Bạn cần biết

Dầu cá Trung Quốc ăn mòn xốp được minh oan

08/01/2016, 06:23

Xôn xao dầu cá Trung Quốc ăn mòn xốp. Tuy nhiên, Bộ Y tế khẳng định các loại dầu cá đều ăn mòn xốp

8
Kết quả thử nghiệm của Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh ATTP Quốc gia Omega-3 trên xốp

“Giật mình” dầu cá có khả năng ăn mòn xốp

Nhiều năm nay, sản phẩm Omega-3 đã được người tiêu dùng mọi lứa tuổi sử dụng. Trên thị trường, loại thực phẩm chức năng (TPCN) này được bày bán với nhiều xuất xứ khác nhau và giá cả cũng chênh lệch từ 100 nghìn đến cả triệu đồng/lọ sản phẩm.

Tuy nhiên, thông tin làm nhiều người tiêu dùng hoang mang là ngày 5/1, người dân mang đến Chi cục ATTP Quảng Ngãi hai lọ Omega-3 được cho là do Trung Quốc sản xuất không rõ có hiện tượng ăn mòn miếng xốp.

Trước thông tin rộ trên báo chí, chị Nguyễn Thị Minh (trú tại Láng Hạ, Hà Nội) cho PV Báo Giao thông biết, gia đình chị đã nói “không” với TPCN Omega-3 từ hơn một năm nay cũng vì lý do này. Chị Minh kể: “Một năm trước đây, khi được người bạn tặng một lọ Omega-3, tôi vô tình làm vỡ viên nang rồi dây lên hộp xốp, chỉ sau vài phút, miếng xốp bị ăn mòn. Phát hoảng nên cả nhà không dùng loại này từ đó”.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế cho biết, đây là thông tin dễ gây hoang mang dư luận, do đó phải kiểm tra thận trọng. Vì yêu cầu số một là bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, thứ hai thông tin phải đảm bảo chính xác, khách quan để đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp. Chính vì vậy, ngay sau khi nhận được thông tin này, Cục ATTP đã chỉ đạo Chi cục ATTP Quảng Ngãi báo cáo khẩn nội dung sự việc; Đồng thời, yêu cầu Viện Kiểm nghiệm vệ sinh ATTP Quốc gia tiến hành lấy mẫu và phân tích các loại dầu cá là thực phẩm chức năng đang lưu hành trên thị trường.

Minh oan cho omega

Tại cuộc họp báo chiều 7/1, tại Cục ATTP, Bộ Y tế, các cán bộ Viện Kiểm nghiệm vệ sinh ATTP Quốc gia đã thử nghiệm ba loại Omega-3 có xuất xứ rõ ràng từ Việt Nam, Trung Quốc và Mỹ trên xốp. Kết quả, chỉ sau 5 phút, tại nơi nhỏ Omega-3 miếng xốp bị ăn mòn và tạo nên lỗ thủng lớn.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, theo chỉ đạo của Bộ, ngay trong đêm 6/1, Viện Kiểm nghiệm vệ sinh ATTP Quốc gia đã tiến hành thử nghiệm với các loại dầu cá có nguồn gốc khác nhau: Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Việt Nam thì tất các các loại dầu cá đều có kết quả “ăn mòn xốp”. Đồng thời, tiến hành phân tích trên máy, sáng ngày 7/1/2016 cũng cho kết quả “không thấy bất thường về ATTP đối với các dầu cá nói trên”.

Ông Phong khuyến cáo,  tất cả các mặt hàng TPCN với nhãn mác “xách tay” đều chưa được cơ quan quản lý Nhà nước kiểm định về chất lượng. Để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm TPCN, người tiêu dùng có thể vào trang web của Cục để theo dõi, đối chứng. Sắp tới để, Cục sẽ phối hợp với một số đơn vị đưa ra một ứng dụng truy xuất mới thông qua điện thoại thông minh. Người dân chỉ cần soi mã số sản phẩm qua điện thoại, mọi thông tin xuất xứ, giấy phép kiểm định, lưu hành sẽ đều hiển thị.

Song song với kết quả này, Cục đã liên hệ với các tổ chức và chuyên gia quốc tế hàng đầu về ATTP để tìm hiểu thông tin này. Ông Long cho biết, thông tin từ các chuyên gia cho thấy dầu cá tự nhiên có chứa các chất béo không ester hoá, nhưng nếu để như vậy thì dầu cá sẽ bị phân hủy. Vì thế, để đảm bảo ổn định, đồng thời tạo ra các đặc tính có lợi khác, các loại dầu cá đều được ester hóa. “Với bản chất là chất béo ester hóa như vậy tất cả các loại dầu cá đều có tác dụng làm tan xốp (thành phần là polystyrene) và thời gian hòa tan nhanh hay chậm phụ thuộc vào loại dầu cá khác nhau”, ông Phong khẳng định.

Cùng quan điểm, chuyên gia Hóa học Trần Hồng Côn, Trường ĐH Tự nhiên Hà Nội cũng khẳng định: “Việc dầu cá ăn mòn xốp là hoàn toàn bình thường. Nhiều người quan ngại về vấn đề này là do chưa hiểu đó chỉ là một phản ứng hóa học thông thường”.

Trước câu hỏi liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, ông Nguyễn Thanh Phong khẳng định: “Cơ thể người không có chất polystyrene như xốp, nên khi sử dụng dầu cá sẽ không có tương tác như vậy. Và chắc chắn không gây bất kỳ ảnh hưởng nào tới sức khỏe người sử dụng. Dầu cá được cơ thể người hấp thụ và chuyển hóa thành những chất có lợi cho sức khỏe”.

Ông Phong cũng thông tin thêm, riêng đối với hai trường hợp lọ Omega-3 ở Quảng Ngãi, Chi cục ATVSTP Quảng Ngãi cũng đã điều tra làm rõ đây không phải là sản phẩm được nhập khẩu chính thống vào Việt Nam và không phải là sản phẩm của Công ty Ngôi sao Việt.

“Người tiêu dùng không nên vội vã hoang mang trước các thông tin chưa được kiểm chứng. Tuy nhiên, người tiêu dùng tuyệt đối không mua và sử dụng thực phẩm nói chung, TPCN nói riêng, trong đó có cả các loại dầu cá mà không rõ nguồn gốc xuất xứ”, ông Phong khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.