Hồ sơ tài liệu

Đạt thỏa thuận với Iran, Nhà Trắng lo đối phó Quốc hội

06/04/2015, 13:05

Sau 8 ngày đàm phán căng thẳng, thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân Iran được ký trước ngày 30/6.

163

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (phải) đã phản đối phát biểu xoa dịu pheCộng hòa của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) sau khi các bên ký thỏa thuận khung

Nối lại chương trình hạt nhân bất cứ lúc nào

Hôm qua (5/4), Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố thỏa thuận khung mà Tehran và Nhóm P5+1 vừa đạt được ngày 3/4 tại Thụy Sĩ không có tính chất ràng buộc, cho tới khi một thỏa thuận cuối cùng được ký trước 30/6 tới. Theo thỏa thuận khung vừa đạt được sau 18 tháng đàm phán, Iran cam kết sẽ giảm 2/3 khả năng làm giàu urani và thu nhỏ 98% kho urani được làm giàu; Nới lỏng những hạn chế về quyền làm giàu urani của Iran sau 10 năm và được phép từng bước tăng cấp độ từ năm thứ 10 và 15 sau khi đã cung cấp thông tin đầy đủ về các máy ly tâm IR-2 và IR-4; chỉ được phép sử dụng các máy ly tâm IR-1 trong 10 năm đầu tiên.

Ông Zarif cũng là Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran cho biết, nếu thỏa thuận thành hiện thực thì sẽ vô hiệu hóa toàn bộ các nghị quyết trước đây của Hội đồng Bảo an LHQ đối với Tehran và từng bước dẫn tới việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đối với nước này.

Ngoại trưởng Iran cũng yêu cầu Nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) cần “hành động có trách nhiệm” và cảnh báo sẽ nối lại chương trình hạt nhân nếu phương Tây rút khỏi thỏa thuận. Iran sẽ thực thi đầy đủ các cam kết nếu P5+1 cũng thực hiện đúng các cam kết của mình. Cuộc gặp tiếp theo của Nhóm P5+1 và Iran ở cấp chuyên gia được ấn định vào ngày 14/4 tới.

Lo phe Cộng hòa “phá ngang”

Ngoài ra, ông Zarif phản đối việc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sử dụng từ “tạm ngừng” thay cho “chấm dứt” các lệnh trừng phạt Iran trong một phát biểu sau khi các bên ký thỏa thuận khung. Theo các nhà quan sát thì tuyên bố này của ông Kerry nhằm “vỗ yên” sự phản đối của phe Cộng hòa đối với chính quyền của Tổng thống Obama về thỏa thuận này. Hôm qua, ông Obama đã có cuộc trao đổi với với những người đứng đầu lưỡng viện Quốc hội về thỏa thuận vừa đạt được và nội dung trao đổi vẫn chưa được tiết lộ.

Trước khi cuộc đàm phán diễn ra, 47 Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa cùng ký tên vào một bức thư gửi tới Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei cho biết, bất cứ hiệp ước nào do ông Obama ký cũng cần được đa số nghị sỹ trong Quốc hội thông qua. Và thỏa thuận liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran nếu không nhận được sự phê chuẩn sẽ chỉ được coi như một hiệp định ký kết giữa Tổng thống Obama và Đại Giáo chủ Khamenei và có thể bị các Tổng thống kế nhiệm hủy bỏ, cũng như bị Quốc hội Mỹ sửa đổi nội dung. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest chỉ trích hành động đó không khác gì “ném đá hội nghị”, phá hoại chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia.

Dù đã hoãn trình dự luật kêu gọi gia tăng trừng phạt Iran tới ngày 30/6, song theo giới phân tích, phe Cộng hòa chắc chắn sẽ không từ bỏ quyền được đưa ra quyết định liên quan tới thỏa thuận cuối cùng.

Ngoài ra, chính quyền của ông Obama còn phải lo lắng trước sự phản đối của Israel - một đồng minh quan trọng tại Trung Đông. Ông Jon B.Alterman - một chuyên gia về Trung Đông thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Mỹ nói: “Liệu điều gì sẽ xảy ra nếu P5+1 nhất trí với một loạt vấn đề mà Quốc hội Mỹ lại nói không. Khi đó, rất khó đoán định các đồng minh của Mỹ sẽ nghiêng về P5+1 hay Quốc hội Mỹ. Do đó, dù thỏa thuận khung đã đạt được nhưng mọi việc vẫn chưa có gì là chắc chắn”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.