Chuyện dọc đường

Đâu phải ai muốn xây cầu rồi thu phí cũng được!

22/11/2017, 06:18

Sự việc doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Trình xây dựng cầu sắt tạm trên Hương lộ 81 thuộc TX Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh...

2

Mỗi xe container qua cầu sắt Nguyễn Trình đều phải nộp phí 700.000 đồng/lượt

Sự việc doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Trình xây dựng cầu sắt tạm trên Hương lộ 81 thuộc TX Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh rồi thu phí 700.000 đồng/lượt với những xe trên 18 tấn khiến doanh nghiệp vận tải, tài xế bức xúc.

Ông Nguyễn Trình lý giải việc lắp cầu tạm chủ yếu để xe của DN này chạy trong khi chờ đợi Nhà nước xây cầu mới với tải trọng lớn hơn. Trong thời gian đó, những xe nào muốn qua cầu tạm phải nộp phí. Nếu không muốn qua cầu tạm và trả phí thì hạ tải để qua cầu bê tông với tải trọng chỉ 18 tấn.

Mới nghe qua thấy rằng ông Nguyễn Trình có lý, bởi họ bỏ tiền ra làm cầu thì phải thu phí, ai không muốn mất tiền thì đừng đi. Nhưng ngẫm kỹ mới thấy rằng, có rất nhiều “vấn đề” cần câu trả lời của chính quyền và ngành chức năng tỉnh Trà Vinh.

Bởi, Hương lộ 81 là đường độc đạo ra - vào Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải. Các DN hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh đều đã đóng các loại thuế, phí theo quy định, địa phương phải có trách nhiệm nâng cấp cầu đường để phương tiện lưu thông đảm bảo an toàn. Trường hợp cầu Kênh Xáng tải trọng chỉ cho phép xe 18 tấn lưu thông thì phải yêu cầu hạ tải rồi mới cho qua, phương tiện nào cố tình vượt phải xử lý nghiêm. Không thể vì cầu này tải trọng thấp, DN đề xuất làm cầu tạm một bên để rồi thu phí “cắt cổ” DN khác mà cơ quan quản lý nhà nước cũng chấp nhận. Nói như ông Lê Hoàng Tâm, đại biểu HĐND TX Duyên Hải, cũng là một DN vận tải trên địa bàn TX Duyên Hải, cách làm như vậy chưa thực sự công bằng. Giá tầm 200.000 đồng/lượt có thể chấp nhận, nhưng đến 700.000 đồng/lượt là quá cao. “Vì sao DN Nguyễn Trình được lắp cầu tạm để thu phí với mức giá đó? Tôi đề xuất làm cầu và chỉ thu 200.000 đồng/lượt thì có được không?”, ông Tâm đặt vấn đề.

Đáp lại, ông Nguyễn Trình lại thủng thẳng và có phần thách thức: “Ai không muốn đi qua cầu của tui thì lắp cầu khác mà đi, đất còn rộng”.

Lý giải theo kiểu luật rừng như ông Nguyễn Trình thì không chỉ Hương lộ 81 sẽ loạn lên, mà nhiều tuyến đường trên cả nước cũng trở thành vô chính phủ nếu ai cũng bỏ tiền xây cầu rồi tự ý thu phí. Hiện, Chính phủ đã có quy định về đầu tư theo hình thức PPP, trong đó có quy định cụ thể về đầu tư BOT giao thông. Theo đó, việc quản lý, đầu tư dự án BOT giao thông với quy trình thủ tục cũng chặt chẽ như các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách. Nên từ tổng mức đầu tư, mức giá qua trạm BOT đều phải được cơ quan nhà nước phê duyệt mới được triển khai. Các trạm thu giá BOT trên cả nước cũng phải được Bộ Tài chính thẩm định giá mới tiến hành thu. Sở GTVT Trà Vinh với tư cách là đơn vị quản lý nhà nước chuyên ngành về lĩnh vực giao thông chắc chắn nắm rõ quy trình này. Vì vậy, khi Sở GTVT tham mưu cho UBND tỉnh Trà Vinh đồng ý cho DN Nguyễn Trình lập cầu tạm và thu phí khiến nhiều người đặt nghi vấn về sự tiếp tay cho DN này.

Trong khi đó, dự án nâng cấp tuyến Hương lộ 81 và xây cầu Kênh Xáng mới được Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ 30 tỷ đồng, Bộ GTVT hỗ trợ 30 tỷ đồng, địa phương hỗ trợ 20 tỷ đồng, giao Sở GTVT Trà Vinh làm chủ đầu tư phê duyệt từ năm 2014 đến tháng 7/2017 hoàn thành, nhưng tiến độ rất chậm, dự kiến phải đến tháng 8/2018 mới xong. Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng việc thi công chậm Hương lộ 81 và DN Nguyễn Trình lắp cầu tạm để thu phí có sự liên quan nhau?

Vì vậy, cần đẩy nhanh tiến độ nâng cấp Hương lộ 81 và cầu Kênh Xáng mới, lúc đó DN vận tải không còn chịu cảnh san tải mỗi khi qua cầu cũ hay trả phí “cắt cổ” để qua cầu tạm. Nên chăng, trước mắt địa phương cần xem xét bố trí kinh phí hỗ trợ DN lắp cầu tạm để hạ mức phí qua cầu như mong muốn của nhiều DN vận tải khác. Đồng thời, cũng tạo thuận lợi trong việc lưu thông hàng hóa, chở tro bay từ nhà máy nhiệt điện đi tiêu thụ các nơi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.