Có một điệu nhảy quốc dân phổ biến trên cả thế giới như Tango vẫn là mơ ước dang dở của Việt Nam |
Xấu hổ vì không có “quốc vũ”
Nói về chuyện “quốc vũ”, nhà nghiên cứu lý luận Bùi Đình Phiên kể lại những trải nghiệm cười ra nước mắt: “Năm 1975, tại TP Volgograd (Liên Xô cũ) có diễn ra buổi gặp gỡ giao lưu giữa thanh niên 2 nước Việt - Xô. Các bạn Nga sau một hồi nhảy các điệu tập thể của họ có đề nghị phía Việt Nam nhảy điệu truyền thống. Lúc ấy, tôi cùng nghệ sĩ Tô Việt Nga, anh Phạm Hùng Thoan bí quá, đành “liều mình cứu chúa” bằng điệu Lăm Vông của… Lào cho qua chuyện”. Chưa hết xấu hổ, năm 1999 ông Phiên dẫn đầu Đoàn Văn hóa Việt Nam đi liên hoan gặp gỡ ở châu Âu. “Các đoàn Nga, Cuba, Argentina đưa vào những điệu nhảy sôi động của mình, được đông đảo mọi người tham gia. Chúng tôi chẳng dám làm liều dùng “đạo vũ” như trước, vì các đoàn Lào, Campuchia cũng có mặt ở đó”. Máu tự ái nổi lên, đoàn Việt Nam cố tái dựng lại nhảy sạp vào hôm sau. Song, điệu này lại… chuyên nghiệp quá khiến bạn bè quốc tế kẹp chân, vấp ngã liên tục thành ra không dám tiếp cận.
Việt Nam hiện tại chưa có một điệu nhảy nào đủ tầm như vậy để giới thiệu ra quốc tế. Trong khi đó, Brasil có Samba, Argentina có Tango, Tây Ban Nha có Pasopdope, Áo có Valse… Đó là những quốc vũ có tính chất phổ biến cả thế giới. Các nước còn lại dù ít nổi bật hơn, nhưng vẫn có làn điệu để nhớ mặt đặt tên như Lào có Lăm Vông, Bungary có Khoro… Theo NSƯT Phạm Thế Chiến, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội: “Xu thế hội nhập ngày càng mạnh, các hoạt động giao lưu nghệ thuật đa quốc gia diễn ra liên tục. Bên cạnh nón bài thơ, áo dài, việc có một điệu nhảy đậm đà bản sắc Việt Nam là quá tuyệt vời”.
Không chỉ để đối ngoại, điệu nhảy quốc dân còn cần thiết trong tình trạng các sàn khiêu vũ, tụ điểm nghệ thuật Việt tràn ngập hàng ngoại. Phần lớn vũ công từ nghiệp dư tới chuyên nghiệp đổ xô tập luyện các điệu châu Mỹ Latin, sau tới những Salsa, Rumba, Lambada… Một bộ phận lớp trẻ đi theo các điệu nhảy thời trang ra đời từ internet, có sức hút nhất thời như Gangnam Style, Shuffle… Môi trường khiêu vũ giao tiếp trong nước lại sạch bóng không có lấy một điệu nhảy gốc Việt. Những Xòe Thái, Xoan… chỉ còn xuất hiện trong những lễ hội văn hóa, co cụm ở từng nhóm bộ phận dân cư riêng biệt.
Hòa trộn hay tạo ra “nồi cám lợn”?
Khát khao có được quốc vũ là thế, xong đích đến từ lâu vẫn xa vời. Theo GS. TS. Lê Ngọc Anh, nhiều cuộc thi sáng tác tìm kiếm điệu nhảy tiêu biểu cho Việt Nam đã được tổ chức nhưng đều không mang lại kết quả. Gần đây có nỗ lực tổ chức cuộc thi sáng tác điệu nhảy Việt Nam của Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội năm 2011, nhưng các tác phẩm đoạt giải đều đã rơi vào quên lãng. Một trong các khó khăn chính xây dựng quốc vũ Việt Nam là do thành phần dân tộc phức tạp, khó mà “so bó đũa chọn cột cờ”.
Theo ông Phạm Thế Chiến, dân tộc Kinh có dân số đông nhất, nhưng các làn điệu lại quá nhẹ nhàng mềm mại, khó tìm được tiết tấu và tổ hợp tộng tác để cấu thành điệu nhảy. “Trong khi các dân tộc thiểu số thừa chất liệu, nhưng đã là thiểu số thì có thể coi là tiêu biểu cho cả nước được không”, ông Chiến băn khoăn. Bản thân yếu tố “Bản sắc văn hóa Việt Nam” trước tới nay vẫn luôn là yếu tố mơ hồ.
Hơn thế, giới vũ công chuyên nghiệp ở Việt Nam đang mải mê với các điệu nhảy có khả năng kiếm tiền như: Dancesport, Chachacha, Pasedov… thay vì mặn mà với làn điệu dân tộc.
Gay gắt hơn, ông Phạm Hùng Thoan, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật chỉ trích cách làm của những cuộc thi sáng tác điệu nhảy Việt trước đây: “Không ai thèm quan tâm tới người sử dụng, xem những ai sẽ nhảy, nhảy như thế nào, đặc biệt là lớp trẻ. Nhiều người còn đòi sáng tác hoà trộn từ các điệu nhảy dân tộc khác nhau, để rồi tạo ra những “nồi cám lợn”. Đồng thời, kết thúc các cuộc thi sáng tác, những điệu nhảy đoạt giải chủ yếu mới chỉ được áp dụng ở các trường mẫu giáo, tiểu học ở một vài tỉnh”.
Theo ông Thoan, đây là cách làm “manh mún, lạc hậu thủ công, thiếu chiến lược cụ thể. Đi dạy giáo viên tiểu học, mẫu giáo rồi mong họ lan truyền hộ là điều không tưởng”.
Chủ tịch Hội nghệ sĩ múa Việt Nam Chu Thúy Quỳnh: Việc tạo nên một điệu quốc vũ là vô cùng cần thiết. Nó là nhu cầu cơ bản đối với các hoạt động sinh hoạt tập thể, trong môi trường múa phong trào không nhằm mục đích biểu diễn ở xã hội hiện tại. Tuy nhiên, tôi không tán thành ý tưởng sáng tác một vũ điệu hoàn toàn mới, mà chúng ta nên khai thác thật sâu trong gốc nguồn văn hóa của dân tộc. 54 dân tộc trên khắp các vùng miền đều có giá trị vũ đạo riêng, từ Kinh cho tới Tây Bắc, Tây Nguyên. Cũng không thể bê nguyên xi từ phiên bản gốc. Mà cần dựa trên gốc nguồn này, chúng ta tập hợp những cái tiêu biểu rồi biên nó lại, sao cho hòa quyện với nhau một cách hợp lý là có thể cho ra quốc vũ. Khi đưa vào đời sống, người dân sẽ có chấp nhận điệu quốc vũ đó nếu ta đi theo hướng đơn giản hóa, phổ cập. Tức là làm sao ở bất cứ đâu, chỉ cần nhạc lên là người ta múa được. Ví dụ như không cần điệu nhạc gốc Tây Nguyên, mà chỉ cần khán giả nghe một bài hát Tây Nguyên có tiết tấu là họ cũng nhảy được. Làm vậy, điệu múa sẽ có sức sống. Còn nếu học tập theo những điệu phức tạp, chuyên nghiệp như Tango, Chachacha thì không thể. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận