Bất động sản

Đất vàng, giá "bèo" ở Nghệ An: Vì sao KĐT được nằm dưới đường điện cao thế?

06/04/2022, 17:10

Luật Điện lực quy định trong phạm vi đường điện cao thế 220Kv và hành lang 6m không được xây công trình, nhà ở.

Tiếp tục tìm hiểu về dự án BT của Công ty CP Đầu tư và thương mại Hùng Sơn được ưu ái giao sử dụng “đất vàng” với “giá bèo” ở Nghệ An, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi một khu đô thị có tầm cỡ lại được đặt dưới đường điện cao thế 220Kv.

img

Khu đô thị và nhà ở nằm ngay dưới đường điện cao thế 220Kv

Ưu ái cấp đất ở đô thị dưới đường điện cao thế

Theo đó, khu A của lô đất có diện tích 78.543m2 được duyệt xây dựng 33 lô nhà ở biệt thự và 212 lô nhà ở liền kề kết hợp thương mại, chiều cao 3 - 5 tầng. Thế nhưng nằm trên khu đất này là đường điện cao thế 220Kv.

Ông Phạm Thanh Hải - Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện Nghệ An khẳng định, theo luật, trong phạm vi đường điện cao thế 220Kv và hành lang 6m thì không được phép xây dựng công trình, đặc biệt là nhà ở. Đường điện cao thế 220Kv qua khu vực thị trấn Yên Thành được xây dựng từ những năm 1981 - 1982. Thời điểm đó, thị trấn còn nhỏ. Nơi đường dây đi qua chủ yếu là đồng ruộng. Qua thời gian, xã hội phát triển, nhu cầu nhà ở tăng cao nên đến nay thị trấn được mở rộng, nhưng phạm vi hành lang an toàn lưới điện 6m thì tuyệt đối không được cấp phép xây dựng nhà ở”.

“Đối với Dự án khu đô thị tại thị trấn Yên Thành, quá trình triển khai, chủ đầu tư có xin được đắp nền. Chúng tôi cũng đã yêu cầu trong phạm vi hành lang không được tập kết vật liệu, để rào tôn cao gây mất an toàn khi dây võng lắc có thể phóng điện. Hiện tại họ cũng chỉ đổ đất chứ chưa xây dựng gì. Khi nào họ xây dựng mặt bằng, chúng tôi sẽ theo dõi và làm việc với Sở Xây dựng trước khi cấp phép xây dựng, đảm bảo đúng quy định”, ông Hải thông tin thêm.

img

Bản vẽ quy hoạch 1/500 thể hiện rõ đường điện cao thế cắt chéo Khu đô thị thị trấn Yên Thành

Trao đổi với PV qua điện thoại, một lãnh đạo Sở Xây dựng Nghệ An cho biết: Các nhà ở dưới 7 tầng trong khu đô thị không cần cấp phép xây dựng. Còn đối với các công trình nhà, trung tâm thương mại dịch vụ thì chủ đầu tư phải xin cấp phép mới được xây dựng. Riêng về xây dựng hạ tầng Khu đô thị tại thị trấn Yên Thành, tỉnh đã giao đất cho công ty Hùng Sơn, còn cấp phép chưa thì không rõ. Có thể huyện cấp.

Trong khi đó, ông Phan Huy Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Yên Thành lại khẳng định: Huyện chỉ là đơn vị được tỉnh uỷ quyền để giám sát. Còn về việc giao đất, phê duyệt xây dựng bên trong khu đất nông nghiệp rộng 96.543m2 (dùng để đổi lấy 2 tuyến đường) đều do các sở ngành liên quan và tỉnh chỉ đạo thực hiện.

Đường đắt đỏ, KĐT được xây nhà mật độ cao

Theo tìm hiểu của PV, dự án này được Sở Xây dựng Nghệ An thẩm định điều chỉnh quy hoạch 1/500 vào ngày 06/01/2021. Sau đó, tỉnh Nghệ An phê duyệt quy hoạch 1/500. Ở đây, tỉnh cho phép Công ty CP Đầu tư và thương mại Hùng Sơn được xây dựng 2 khu đô thị có diện tích 9,65 ha. Riêng khu A được cấp tới 7,8ha, trong đó bao gồm cả 3.343m2 đất hành lang an toàn đường điện. Đồng thời, cho tăng diện tích để xây dựng nhà ở biệt thự, tăng đất xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ, mở rộng đường giao thông từ 10 lên thành 12m (tổng tăng 3.652m2), nhưng lại giảm đất xây dựng trường mầm non, giảm đất cây xanh, thể dục thể thao, mương thoát nước với tổng diện tích giảm là hơn 2.000m2. Ngoài ra, cho phép xây dựng nhà ở và Trung tâm thương mại với mật độ là 58,46% tổng diện tích đất.

Theo đánh giá của các chuyên gia xây dựng, đây là “tỉ lệ cao khi cấp phép xây dựng nhà ở. Nhất là đối với các Khu đô thị mới, những phân khu còn nhiều quỹ đất”.

img

Nằm ở vị trí đắc địa, Khu đô thị này được "ưu ái" xây dựng nhà ở với mật độ cao ngất ngưởng (Ảnh: Phạm Phú)

Việc ưu ái cho điều chỉnh tăng diện tích đất xây nhà ở, giảm đất cây xanh cũng xảy ra đối với khu B. Thậm chí, mật độ xây dựng nhà ở liền kề của khu này còn cao ngất, lên đến 65,18%.

Cần phải nhắc lại rằng, cả 2 khu đất này dùng để đối ứng cho dự án BT của 2 đoạn đường nội thị dài chưa đến 1,2km, chi phí xây dựng 40,15 tỉ đồng.

Khi xem quy mô của tuyến đường, lãnh đạo Ban QLDA 4 (Bộ GTVT) và lãnh đạo Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh đều khẳng định: “Với quy mô đường: dài 1,196km; Bnền=12m; Bmặt=11m; kết cấu thảm một lớp 7cm; cống dọc D0,8-1m dài 2,262m; cống qua đường 5cống: 3cống loại 1x1m, 1 cống loại 2x2m và 1 cống loại 2x3x3m; có hệ thống chiếu sáng trên tuyến... mà chi phí xây dựng lên tới 40,15 tỷ đồng là cao. Đặc biệt là ở thời điểm tính giá năm 2017”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.