Thế giới

Đấu khẩu ứng viên Tổng thống Mỹ thành "đặc sản"

30/09/2016, 16:05
image

Tranh luận trực tiếp trên truyền hình vốn là một “đặc sản” không đụng hàng của các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Kennedy trái và Nixon phải trong cuộ tranh luận tr
Kennedy (trái) và Nixon (phải) trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình Mỹ năm 1960

Nhân việc ông Donald Trump và bà Hillary Clinton vừa có màn “đấu khẩu” trực tiếp trên truyền hình Mỹ hôm  27/9 vừa qua, truyền thông lại có dịp “nhìn lại” các vụ tranh luận trực tiếp “ấn tượng” giữa các ứng viên Tổng thống Mỹ.

“Đặc sản” của tranh cử

Tranh luận trực tiếp trên truyền hình vốn là một “đặc sản” không đụng hàng của các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ kể từ năm 1960. Đến nay, nước Mỹ đã trải qua 57 cuộc bầu cử Tổng thống. Mùa bầu cử năm nay giữa ứng viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa và Hillary Clinton của Đảng Dân chủ sẽ là lần thứ 58. Song, trong suốt 57 lần bầu cử trước, chỉ có 12 lần Mỹ tổ chức tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa ứng viên đại diện hai đảng.

Lịch sử các cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ cho thấy, tác phong của ứng viên là điều quan trọng không kém so với bản chất và năng lực thực sự của họ, nếu không muốn nói nó được xem là nhân tố quyết định.

Không tính mùa bầu cử năm nay thì kỷ lục người xem tranh luận trực tiếp giữa hai ứng viên Tổng thống được xác lập vào ngày 28/10/1980. Theo đó, có 80,6 triệu người Mỹ đã bật tivi để xem màn “đấu khẩu” giữa ứng viên Jimmy Carter của Đảng Cộng hòa và Ronald Reagan của Đảng Dân chủ.

Phong thái phân thắng - bại?

Đơn cử như cuộc tranh luận trên truyền hình đầu tiên trong lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra ngày 26/9/1960, với sự tham gia của hai ứng viên John F.Kennedy và Richard Nixon. Màn đấu khẩu diễn ra tại trường quay của đài CBS ở Chicago, thu hút tới 74 triệu khán giả Mỹ theo dõi.

Có một điều thú vị là tại cuộc tranh luận này, những ai theo dõi màn “đấu khẩu” qua đài phát thanh thì cho rằng, chiến thắng nghiêng về Nixon, trong khi những khán giả truyền hình lại chọn ông Kennedy. Nguyên do là vào ngày diễn ra cuộc “đấu khẩu” trực tiếp đầu tiên trong lịch sử tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Kennedy chọn cho mình một bộ vest sẫm màu, thanh lịch và khỏe khoắn, còn ông Nixon chọn một bộ vest ghi xám, gần giống với màu phông nền phía sau của trường quay, gương mặt ông vì thế mà trở nên nhợt nhạt.

Chưa kể, gương mặt xanh xao của Nixon sau một thời gian nằm viện dài vì bệnh đau khớp nhanh chóng bị khán giả truyền hình phát hiện ra. Ông còn từ chối trang điểm khi lên truyền hình và không cạo râu.

Suốt 60 phút lên sóng trực tiếp, Nixon trông có vẻ căng thẳng, nhiều lần dùng khăn lau mồ hôi; trong khi Kennedy thể hiện một phong thái tự tin, điềm tĩnh, mạnh mẽ và quyết đoán. Năm đó, Thượng nghị sĩ trẻ John F. Kennedy chiến thắng và trở thành chủ nhân của Nhà Trắng, bỏ lại phía sau Phó tổng thống Richard Nixon dày dạn kinh nghiệm chính trường.

Cử chỉ bị “soi” kỹ càng

Có thể nói, truyền hình là phương tiện truyền thông rõ nét nhất để chuyển tải hình ảnh, ngôn ngữ, cử chỉ của ứng viên đến cử tri. Ứng viên Tổng thống sẽ không thể “qua mắt” giới truyền thông cũng như khán giả - cử tri khi xuất hiện trên sóng trực tiếp.

Hãng tin Reuters đưa ra một số ví dụ rằng, ứng cử viên Đảng Dân chủ - Phó tổng thống Al Gore liên tục… thở dài trong cuộc tranh luận với Tổng thống George W.Bush năm 2000, điều này sau đó được cho là nguyên nhân khiến Al Gore mất một lượng cử tri lớn.

Tổng thống “Bush con” Geore G.Bush lại thu hút sự chú ý tiêu cực trong năm 2004 vì đã… cau mày trong khi đối thủ Đảng Dân chủ John Kerry nói. Hay Tổng thống George H.W. Bush (“Bush cha”) thì lén nhìn đồng hồ trong cuộc tranh luận năm 1992, một cử chỉ mà nhiều người cho là thiếu kiên nhẫn và lạnh lùng.

Mới nhất, trong cuộc tranh luận trực tiếp hôm 27/9 vừa qua tại Đại học Hofstra, TP New York, Vox thống kê được ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đã ngắt lời bà Hillary Clinton 25 lần trong 26 phút đầu tiên. Kết thúc toàn bộ cuộc tranh luận, ông Trump ngắt lời bà Clinton 51 lần, ngược lại, bà Clinton ngắt lời đối thủ 17 lần. Trong suốt cuộc tranh luận kéo dài 1,5 giờ đồng hồ, ông Trump liên tục khịt mũi, thay đổi biểu hiện khuôn mặt, đôi lúc ông húng hắng ho…khiến giới quan sát nghi ngại ông gặp vấn đề sức khỏe.

Trong khi đó, Clinton tỏ ra kiểm soát tâm lý tốt hơn, giữ được phong thái chuyên nghiệp, tự tin với kinh nghiệm chính trường dày dặn của mình. Phản ứng duy nhất của bà chỉ là một cái lắc đầu nhẹ và nụ cười luôn giữ trên môi.

>>> Xem thêm video bị lăng mạ, ông Obama hủy cuộc gặp với Tổng thống Philipines:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.