Xã hội

Đầu tư 100.000 tỷ đồng phát triển giao thông đồng bằng sông Cửu Long

09/06/2022, 17:52

Chiều nay (9/6), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Giải ngân gói phục hồi kinh tế, giải ngân đầu tư công còn chậm

Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, 5 tháng đầu năm, dịch bệnh được kiểm soát vững chắc hơn; kinh tế vĩ mô ổn định; các cân đối lớn được bảo đảm; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường chuyển biến tích cực.

Quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại được đẩy mạnh; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện.

img

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh

So với cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 5 tháng tăng 9,5%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 7,71 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 305 tỷ USD; xuất siêu 516 triệu USD; thu ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm đạt 806.000 tỷ đồng.

Để hỗ trợ phục hồi kinh tế, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 43, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đến nay, Chính phủ đã ban hành 6 nghị định để thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, chính sách cho vay, hỗ trợ lãi suất.

Thủ tướng đã ban hành 3 quyết định về hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động, cho vay học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập...

"Đến hết tháng 5/2022 đã thực hiện giải ngân gói phục hồi kinh tế khoảng 33,5 nghìn tỷ đồng, trong đó miễn, giảm thuế, phí 22,6 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 35% kế hoạch", Phó Thủ tướng cho biết.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng cho biết, đến hết tháng 5, cả nước đã giải ngân được hơn 22% kế hoạch.

Nhìn nhận công tác giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, với 41/51 bộ, ngành, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, Phó Thủ tướng cho biết, Thủ tướng lập 6 tổ công tác kiểm tra thực tế tình hình giải ngân tại các bộ, địa phương để xác định rõ nguyên nhân chậm giải ngân, có giải pháp khắc phục.

Hầu hết các bộ, cơ quan, địa phương cam kết có giải pháp mạnh mẽ, cụ thể hơn để hoàn thành giải ngân trên 95% kế hoạch vốn được giao trong năm 2022.

Việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, gồm giảm nghèo bền vững; mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với tổng ngân sách khoảng 92.000 tỷ đồng cũng chậm. Lý giải về việc này, Phó Thủ tướng cho rằng đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ, Thủ tướng do khối lượng công việc nhiều, phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, nên "phải rà soát kỹ để tránh những sai sót, tiêu cực có thể xảy ra".

“Ban chỉ đạo Chính phủ tới đây sẽ yêu cầu các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các chương trình, đề án với lộ trình cụ thể và có văn bản hướng dẫn. Quá trình thực hiện tuyệt đối không được để xảy ra tiêu cực, thất thoát ngân sách nhà nước", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đầu tư phát triển giao thông vận tải ở đồng bằng sông Cửu Long

Trước câu hỏi của đại biểu Quốc hội về giải pháp của Chính phủ để phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khi vùng này đang có nguy cơ bị tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nhất là khi nước biển dâng, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, thời gian qua, Đảng, Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này. Trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ về vùng ĐBSCL đều có nội dung ứng phó biến đổi khí hậu.

Để đầu tư nguồn lực, giai đoạn 2011-2020, ngân sách trung ương đầu tư cho ĐBSCL không dưới 1% tổng chi ngân sách hàng năm. Năm 2011-2020, Chính phủ đã huy động được hơn 6,9 tỷ USD nguồn vốn ODA để bảo vệ môi trường, riêng hỗ trợ ĐBSCL là 1,5 tỷ USD.

Đồng thời, các cơ quan tiếp tục nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực để ứng phó biến đổi khí hậu vùng này.

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy hoạch ĐBSCL, đặc biệt liên quan đến hạ tầng giao thông. Trong 5 năm tới Chính phủ sẽ đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng phát triển giao thông vận tải ở vùng này.

Rất khó có lợi ích nhóm khi xây dựng văn bản

Tại phiên chất vấn, khi đại biểu nêu ý kiến cho rằng đâu đó còn lợi ích nhóm, cục bộ ngành, chạy theo thành tích trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời "không có vấn đề đó" và đề nghị ý kiến cần chỉ ra cụ thế, lợi ích nhóm nào, chỗ nào?

Theo Phó Thủ tướng, để đảm bảo chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nhà nước, Chính phủ đã có những quy định chặt chẽ.

Các quy định liên quan đến luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và Thường vụ Quốc hội, cơ quan soạn thảo phải tổng kết, đánh giá tác động thì mới xây dựng. Khi xây dựng dự thảo, các cơ quan phải lấy ý kiến đánh giá tác động về chính sách, trong đó có ý kiến người dân, nhóm dân số bị tác động.

Đồng thời, cơ quan soạn thảo phải tổ chức hội nghị, hội thảo đánh giá, tiếp thu. Qua quá trình đó, ý kiến thẩm định cuối cùng là của Bộ Tư pháp. Sau đó, Chính phủ tổ chức các phiên họp để xem xét, trước khi trình các dự thảo luật ra Quốc hội.

"Đó là quy trình chặt chẽ, nếu tuân thủ nghiêm túc thì hiện tượng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ rất khó có thể xảy ra. Bởi không thể một mình cơ quan nào xây dựng luật được", Phó thủ tướng khẳng định.

Chính phủ đã đề ra quy định và có biện pháp minh bạch, kiểm soát quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu nhất là bộ trưởng, thủ trưởng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.