Kinh tế

Đầu tư dầu khí tắc vì vướng cơ chế

10/06/2020, 06:27

Các luật khác điều chỉnh sao cho đầu tư của DN Nhà nước trong lĩnh vực dầu khí được chủ động, linh hoạt...

img
Khai thác dầu khí đang gặp nhiều vướng mắc về thể chế chưa được tháo gỡ

Sau nhiều lần kiến nghị sửa đổi, những bất cập về cơ chế chính sách liên quan đến sản xuất kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực dầu khí vẫn chưa được tháo gỡ.

Vừa làm vừa chấp nhận rủi ro

Nhận định về cơ hội phát triển khai thác dầu khí, TS. Nguyễn Hồng Minh, nguyên Phó viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam cho hay: Trong khi đầu tư nước ngoài rất hạn chế, thì nguồn đầu tư trong nước lại vướng mắc về quan điểm, thủ tục.

“Cơ chế, chính sách tài chính cho DN nhà nước trong lĩnh vực dầu khí, đặc biệt trong thăm dò, khai thác chưa nhất quán, rõ ràng và còn nhiều bất cập.

Phần để lại cho đầu tư từ lãi dầu khí nước chủ nhà thay đổi, chưa nhất quán; Đối tượng, quy chế trích lập, sử dụng Quỹ Tìm kiếm, thăm dò chưa phản ánh đầy đủ đặc thù của hoạt động tìm kiếm, thăm dò”, ông Minh nói và dẫn chứng: “Cho đến nay, Quy chế tài chính Công ty mẹ - Petrovietnam (PVN) vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt nên việc tìm kiếm, thăm dò gặp khó khăn về vốn; Chi phí một số dự án không thành công đang treo, không biết hạch toán vào đâu”.

Không chỉ chậm do không theo kịp thị trường mà còn xảy ra những trường hợp “nghẽn” do những vướng mắc vì luật chưa đề cập đến.

“Dự án gặp phải vấn đề pháp lý không được giải ngân vốn vay, trong khi vốn tự có cũng không được phép sử dụng, hậu quả là dự án bị đình trệ, gây lãng phí vốn đã đầu tư, giảm hiệu quả toàn bộ vòng đời dự án. Câu chuyện Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn, hay dự án Nhiệt điện Thái bình 2 là một vài trong số những ví dụ điển hình”, ông Minh phân tích.

Kết quả, trong năm 2019, giá trị thực hiện đầu tư của PVN đạt 30.400 tỷ đồng, bằng 58% kế hoạch năm. Trước đó, năm 2018, giá trị thực hiện đầu tư của PVN cũng chỉ là 40.900 tỷ đồng, bằng 53% kế hoạch năm.

Ở mảng khai thác dầu khí, hệ số gia tăng trữ lượng bù trừ vào sản lượng khai thác năm 2019 chỉ đạt 0,63 lần và là năm thứ 4 liên tiếp, kể từ năm 2016 tới nay, tiếp tục ở mức báo động.

Thừa nhận hệ thống pháp luật còn chống chéo, thường xuyên thay đổi, thiếu tính ổn định, cơ chế chính sách liên quan đến sản xuất kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực dầu khí còn nhiều bất cập, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch HĐTV PVN chia sẻ, không thể yên tâm và không làm tốt hơn được nữa khi mà 4 năm nay Cơ chế quản lý tài chính mới cho PVN vẫn chưa được ban hành.

“Đây là nghị định của Chính phủ mà đã 4 năm vẫn chưa có thì làm sao chúng tôi có thể yên tâm công tác được trong bối cảnh khó khăn hiện nay, đặc biệt là vấn đề nhận thức trong tư tưởng”, ông Thanh nói và cho biết thêm: “Anh em các cấp phải áp dụng, vận dụng hàng ngày nhưng cũng sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong tương lai vì sự ổn định và phát triển của dầu khí”.

Cần tách chức năng quản lý nhà nước với đầu tư kinh doanh dầu khí

Mới đây, Văn phòng Trung ương Đảng có văn bản đề nghị Ban Kinh tế T.Ư, Ban Cán sự Đảng Bộ Công thương nghiên cứu các phản biện, kiến nghị các chuyên gia, nhà khoa học, nêu những giải pháp thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam.

Ngoài quy chế tài chính của Công ty mẹ - PVN, đề án tái cơ cấu PVN giai đoạn 2019 - 2025 đã được trình các cấp có thẩm quyền nhưng tới nay vẫn chưa được phê duyệt; Trong khi đây được coi là một cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện các công việc tiếp theo trong ngành dầu khí.


Trong đó, bản kiến nghị đặc biệt nhấn mạnh đến “nút thắt” cơ bản trong phát triển dầu khí của Việt Nam hiện nay liên quan đến đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư của DN Nhà nước.

Do đó, Nhà nước cần sớm điều chỉnh đồng bộ các luật chuyên ngành phù hợp với tình hình mới, theo hướng: Luật Dầu khí điều chỉnh toàn bộ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, đầu tư trong nước, cũng như của nước ngoài, dành ưu đãi phù hợp để thu hút đầu tư nước ngoài, nhằm tìm kiếm các đối tác chiến lược quốc tế sẵn sàng chia sẻ, hợp tác lâu dài với dầu khí Việt Nam.

Các luật khác điều chỉnh sao cho đầu tư của DN Nhà nước trong lĩnh vực dầu khí được chủ động, linh hoạt, phản ứng kịp thời với biến động thị trường và điều kiện tài nguyên dầu khí.

Cần tách biệt chức năng bảo toàn, phát triển vốn với điều hành sản xuất, kinh doanh và khuyến khích các thành phần kinh tế khác cùng tham gia đầu tư vào dầu khí.

“Khung pháp lý cần tách biệt chức năng quản lý Nhà nước và chức năng sản xuất, kinh doanh; tách bạch các trách nhiệm xã hội với nhiệm vụ bảo toàn vốn, phát triển DN cùng với chính sách tài chính, thuế, phí hợp lý; Tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có quyền tự chủ cần thiết và có đủ nguồn vốn đầu tư đáp ứng nhu cầu hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ và chế biến dầu khí”, bản kiến nghị nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.