đó hệ thống giao thông kết nối sân bay gồm ba tuyến đường bộ và hai tuyến đường sắt.

Những tuyến này cùng với sân bay Long Thành mở ra không gian phát triển mới cho vùng nhờ kết nối, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy cơ cấu kinh tế mới thiên về sản xuất dịch vụ, tạo ra năng lực cạnh tranh mới cho cả vùng Đông Nam Bộ và cả nền kinh tế.

Sân bay Long Thành sau năm 2030 sẽ trở thành sân bay trung chuyển khu vực Đông Nam Á và châu Á vì lý do chính là vị trí địa lý với 3 giờ bay có thể bay đến tất cả các nước Đông Nam Á, châu Á, kết nối Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, thu hút đầu tư, du lịch, nâng tầm Việt Nam trong khu vực và thế giới không chỉ kinh tế mà cả an ninh quốc phòng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.