Chất lượng sống

Dâu tây đổi đời người dân Sơn La

05/04/2018, 06:31

Hợp đất, khí hậu, cây dâu tây ở xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La phát triển tốt, cho quả đều...

18

Không chỉ tìm cách mở rộng mạng lưới tiêu thụ, nhiều hộ dân trồng dâu tây tại Cò Nòi còn ấp ủ biến vùng trồng dâu thành điểm du lịch

Hợp đất, khí hậu, cây dâu tây ở xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La phát triển tốt, cho quả đều, vị ngọt thanh được người tiêu dùng ưa chuộng, đồng thời giúp người dân nơi đây có cơ hội thoát nghèo.

Cơ hội thoát nghèo

Từ năm 2016, gia đình ông Trần Văn Bắc thuộc tiểu khu Hồi Dương, xã Cò Nòi, Mai Sơn, Sơn La “đánh liều” trồng cây dâu tây thay cho cây lúa, mía, nhãn… Sau hơn 1 năm, diện tích cây ăn quả này của gia đình ông đã tăng lên 4.000m2. Sau khi trừ mọi chi phí, gia đình ông thu về 10-15 triệu đồng/tháng. Dù chưa làm giàu được từ dâu tây, nhưng mức thu nhập này cũng rất hấp dẫn với những hộ dân nơi đây. “Trước kia, cả một vụ ngô nhà tôi mới thu về 20-30 triệu đồng, tính ra mỗi tháng có 3-4 triệu đồng, năm mất mùa còn ít hơn”, ông Bắc kể.

Ngồi trong căn nhà đầy đủ tiện nghi, nhờ thu nhập ngày một khá từ vườn dâu, ông Bắc cùng vợ vui vẻ cho biết, ngoài bán quả dâu tươi, cây giống, chậu dâu cảnh, gia đình ông còn ngâm dâu làm rượu, phơi khô, làm mứt... và đang thử bán các loại sản phẩm chế biến từ dâu ra thị trường.

Hiện ở xã Cò Nòi có ba giống dâu chính: Dâu mỹ hương, dâu mỹ đá, hai loại dâu này có vị chua dôn dốt và sẽ ngọt thanh khi thời tiết chuyển lạnh, giá bán lẻ từ 100-120.000 đồng/1kg tùy loại quả to, vừa hay nhỏ. Ngoài ra, còn loại dâu Nhật lùn có vị ngọt có giá bán ra cao hơn, khoảng 160.000 đồng/kg.

Gia đình ông Bắc là một trong 73 hộ trồng dâu tây của xã Cò Nòi. Đứng trên đỉnh đồi xã Cò Nòi, nhìn xuống những vườn dâu tây đỏ rực nổi bật trên nền lá xanh mướt, ông Hoàng Hải Sơn, văn phòng Thống kê UBND xã Cò Nòi cho biết: Từ một vài hộ ban đầu, đến nay diện tích trồng dâu tây trên địa bàn xã mở rộng đến 17ha. Vụ thu hoạch quả từ khoảng tháng 12 đến hết tháng 4 năm sau, trung bình khoảng 10 tấn quả/vụ, mang lại thu nhập trung bình hơn 100 triệu đồng/ha/vụ.

“Việc trồng cây dâu tây đang mở dần cơ hội đổi đời cho nhiều hộ dân trong xã. Nguồn thu từ cây dâu tây đem lại cao hơn gấp hai đến ba lần so với trồng ngô, mía... Đời sống nhân dân trong xã được nâng lên đáng kể, thu nhập bình quân trên đầu người ổn định hơn”, ông Sơn nói.

Trò chuyện với anh Nguyễn Văn Nam, Chủ nhiệm HTX Xuân Quế, anh chia sẻ: Hiện tại HTX có 23 hộ trồng dâu với tổng diện tích là 7ha. Ngoài việc thường xuyên tổ chức các lớp hướng dẫn, các chuyến đi tham quan học hỏi mô hình trồng dâu ở Mộc Châu, sắp tới HTX sẽ tổ chức chuyến tham quan mô hình trồng dâu ở Đà Lạt cho các chủ hộ trên địa bàn. Hiện, dâu của hợp tác xã anh đã có mặt tại 33 siêu thị ở Hà Nội và có nhiều mối buôn tại các tỉnh như: Thái Nguyên, Nam Định, Thái Bình, Thừa Thiên -Huế...

Nhà nông lập facebook bán hàng qua mạng

Tại gia đình ông Bắc, PV Báo Giao thông chứng kiến cảnh mọi người từ già đến trẻ, cùng nhau người hái quả, người cắt cuống, người xếp dâu vào hộp chuẩn bị chuyển đến nơi tiêu thụ.

Không riêng ông Bắc, trước cửa nhà mỗi hộ trồng dâu ở Cò Nòi đều đặt bàn, bày bán các sản phẩm dâu tây. Theo ông Bắc, đây cũng là một cách các hộ trồng tiếp thị sản phẩm chứ thực chất khu vực này cách xa trung tâm TP, ít khách du lịch đi qua nên bán tại chỗ không được bao nhiêu.

“Hầu hết các gia đình đổ buôn lên TP Sơn La và các tỉnh, thành khác qua kết nối từ mạng xã hội”, ông Bắc nói và cho biết thêm, từ ngày đăng tin bán dâu tây qua Facebook, khách hàng của gia đình ông ngày một tăng. Từ đó, mọi người trong nhà ai cũng lập Facebook, thậm chí cùng nhau lập fanpage “Dâu tây Sơn La” để đăng bán và kết nối các mối buôn dâu cho mình, góp phần giúp tăng sản lượng tiêu thụ. Như gia đình ông Bắc, chỉ riêng các đơn đặt hàng qua Facebook trung bình từ 10-15kg/ngày.

Chị Nguyễn Khánh Linh, con gái ông Bắc chia sẻ: “Tôi thường xuyên đăng bán dâu trong các hội, nhóm trên FB như: Hội các bà mẹ bỉm sữa, mẹ và bé, các chợ online... Và lượng khách đặt nhiều nhất là từ các hội bà mẹ bỉm sữa, các bà nội trợ trên mạng”. Do đặc thù dâu nhà trồng, một tay chăm sóc suốt quá trình, nên chị có thể tự tin phát trực tiếp các hình ảnh cho con trai mình ăn quả dâu hái trực tiếp từ vườn, làm sinh tố dâu tây, sữa chua dâu cho chồng con ăn. “Có những ngày số lượng khách lẻ đặt quá lớn, dâu còn không kịp chín đều mà trả khách”, chị Linh khoe.

Cạnh nhà ông Bắc, gia đình bà Sinh cũng đang đầu tư trồng 3.000m2 dâu. Không chỉ mày mò tìm kênh phân phối qua mạng, bà Sinh cho biết gia đình đang lên ý tưởng biến vườn dâu thành địa điểm du lịch có thể thu hút khách tới tham quan. Trên đồi dâu, bà sẽ thiết kế xếp các chậu dâu cảnh thành một hình trái tim lớn với ý tưởng làm một “đồi dâu trái tim”, để khách tới tham quan có không gian chụp ảnh lưu niệm tại vườn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.