Xã hội

Đau đầu tìm người làm sau Tết

02/03/2015, 06:44

Đến tận mùng 10 tháng Giêng, nhiều người làm công, người giúp việc gia đình vẫn chưa quay lại nơi làm việc

52

Quán cà phê trên phố Duy Tân dù đã gần Rằm tháng Giêng nhưng cũng mới có một nhân viên bàn quay lại làm việc - Ảnh: Khánh Linh

Ôsin thất hứa, người làm bặt tăm

Tối 28/2 (mùng 10 tháng Giêng Ất Mùi), chị Lê Thanh Huyền (trú tại Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) mừng quýnh bởi sau nhiều lần điện thoại mà người giúp việc của gia đình không bắt máy thì bác ấy lại bất ngờ gọi lại cho gia chủ. Những tưởng từ mai thoát cảnh hai vợ chồng chia ca ở nhà trông con nhỏ, ai dè qua điện thoại, người giúp việc thông báo ngắn gọn: “Không lên làm nữa”.

Để giữ người giúp việc, trước khi nghỉ Tết, chị Huyền đã trả đủ lương, mừng tuổi 1 triệu đồng, gửi một túi quà Tết to và hứa sẽ mừng tuổi nữa nếu bác giúp việc lên đúng hẹn. “Khi về quê, bác giúp việc hứa mùng 5 lên để mùng 6 tôi còn đi làm, ai dè bác ấy cứ lần lữa trễ hẹn, rồi nay đột ngột nghỉ, cũng không nói rõ lý do. Giờ tôi đành gửi tạm con về quê với bà nội chờ tìm giúp việc mới”, chị Huyền than.

"Những người làm nghề giúp việc vẫn chưa coi đây là một nghề, chưa có trách nhiệm với nghề của mình, thích làm việc theo kiểu tự phát, thời vụ”.

Ông Thạch Anh
Công ty Thiên Gia

Anh Nguyễn Đình Tùng (Thạch Bàn, Gia Lâm, Hà Nội) cũng đang bức xúc vì chuyện người giúp việc mấy hôm nay. Nhà anh có mẹ già liệt nửa người, nên thuê chị giúp việc này đã hai năm nay, lương trả 3,5 triệu đồng/tháng. “Cả nhà tôi coi chị giúp việc như người thân, Tết đến quà cáp, lương thưởng đầy đủ, giao hẹn mùng 5 lên. Ai dè, chiều mùng 5 chị ấy nhắn: “Không lên trước rằm”. Cần người, tôi gọi lại thì chị ấy đòi tăng lương lên 4 triệu, mà vẫn đủng đỉnh hẹn khoảng 11, 12 tháng Giêng mới lên. Đúng là “chiêu” đòi tăng lương sau Tết”, anh Tùng nói.

Còn nhà anh Nguyễn Thành Lâm, chủ một quán cà phê ở Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội thì đã quen cảnh cứ Tết xong, vợ chồng chủ quán sẽ kiêm thu ngân, pha chế, bưng bê, còn bố mẹ già thì vừa trông xe vừa phụ dọn dẹp.

“Năm nào cũng thế, cứ Tết xong là nhân viên của quán người thì nghỉ hẳn, người rong chơi hết Rằm tháng Giêng mới lên. Mùng 6 quán mở cửa mà năm người làm mới lên có một, nhiều lúc cao điểm, khách bỏ về vì mình không kịp phục vụ”, anh Lâm cho hay.

“Nóng” môi giới giúp việc

Không có người làm sau Tết, nhiều gia đình, cơ sở kinh doanh tại Hà Nội đã phải tìm đến các trung tâm môi giới người giúp việc, chấp nhận trả phí môi giới.

Theo bà Phương Nga, Trung tâm Môi giới người giúp việc Âu Cơ (Hà Nội), từ sau ngày mùng 5, đã có hơn hai chục cuộc gọi nhờ giới thiệu người giúp việc, thế nhưng Trung tâm cũng mới chỉ giới thiệu được cho 7 nhà vì “khan” người làm. “Ra Giêng, những người làm thuê chưa dứt được không khí hội hè, đình đám ở quê để lên Hà Nội làm việc; nhiều người không muốn đi nữa, nên các Trung tâm cũng rất khó tìm người. Hôm qua, trung tâm có năm người hứa lên nhận việc mà cũng chỉ có hai người lên thôi”, bà Nga cho biết.

Hiện các trung tâm giới thiệu việc làm yêu cầu khách hàng phải chờ từ năm ngày đến một tuần mới tìm được người giúp việc. Phí dịch vụ môi giới giúp việc cũng cao hơn, với 300 nghìn đồng/người và sau năm ngày nhận người sẽ phải chi thêm 600 nghìn đồng nữa, thế nhưng không phải ai cũng mượn được người làm. “Bí” người làm, nhiều gia đình chấp nhận thuê người giúp việc theo giờ với giá 150-200 nghìn đồng/giờ.

Theo ông Thạch Anh, Công ty Thiên Gia (Từ Liêm, Hà Nội) chuyên cung cấp dịch vụ giúp việc, mặc dù đã có nhiều chính sách ràng buộc như giữ một phần lương nhưng số người giúp việc sau Tết lên đúng hẹn cũng chỉ khoảng 70%. “Chỉ tính riêng ngày mùng 6 mở hàng đầu năm, đã có hơn 100 cuộc gọi tới đặt dịch vụ. Nhiều người nài nỉ, sẵn sàng trả giá cao để thuê được người. Tuy nhiên, hiện chúng tôi chỉ có thể cung cấp dịch vụ cho người đã đăng ký trước Tết”, ông Thạch Anh cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.