Xã hội

Đặt tiền bảo lãnh xe vi phạm rất đơn giản

14/03/2020, 07:30

Với việc Nghị định 31/2020 sẽ có hiệu lực vào ngày 15/4 tới, việc đặt tiền bảo lãnh đơn giản, thuận tiện hơn nhiều.

img
CSGT Hà Nội kiểm tra xử lý đối với người điều khiển xe máy vi phạm giao thông trên địa bàn

Hiện nay, người vi phạm giao thông bị tạm giữ xe có thể đặt tiền bảo lãnh để mang xe về, song thủ tục rất rắc rối. Tuy nhiên, với việc Nghị định 31/2020 sẽ có hiệu lực vào ngày 15/4 tới, việc đặt tiền bảo lãnh đơn giản, thuận tiện hơn nhiều.

Đỡ rắc rối hơn

So với quy định hiện hành (Nghị định 115/2013), Nghị định 31/2020 tạo điều kiện cho người vi phạm được đăng ký bảo lãnh phương tiện đơn giản hơn. Cụ thể, người vi phạm không cần phải xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi công tác, mà có thể dùng luôn CMND, hoặc căn cước công dân, hoặc đọc mã số định danh để được đối chiếu khi nộp đơn xin bảo lãnh xe (trên thực tế, không phải ai khi lưu thông ra đường cũng mang theo sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như quy định cũ).

Trước đây, người vi phạm phải chứng minh được có nơi giữ xe đáp ứng an toàn phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường (thường người vi phạm phải ký hợp đồng với bãi giữ xe có phép để đáp ứng điều kiện này), thì từ ngày 15/4, khi nộp đơn xin bảo lãnh xe, người vi phạm chỉ cần đăng ký nơi giữ xe (là nhà riêng, bãi trông giữ).

Quy định mới cũng cho phép các xe đang được đăng ký giao dịch đảm bảo (mua trả góp ngân hàng, đang là tài sản thế chấp ngân hàng) được bảo lãnh, trong khi quy định hiện hành không cho phép.

So với quy định hiện hành, quy định mới cũng bổ sung thời hạn chậm nhất 2 ngày (trường hợp phát sinh phức tạp chậm nhất là 3 ngày) kể từ khi nhận được đơn xin bảo lãnh, cơ quan chức năng phải có trả lời cho người vi phạm có được bảo lãnh hay không.

Chính do thủ tục theo quy định cũ rắc rối nên theo Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Tuyên truyền khám nghiệm và giải quyết tai nạn Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, qua theo dõi thực tế, thời gian qua, chưa thấy có người đặt tiền để bảo lãnh phương tiện vi phạm. “Việc bổ sung quy định theo hướng rõ ràng, thuận tiện hơn sẽ giúp quy định đặt tiền bảo lãnh phương tiện trở nên khả thi, dễ đi vào cuộc sống hơn”, Trung tá Hoài nhìn nhận.

Thuận cho CSGT, tiện cho dân

Nghị định 31 cũng quy định rõ các trường hợp không được đặt tiền bảo lãnh là: Vật chứng của vụ án hình sự; xe đang được đăng ký giao dịch đảm bảo; xe được sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, gây TNGT; BKS giả, phương tiện bị thay đổi trái phép số khung, số máy, xóa số khung, số máy…


Bắt đầu từ ngày 15/4, người vi phạm muốn bảo lãnh xe chỉ cần làm đơn gửi cơ quan có thẩm quyền đề nghị đặt tiền bảo lãnh, trong đơn ghi rõ họ tên, địa chỉ, nghề nghiệp; tên, số lượng, đặc điểm, chủng loại, số hiệu, nhãn hiệu, ký hiệu, xuất xứ, số máy, số khung, dung tích, tình trạng của xe và nơi đề nghị được giữ, bảo quản xe sau bảo lãnh.

Cùng lá đơn này, người vi phạm phải xuất trình một trong những giấy tờ (có thể là bản chính hoặc bản sao có chứng thực) để đối chiếu như: Sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú, CMND, thẻ căn cước công dân, giấy xác nhận về nơi công tác hoặc cung cấp số định danh.

Mức tiền đặt bảo lãnh xe ít nhất bằng mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định cho một hành vi vi phạm. Trường hợp có nhiều hành vi vi phạm trong cùng 1 vụ vi phạm thì mức đặt tiền bảo lãnh ít nhất bằng tổng tiền phạt tối đa các hành vi vi phạm. Số tiền bảo lãnh này sẽ được trả lại cho cá nhân vi phạm sau khi chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà người vi phạm không đến làm thủ tục nộp phạt, lấy tiền bảo lãnh về thì người có thẩm quyền xử phạt sẽ ra quyết định khấu trừ tiền đặt bảo lãnh và gửi quyết định này cho người vi phạm biết.

Tổ chức, cá nhân được giao giữ, bảo quản phương tiện trong thời gian đặt tiền bảo lãnh không được phép sử dụng phương tiện đó tham gia giao thông, không được tự ý thay đổi nơi giữ, bảo quản nếu không được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền tạm giữ.

Về lo ngại người vi phạm vẫn sẽ sử dụng phương tiện để tham gia giao thông, một cán bộ Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, giấy chứng nhận đăng ký phương tiện sẽ bị tạm giữ để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt. Nếu vi phạm quy định này, chiếc xe sẽ bị đưa về nơi tạm giữ của cơ quan chức năng.

Trung tá Vũ Văn Hoài phân tích, khi tạm giữ phương tiện, chủ phương tiện ngoài việc nộp phạt phải trả chi phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản phương tiện… trong thời gian phương tiện bị tạm giữ. Trong khi đó, bảo lãnh xe về để tự bảo quản, chủ xe sẽ chỉ mất tiền nộp phạt. Còn với CSGT, việc bảo lãnh phương tiện sẽ giúp họ không phải “đau đầu” với việc tìm chỗ trông giữ trong bối cảnh các bãi trông giữ xe vi phạm đang quá tải nghiêm trọng.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, quy định mới về đặt tiền bảo lãnh xe là rất phù hợp trong bối cảnh các bãi trông giữ xe vi phạm đều quá tải, điều kiện không đảm bảo như hiện nay.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM cũng cho rằng, quy định giao phương tiện cho người vi phạm trông giữ, bảo quản trước đây cũng đã có, song lần này đã cụ thể, đơn giản hơn rất nhiều nên sẽ khả thi hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.