Hạ tầng

Đất vàng đường sắt đang lãng phí nghìn tỷ

07/12/2019, 06:34

Đường sắt đang quản lý 297 nhà ga với tổng diện tích 9,4 triệu m2, trong đó, có trên 10 khu ga là vị trí đất vàng ở các thành phố, đô thị lớn.

img
Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh

Trong khi nhà nước không có đủ kinh phí bảo trì, cải tạo các nhà ga, nhưng chính các nhà ga ở vị trí vàng lại đang không phát huy được lợi thế thương mại, để lãng phí hàng nghìn tỷ mỗi năm. Vì sao lại như vậy? Báo Giao đối thoại với ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN xung quanh vấn đề này.

Kinh phí bảo trì chỉ quét vôi cũng không đủ

Đường sắt đang quản lý 297 nhà ga, đa phần nằm trên “đất vàng” trải khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Tình trạng của các nhà ga này hiện nay thế nào, thưa ông?

Đúng là đường sắt đang quản lý tới 297 nhà ga, nhưng phần lớn có quy mô nhỏ, hạ tầng cũ kỹ. Phần lớn trong số này là nhà ga, kho ga cấp IV, tiêu chuẩn kỹ thuật rất thấp. Tổng diện tích đất nhà ga, khu ga lên tới 9,4 triệu m2, trong đó có trên 10 khu ga nằm tại những vị trí đắc địa của các thành phố, đô thị lớn của đất nước.

Có tới 220 công trình kiến trúc đã quá niên hạn sử dụng, với hơn 45 nghìn m2, trong đó có 25 công trình được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Về hệ thống kho ga, bãi hàng, hiện cũng có hơn 38,5 nghìn m2, chủ yếu đã đầu tư từ nhiều năm trước.

Lý do xuống cấp chủ yếu do thiếu vốn đầu tư. Vốn ngân sách hạn hẹp nên nhiều năm qua, đầu tư cho đường sắt không được bao nhiêu. Trung bình mỗi năm, Nhà nước cấp vốn bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt (KCHTĐS) chỉ được khoảng 40% định mức kinh tế kỹ thuật tính đủ. Từ 2011 đến 2019, kinh phí nâng cấp, cải tạo tài sản KCHTĐS bình quân chỉ khoảng 1.022 tỷ đồng/năm, chỉ chiếm 2,34% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cho ngành GTVT.

Bình quân hàng năm duyệt chi cho bảo trì nhà ga chỉ khoảng 50 tỷ đồng. Số kinh phí này chia đều cho 297 nhà ga thì quét vôi ve cũng không đủ. Có năm còn thấp hơn, như năm 2018 chỉ được cấp 37 tỷ đồng. Một số công trình tại các nhà ga để phục vụ hành khách như: Mái che, ke ga, chỉnh tu, sửa sang kiến trúc… phải lấy từ kinh phí sửa chữa định kỳ và vẫn trong nguồn vốn cấp cho bảo trì hạ tầng hàng năm, nghĩa là vẫn phải “giật gấu vá vai”.

Trong khi đó, Tổng công ty Đường sắt VN có muốn bỏ tiền đầu tư cũng không được. Vì cho đến nay, tất cả cơ chế, chính sách về khai thác, kinh doanh tài sản KCHTĐS đều không có cơ chế cho phép Tổng công ty Đường sắt VN được trực tiếp đầu tư hoặc hợp tác với các doanh nghiệp khác đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo tài sản KCHTĐS. Chính vì vậy, kết quả kinh doanh cho thuê tài sản KCHTĐS cho đến nay cũng chỉ được khoảng 100 tỷ đồng/năm.

Đề xuất giao tài sản khu ga để doanh nghiệp tự đầu tư

img
Theo ông Vũ Anh Minh, mỗi năm nhà nước chỉ cấp vài chục tỷ đồng để tu bổ khu ga, nên chỉ đủ tiền quét vôi, trong khi những khu đất vàng này lại chưa có cơ chế cho phép xã hội hoá để khai thác các giá trị thương mại (Trong ảnh: Ga Hà Nội). Ảnh: Khánh Linh

Như ông nói, hiện không có cơ chế để doanh nghiệp tự đầu tư?

Đúng là như vậy, cơ chế hiện nay, Tổng công ty Đường sắt VN không được trực tiếp đầu tư. Cơ chế này rõ ràng bất cập, thậm chí gây lãng phí lớn tài sản nhà nước vì không thể khai thác, kinh doanh được nguồn lực tài sản, đất đai tại 297 khu ga này.

Mới đây, Tổng công ty Đường sắt VN đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao phần tài sản KCHTĐS quốc gia do nhà nước đầu tư gồm toàn bộ 297 nhà ga, kho hàng, bãi hàng, nhà cung cầu, cung đường và toàn bộ tuyến Đà Lạt - Trại Mát giao cho Tổng công ty Đường sắt VN theo hình thức đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Khi đó, các tài sản này do Tổng công ty đứng tên sở hữu và có thể chủ động đầu tư hoặc hợp tác đầu tư để xây mới, nâng cấp nhà ga thành các khu trung tâm phức hợp hiện đại. Ngoài công năng chính là phục vụ vận tải như: Phòng đợi, bãi hàng, kho... sẽ có các chức năng thương mại khác như: Siêu thị, cho thuê văn phòng.

Lợi ích của việc giao tài sản khu ga cho Tổng công ty Đường sắt thế nào, ông có thể nêu cụ thể?

Có rất nhiều lợi ích từ cơ chế này. Đầu tiên là có được nguồn vốn để cải thiện hạ tầng khu ga mà không cần trông chờ vào ngân sách Nhà nước. Nhà nước không phải mất khoản kinh phí bảo trì hàng năm hay kinh phí đầu tư, vì trách nhiệm này sẽ thuộc về Tổng công ty sau khi giao tài sản. Hiện tổng giá trị các khu ga này trên sổ sách chỉ còn hơn 147 tỷ đồng. Nếu giao cho Tổng công ty sẽ phải định giá lại, khi đó giá trị sẽ lên khoảng 500 tỷ đồng. Nghĩa là sẽ tăng giá trị vốn Nhà nước tại doanh nghiệp lên hàng trăm tỷ đồng.

Bên cạnh đó là nhiều lợi ích khác nữa. Ví dụ, sau nâng cấp, khu ga Hà Nội được phép cho thuê hạ tầng, sẽ thu được khoảng 1.000 tỷ/năm, thành phố Hà Nội sẽ thu được khoảng 100 tỷ tiền thuế giá trị gia tăng, Nhà nước thu được 200 tỷ tiền cho thuê hạ tầng, mà cụ thể là thuê đất (theo quy định hiện hành, Nhà nước thu 20% tiền cho thuê mặt bằng, hạ tầng khu ga), còn doanh nghiệp có 700 tỷ để chi phí.

Với doanh thu có được từ cho thuê hạ tầng ga, Tổng công ty Đường sắt VN sẽ lấy từ nguồn thu này để chi cho các chi phí điều hành, nuôi bộ máy tổ chức, phục vụ chạy tàu, từ quản lý đến lao động trực tiếp và chi cho bảo trì nhà ga, tái đầu tư; thay vì thu phí điều hành giao thông đường sắt từ các công ty vận tải như hiện nay. Các công ty vận tải sẽ không phải trả Tổng công ty phí điều hành giao thông, hoặc nếu có cũng sẽ ít hơn, từ đó có cơ hội giảm giá vé, giảm giá cước và mới cạnh tranh được với các phương tiện khác.

Quan trọng nhất là khi được đầu tư, diện mạo nhà ga sẽ thay đổi, hiện đại hơn, khang trang hơn, chất lượng phục vụ hành khách và hàng hóa tại nhà ga cũng sẽ được nâng lên nhiều.

Có lo “đất vàng” nhà ga biến thành đất ở, thương mại?

img
Ga Đà Lạt trên tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát. Ảnh: Khánh Linh

Nếu được đồng ý về chủ trương giao tài sản trên, phương án đầu tư của Tổng công ty Đường sắt như thế nào, ưu tiên ga nào trước?

Chúng tôi dự định sẽ chủ động đầu tư hoặc hợp tác đầu tư để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các nhà ga, trước mắt là khoảng 5 nhà ga có lợi thế thương mại tại các thành phố, đô thị lớn như: Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng. Cùng đó sẽ đầu tư nâng cấp các kho hàng, bãi hàng tại 6 ga đầu mối hàng hóa như: Đồng Đăng, Hải Phòng, Đông Anh, Yên Viên, Kim Liên, Sóng Thần, đảm bảo đủ tiêu chuẩn để xếp dỡ container và lưu kho các mặt hàng có giá trị cao.

Các nhà ga đường sắt đa phần ở trung tâm đô thị, có giá trị thương mại lớn, là “đất vàng”. Nhiều ý kiến băn khoăn nếu giao tài sản cho Tổng công ty Đường sắt VN, doanh nghiệp sẽ tính toán chuyển đổi mục đích, công năng các nhà ga để kinh doanh bất động sản, thương mại. Quan điểm của ông thế nào?

Các quy định pháp luật hiện nay rất chặt chẽ, Tổng công ty Đường sắt VN có muốn độc quyền hay chuyển mục đích cũng không được. Khi Tổng công ty Đường sắt VN đầu tư hay hợp tác đầu tư vẫn phải xin ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền như: Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Ví dụ, thiết kế chi tiết phải được Bộ GTVT phê duyệt. Phân khu nào phục vụ hành khách, lượng hành khách dự báo bao nhiêu tương đương sẽ là bao nhiêu mét vuông phòng đợi, bao nhiêu mét vuông là khu vực bán vé, dịch vụ, phục vụ chạy tàu… Nghĩa là ưu tiên số một vẫn là phục vụ cho tổ chức chạy tàu, phục vụ vận tải, còn lại mới là khu thương mại.

Nhiều người chưa phân biệt rõ giữa đất khu ga với các loại hình đất khác, dù đều là “đất vàng”. Đất khu ga là đất thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt, kết cấu hạ tầng giao thông, nghĩa là theo luật, không bao giờ được phép chuyển đổi thành đất nhà ở hay đất thương mại, chỉ có thể khai thác để nâng cao giá trị gia tăng của tài sản. Nhà đầu tư chỉ có tài sản trên đất và được khai thác trong bao nhiêu năm, sau đó phải trả lại Nhà nước.

Cảm ơn ông!

GS. TS. Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ:

img

Khai thác dịch vụ nhà ga thành nơi kết hợp với trung tâm thương mại để đa dạng hóa dịch vụ tại những ga thuộc các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... là rất cần thiết. Đó chính là tạo điều kiện cho xã hội hóa và chúng ta sử dụng nguồn lực mà chúng ta đang có một cách hiệu quả hơn.

Chúng ta phải coi đây là những trung tâm thương mại đặc biệt, làm sao cho các nhà ga vừa là trung tâm dịch vụ thương mại, vừa giữ được những nét kiến trúc truyền thống. Nó mang ý nghĩa một phần kinh doanh thương mại, nhưng phần quan trọng hơn nữa là phục vụ hành khách, không bị thương mại hóa hoàn toàn. Tôi nghĩ nên làm thí điểm ở một vài nhà ga quan trọng, nên mời gọi những tập đoàn, nhà đầu tư lớn với lập trường, quan điểm đầu tư dài hạn để có thể giữ được vẻ đẹp, kiến trúc của các nhà ga đó. Tuy nhiên phải có phân tích chi phí lợi ích toàn diện, kỹ lưỡng, chắc chắn khi thực hiện.

Ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt VN:

img

Điều 4 Luật Đường sắt 2017 đã quy định rõ, nguyên tắc trong hoạt động đường sắt là điều hành tập trung, thống nhất; bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh đường sắt. Cũng theo Luật Đường sắt thì cho dù là kết cấu hạ tầng ở ga hay ở khu gian do Nhà nước đầu tư, đều là tài sản của Nhà nước mà đại diện chủ sở hữu thay mặt Chính phủ là Bộ GTVT. Bộ GTVT chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý, sử dụng tài sản này. Còn Tổng công ty Đường sắt VN là doanh nghiệp kinh doanh đường sắt được giao quản lý, sử dụng, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt.

Công trình ga là một trong những hạng mục của cả tuyến đường sắt. Hành khách muốn vào ga đi tàu hay khách hàng muốn vào ga để thuê vận chuyển hàng hóa bằng tàu đều phải qua ga. Tổng công ty Đường sắt VN đề xuất giao toàn bộ 297 ga và tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát. Tuy nhiên, việc quản lý và sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng phải tuân thủ Luật Đường sắt, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định 46/2018/NĐ-CP Quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Vì vậy, Tổng công ty cần có đề án rất cụ thể, theo đúng pháp luật để trình các cấp có thẩm quyền và phải được Chính phủ phê duyệt. Đề án đó phải nêu ra được phương án đầu tư như thế nào, phương án tài chính, huy động vốn ra sao vì việc phát triển nhà ga không những phải theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mà còn phải phù hợp với phát triển kinh tế địa phương. Nói chung, đề án phải rất mạch lạc, chi tiết, nêu được tổng thể phương án định làm gì, làm như thế nào, cơ chế ra sao, cần Nhà nước hỗ trợ gì, doanh nghiệp sẽ bỏ ra những gì… và phải tuân thủ nguyên tắc của Luật Đường sắt như tôi đã nêu ở trên. Thậm chí, phương án đầu tư phải chi tiết đến tận mỗi ga cụ thể vì hiện nay ranh giới giữa khu phục vụ chạy tàu và khu vực phục vụ thương mại chưa rõ ràng.

Ông Phạm Thanh Quang - chuyên gia Hội Kinh tế và vận tải đường sắt VN:

img

Tôi cho rằng đề xuất này của Tổng công ty Đường sắt VN là hợp lý. Vì thực tế nhiều nước đã có chính sách cho phép đường sắt xây dựng, khai thác nhà ga như vậy rồi. Cơ chế cho đường sắt của các nước rất khác nhau, nhưng nhìn chung Chính phủ rất quan tâm và hỗ trợ đường sắt, có vậy đường sắt mới phát triển được. Trong đó cho phép khai thác hạ tầng tại ga, đây là nguồn thu của đường sắt để đảm bảo cho vận hành đường sắt, hỗ trợ thêm, giảm áp lực cho vận tải vì kinh doanh đường sắt mang tính toàn ngành.

Đường sắt đang trong giai đoạn khó khăn nhất vì đang kinh doanh trên cơ sở hạ tầng đã được đầu tư hàng trăm năm nay, trong khi các phương thức khác đã và đang được đầu tư rất lớn. Thành ra đường sắt sẽ ngày càng tụt hậu. Không phải đường sắt không đổi mới nhưng cũng chỉ đến vậy vì hạ tầng vẫn vậy, phương tiện đầu máy - toa xe đa số đã cũ, sử dụng nhiều năm. Vì vậy, đường sắt rất cần cơ chế hỗ trợ từ Nhà nước để phát triển.

Việc đầu tư tại các khu ga sẽ giúp gia tăng các dịch vụ thu hút khách hàng, nhất là việc đầu tư kho, bãi hàng, bãi container phục vụ vận tải hàng hóa. Đối với khu phục vụ hành khách như phòng chờ, dịch vụ ăn uống, siêu thị… mang tính tương lai nhiều hơn, trước mắt cũng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu. Vì khách có nhiều lên thì mới phát triển các dịch vụ để đáp ứng. Tuy vậy, vẫn cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ từ bây giờ, tạo đà cho phát triển tương lai sau này.

Còn vấn đề lo ngại liệu giao như vậy sẽ dẫn đến độc quyền trong đầu tư hạ tầng khu ga không? Tôi cho rằng không nên quá lo ngại vì đất nhà ga vẫn là sở hữu Nhà nước, tài sản trên đất khi giao về Tổng công ty thì Tổng công ty phải nhận vốn và bảo toàn vốn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.