Y tế

Dấu hiệu nhận biết và cách sơ cứu ngộ độc rượu ngày Tết

28/01/2020, 12:00

BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo các dấu hiệu nhận biết ngộ độc rượu.

img

Ban đầu người ngộ độc rượu thường kích thích, cảm xúc không ổn định, thích giao du với người khác, hưng cảm, nói nhiều.

Dấu hiệu ngộ độc rượu

Người ít uống rượu, các biểu hiện ngộ độc rượu cấp tính từ nhẹ đến nặng.

- Ban đầu người ngộ độc rượu thường kích thích, cảm xúc không ổn định, thích giao du với người khác, hưng cảm, nói nhiều.

- Chậm đáp ứng, giảm khả năng phán xét, không điều khiển được các vận động đòi hỏi độ chính xác, giọng nói bất thường.

- Nhìn đôi (nhìn một vật thành hai vật), bạo lực, mất định hướng, lẫn lộn, vô cảm, sững sờ.

- Hô hấp bị ức chế (thở yếu, thở chậm, ngừng thở, thở khò khè, ứ đọng đờm rãi), ho hoặc khạc yếu, giảm thân nhiệt (da lạnh), đái ỉa ra quần, tụt huyết áp, hôn mê.

- Truỵ tim mạch, tử vong.

Đặc biệt, mọi người cần chú ý các biểu hiện ngộ độc nặng, nguy hiểm:

- Bất tỉnh, gọi hỏi không biết.

- Co giật.

- Tê, yếu chân tay một bên chân tay hoặc một bên mặt, nói ngọng trong khi đã tỉnh táo.

- Thở khò khè, ứ đọng đờm rãi ở miệng họng, ho yếu. Thở yếu, nhịp thở không đều, thở chậm hoặc ngừng thở. Có thể hít sâu và nhịp thở nhanh.

- Da, môi, móng tay tím tái hoặc nhợt, lạnh.

- Đái, đại tiện ra quần, đái ít (lượng nước tiểu ít hơn bình thường)

- Nhìn mờ, nhìn một vật thành hai.

- Nôn nhiều, đau bụng, bụng chướng.

- Mệt nhiều

Cách sơ cứu ngộ độc rượu:

- Nếu ứ đọng đờm rãi, thở khò khè, bất tỉnh: nằm nghiêng sang một bên.

- Thở yếu, ngừng thở: hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện và điều kiện có tại chỗ.

Nếu người ngộ độc rượu co giật thì:

- Không để người bệnh ngã hoặc va đập vào các vật cứng, không cho các vật cứng vào miệng.

- Quan sát kỹ người bệnh, nếu thở yếu, ngừng thở hoặc tím tái thì hô hấp nhân tạo.

Nếu người bệnh có một trong các dấu hiệu nặng, nguy hiểm nêu trên thì gọi vận chuyển cấp cứu, nhân viên y tế gần nhất, người hỗ trợ và đưa tới cơ sở y tế.

Nếu tình trạng nhẹ hơn, tuyệt đối không:

- Không tự đi lại một mình, không tự lái xe, không vận hành máy móc hay lao động khác.

- Ăn đủ: các chất tinh bột (cơm, cháo, mỳ,…), hoặc cho uống nước đường.

- Nằm ngủ: Tư thế nằm nghiêng đầu và vai cao hơn, giữ ấm có người theo dõi (đảm bảo thở đều, êm và hồng hào, gọi hỏi biết).

- Ủ ấm (nếu thời tiết lạnh), tránh lạnh.

Phòng tránh ngộ độc rượu và các tác hại của uống rượu:

Tốt nhất không nên uống nếu không kiểm soát được. Phụ nữ càng không nên uống rượu vì khả năng chịu đựng với rượu thường kém hơn nam giới và khi bị ngộ độc rượu (say rượu) dễ bị lạm dụng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.