Quản lý

Đầu tư các dự án giao thông phát huy tiềm năng Tây Nguyên

15/07/2016, 06:47

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã thống nhất kế hoạch đầu tư các dự án trọng điểm trên đường Hồ Chí Minh...

11

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa kiểm tra mạng lưới giao thông tỉnh Kon Tum

“Điểm mặt” những dự án cần nâng cấp

Báo cáo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết: Mạng lưới giao thông tỉnh Kon Tum cần được kết nối với các tuyến giao thông quan trọng như đường Hồ Chí Minh, QL24, 40B, 40, 14C và tuyến cao tốc Ngọc Hồi - Kon Tum đến Chơn Thành - Bình Phước (của Việt Nam) với QL18B (tỉnh Attapư, Lào), đáp ứng nhu cầu vận chuyển, lưu thông hàng hóa thuận tiện giữa các nước ASEAN. Trên cơ sở này, ông Hòa kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục quan tâm bố trí vốn để đầu tư hoàn chỉnh hệ thống quốc lộ qua Kon Tum như: QL24, 14C, 40, 40B và đường Hồ Chí Minh đoạn tránh TP Kon Tum; Đồng thời, sớm triển khai các công việc tiếp theo để thực hiện đầu tư Dự án tuyến cao tốc Bờ Y - Ngọc Hồi - Pleiku và cải tạo, nâng cấp QL18B (Lào) đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương triển khai đầu tư tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum ngày 3/7.

Tại tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở GTVT cho biết: Dự án cải tạo, nâng cấp QL19 đoạn Km 108+00 - Km 131+300 qua địa bàn tỉnh Gia Lai theo hình thức Hợp đồng BOT đã hoàn thành, đang thu phí đường bộ. Tuy nhiên, các đoạn chưa được nâng cấp xảy ra tình trạng “nút thắt cổ chai”, một số đoạn hư hỏng nhiều, ảnh hưởng đến ATGT; Nhà đầu tư đã có đề xuất và Bộ GTVT  đã chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung đoạn Km90 - Km108 vào dự án BOT, đề nghị Bộ GTVT sớm triển khai đầu tư bổ sung đoạn tuyến trên. Ngoài ra, đại diện tỉnh Gia Lai cũng kiến nghị Bộ GTVT sớm trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên” nhằm tạo động lực giúp Gia Lai và các tỉnh trong khu vực phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh - quốc phòng,

Với QL25, đại diện tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ GTVT quan tâm bố trí vốn để đầu tư gia cố mái taluy chống sạt lở đoạn qua đèo Tô Na tại Km100 - Km111, tổng mức đầu tư khoảng 90 tỷ; Bố trí vốn đầu tư hoàn chỉnh các đoạn tuyến còn lại trên QL25 với chiều dài 70,8/111,8km, với tổng mức đầu tư khoảng 1.850 tỷ đồng.

Tỉnh Gia Lai cũng kiến nghị đầu tư nâng cấp dự án mở rộng nhà ga cảng, sân đỗ tàu bay tại CHK Pleiku, theo hình thức xã hội hóa trong năm 2016.

Đầu tư sớm những dự án phù hợp

Với đường Hồ Chí Minh qua 2 tỉnh, ông Lâm Văn Hoàng, Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho rằng, đoạn Thạnh Mỹ (Đà Nẵng) - Tân Cảnh (Kon Tum) khoảng 200km đưa vào khai thác cuối năm 2003, tuy nhiên đoạn này hẹp hơn toàn bộ dự án đường HCM qua Tây Nguyên. Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải tiếp tục nâng cấp mở rộng thêm để đồng bộ với quy mô tuyến đường. Tuy nhiên, trước mắt tỉnh Kon Tum nên đầu tư mở rộng nâng cấp đoạn Tân Cảnh - Ngọc Hồi (hướng nối ra cửa khẩu Bờ Y) dài 22,5km, khoảng 450 tỷ đồng bằng vốn dư QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây nguyên lần 2.

Trong khi đó, đoạn tuyến tránh Thủy điện Pleikrông (2,1km) là đoạn thường xuyên ngập lụt cũng cần phải nâng cấp mở rộng tiếp. Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng cho sử dụng vốn dư lần 2 của dự án QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây nguyên để thực hiện...

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đánh giá cao mạng lưới giao thông nông thôn tại Gia Lai và Kon Tum dù hai địa phương còn nhiều khó khăn. Bộ trưởng cũng cơ bản nhất trí với những kiến nghị của hai tỉnh, tuy nhiên lưu ý cần phải nghiên cứu kỹ dự án nào cấp bách để đầu tư sớm, chứ không thể đáp ứng ngay tức thì tất cả mọi kiến nghị. Cụ thể, về dự án cao tốc Ngọc Hồi - Pleiku, đề nghị tỉnh Kon Tum nghiên cứu kỹ, đảm bảo hợp lý khi triển khai thi công dự án. Cần ưu tiên đầu tư cho các tuyến QL24, 14C. Bộ trưởng lưu ý tỉnh khai thác tốt 435km đường tuần tra biên giới qua Kon Tum để người dân biên giới phát triển KT-XH. Đặc biệt, những đoạn đường có ảnh hưởng lớn do lũ lụt cần được ưu tiên sửa chữa, nâng cấp sớm.

Với tỉnh Gia Lai, Bộ trưởng đồng ý tháng 9 sẽ khởi công dự án đường tránh TP Pleiku. Với dự án xây dựng mở rộng nhà ga CHK Pleiku theo hình thức xã hội hóa, đồng thời cho rằng, hiện tại CHK chưa quá tải mà chỉ sắp xếp giờ hợp lý cho các chuyến bay là được. Bộ sẽ phối hợp với địa phương rà soát xem có cần thiết phải đầu tư mở rộng không.

Liên quan đến việc tạo thuận lợi cho hành khách di chuyển tại khu vực CHK Pleiku, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đề nghị tỉnh Gia Lai và Kon Tum tìm giải pháp, xem xét thành lập tuyến xe buýt Kon Tum- sân bay Pleiku. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.