Chuyện dọc đường

Dấu ấn Việt Nam và khát vọng hùng cường

22/01/2023, 02:53

Trong thời khắc này, chúng ta lại nhớ đến Bác Hồ, người đã truyền cảm hứng và khát vọng cho toàn dân tộc.

Một dân tộc thông minh, cần cù thì không cam chịu yếu kém và nghèo nàn. Một dân tộc hiếu học thì không thể chấp nhận tụt hậu về khoa học và tri thức…

Dấu ấn Việt Nam đã được thể hiện trong năm 2022 đầy khó khăn, thách thức. Dấu ấn đó giúp chúng ta tự tin hơn trên hành trình tới khát vọng hùng cường.

img

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết đồng bào xã Việt Hưng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội sáng mùng 1 Tết, ngày 8/2/1958

Điểm sáng giữa thế giới nhiều bất ổn

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mùa Xuân có ý nghĩa đặc biệt đối với đất nước, dân tộc và từng người dân Việt Nam. Vì vậy, mỗi khi Tết đến Xuân về, Bác đều dành những lời thơ hay nhất, những lời thăm hỏi ân cần nhất và cả những sự quan tâm thiết thực nhất đối với mọi người dân Việt Nam.

Một mùa Xuân nữa lại về, Tết lại đến, chúng ta lại nhớ đến những việc làm tràn đầy tình thương yêu của Bác với toàn thể nhân dân, nhớ tới sự chăm sóc ân cần của Người tới mọi thế hệ người Việt Nam.

Những hình ảnh ấy, lời nói ấy của Bác sẽ còn sống mãi như những điều kỳ diệu của lòng tin, sự biết ơn, làm nên sức mạnh để chúng ta bước vào một năm mới tràn đầy sức Xuân.

Năm 2022 đi qua với những dấu ấn đặc biệt về nỗ lực lớn lao, những thành tựu, kết quả rất đáng khích lệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Trong năm vừa qua, Việt Nam đã có những kết quả vượt ngoài mong đợi: Từ câu chuyện ghi dấu ấn trên trường quốc tế, kinh tế tăng trưởng giữa lúc thế giới nhiều bất ổn; cho đến việc đảm bảo an sinh xã hội và các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng trong nước, thế giới phải đối mặt đa khủng hoảng, kéo theo đó là những thách thức, khó khăn mà các quốc gia trên thế giới và cả Việt Nam phải đối mặt.

Chúng ta sẽ phải làm gì, làm như thế nào để vượt qua những khó khăn, hóa giải những thách thức sắp tới? Trên hành trình vươn tới hùng cường, thịnh vượng, đâu là những thứ cần phải lưu tâm?

Tự lực tự cường, sáng tạo và quảng giao

Trong thời khắc này, chúng ta lại nhớ đến Bác Hồ, người đã truyền cảm hứng và khát vọng cho toàn dân tộc. Khát vọng của Bác là: Nước độc lập, dân tự do, ấm no, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Người luôn luôn truyền cảm hứng khát vọng đó cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong suốt quá trình cách mạng.

Và chúng ta cũng hiểu rằng, khát vọng đó không phải cứ muốn là được. Khát vọng đó phải thể hiện trong tư duy và hành động. Phải học mọi thứ, học lý luận, học thực tế.

Thầy giáo là chính cuộc sống. Nhưng, không thể giáo điều, tức là không phải người ta làm thế nào thì mình cứ bắt chước làm như thế đó. Ở đây rất cần sự sáng tạo. Sáng tạo, sáng tạo và sáng tạo! Đó là tính cách ăn vào máu thịt của Bác.

Những năm đổi mới sau khi nước nhà được thống nhất, khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc ngày càng cháy bỏng hơn khi thế giới bước vào toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Đất nước cần tiến nhanh hơn. Nhưng nhanh ở đây là phải bền vững, chứ không phải bất chấp tất cả, trong đó có luận đề “Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”.

Bao giờ cũng vậy, dân tộc muốn cường thịnh thì phải có ý chí tự lực tự cường. Nếu khát vọng chỉ thể hiện bằng lời nói, chỉ thể hiện trên giấy với những lời lẽ hoa mỹ, ở những câu khẩu hiệu rỗng tuếch, rồi ngồi đấy mà chờ người ta giúp thì khát vọng ấy là khát vọng viển vông.

Ý chí tự lực, tự cường của đất nước ta hiện nay, biện chứng thay, như Đảng ta đã nói, là không phải cứ bo bo “giữ mình” không giao lưu với ai, cấm cửa, cấm vận mà phải nói bằng cụm từ “hợp tác quốc tế”. Mà đã gọi là hợp tác thì hai bên phải “có đi có lại mới toại lòng nhau”.

Đất nước phải tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa trong toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; phải là bạn của tất cả các nước, là đối tác đáng tin cậy, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Tự co mình lại trong thế giới toàn cầu hóa là đi ngược lại xu thế phát triển. Do vậy, phải quảng giao hơn nữa theo quan điểm của Bác: “Tứ hải giai huynh đệ”, nghĩa là “anh em bốn biển một nhà”.

Ý chí tự lực tự cường đi đôi với bảo đảm các quyền dân tộc cơ bản: Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, không để một tấc đất rơi vào tay kẻ khác.

Hợp tác quốc tế để phát triển bền vững là phải trên cơ sở nhận và cho để biến ngoại lực thành nội lực; tăng cường năng lực cạnh tranh để có thể đứng vững trong bối cảnh hội nhập sâu và ngày càng phát triển hơn nữa giá trị gia tăng.

Công tác cán bộ - gốc rễ mọi vấn đề

Đại dịch Covid-19 vừa qua cứ như là một thuốc thử liều cao mà trong đó cả cái hay và cái dở đều bộc lộ ra. Nó cũng đưa lại nhiều bài học mà cái giá phải trả không hề rẻ khi đội ngũ cán bộ có không ít người sa ngã, đi ngược lại lợi ích của Đảng, của nhân dân, đất nước.

Đảng phải thực sự tiến hành thật tốt tất cả các công việc nhằm xứng đáng là Đảng cầm quyền, giữ vững và phát huy tư cách cầm quyền. Nói “thực sự” nghĩa là từ trong thực chất chứ không phải bằng các biện pháp hành chính, mệnh lệnh. Mà muốn xứng đáng thì Đảng cần có nhiều tố chất, đặc biệt là các tổ chức của hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên phải có “2 T”, nghĩa là phải vừa có tâm phải vừa có tầm. Họ phải gương mẫu, nhất là cấp lãnh đạo chủ chốt.

Rõ ràng với công cuộc “đốt lò” mà Đảng đang tiến hành, với rất nhiều cán bộ nhúng chàm đã bị xử lý, có thể thấy công tác cán bộ thời gian qua là chưa tốt. Bởi thế, cần có những đổi mới quyết liệt hơn nữa trong lĩnh vực này.

Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém, hay nói cách khác, công tác cán bộ là then chốt của then chốt.

Bên cạnh đó, tìm mọi cách tăng cường hơn nữa chất lượng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thời nào cùng vậy, không có đoàn kết thì không thể làm được gì thành công.

Đặc điểm của khối đại đoàn kết hiện nay cũng khác trước. Một vấn đề trong xã hội không phải ai cũng nghĩ giống nhau. Vấn đề là ở chỗ tôn trọng nhau, lắng nghe để tìm ra chân lý.

Có một câu chuyện nữa là hãy khắc phục cho bằng được 4 biểu hiện của bệnh “Nói - Làm”: Nói nhiều nhưng làm thì ít; Nói hay nhưng làm thì dở; Nói mà không làm; Nói một đằng làm một nẻo.

Hãy “xắn tay áo lên làm” như Bác nói với cán bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa khi về thăm tháng 2/1947 trước khi trở lại Tân Trào.

GS. TS. Mạch Quang Thắng
(Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.