Chuyện dọc đường

Đầu tư đừng mong ăn xổi

22/12/2016, 08:06

Thị trường tài chính, nhất là ngoại tệ, vàng những ngày cuối cùng của năm 2016 có nhiều diễn biến khó lường...

7

Giá ngoại tệ tăng cao trong thời gian qua đã kéo theo biến động thị trường vàng trong nước lên xuống thất thường (Trong ảnh: Khách hàng mua vàng tại Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu) - Ảnh: Tạ Tôn

Chỉ trong vòng một tháng trở lại đây, tỷ giá USD đã tăng cả trăm đồng. Trong khi thị trường vàng, chứng khoán lại diễn biến theo chiều ngược lại. Diễn biến này của thị trường đã khiến tài sản của nhiều nhà đầu tư “rơi rụng” một tỷ lệ không nhỏ.

Có thể nói, không chỉ riêng Việt Nam phải lo đối phó với việc đồng USD băng băng leo dốc. Song, ở các nước có nền kinh tế phát triển, hoạt động đầu tư thường thông qua các quỹ ủy thác, nôm na là người có tiền nhàn rỗi - song không có thời gian, không có chuyên môn, kinh nghiệm sẽ thuê các tổ chức chuyên nghiệp đầu tư giùm. Trong trường hợp đó, ngoài phí dịch vụ phải trả, lợi nhuận của nhà đầu tư cũng phải san sẻ theo thỏa thuận với đối tác, song rủi ro cũng được giảm thiểu. Trong khi đó, ở Việt Nam, đa phần nhà đầu tư cá nhân tự mày mò, kiến thức, thông tin nhiều khi không đầy đủ, thậm chí chạy theo tin đồn; kinh nghiệm truyền miệng... Hoạt động đầu tư nhiều khi cảm tính, do vậy dễ bị tác động bởi tâm lý đám đông. Chính bởi vậy, thị trường không biết bao lần chứng kiến hiện tượng đầu tư ngược, chẳng hạn như người dân đổ xô đi mua vàng khi giá tăng và ngược lại. Tương tự như vậy là diễn biến trên thị trường chứng khoán.

Không chỉ với thị trường vàng, ngoại tệ, tình trạng thiếu chuyên nghiệp diễn ra ở rất nhiều kênh đầu tư, kinh doanh khác và không chỉ xảy ra với nhà đầu tư cá nhân mà còn với cả nhiều doanh nghiệp. Lấy ví dụ trên thị trường bất động sản, tình trạng mất cân đối, lệch pha cung – cầu, lệch pha tín dụng diễn ra nhiều năm nay. Năm 2016, số lượng dự án cao cấp, sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, vượt quá nhu cầu hiện tại, trong khi 70% nhu cầu của thị trường tập trung vào phân khúc nhà ở trung bình trở xuống. Và tình trạng lệch pha vẫn chưa cải thiện, dẫn tới nguy cơ rủi ro không nhỏ cho cả chủ đầu tư, nhà đầu tư và hệ thống ngân hàng.

Để giải quyết câu chuyện này, trước hết, các cơ quan quản lý cần có định hướng, quy hoạch và điều tiết thị trường thông qua hệ thống cơ chế chính sách. Chẳng hạn, có thể xây hàng rào kỹ thuật, đặc biệt tăng thuế, phí với những lĩnh vực, phân khúc, sản phẩm đầu tư không khuyến khích và ngược lại. Về phía nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư tổ chức, doanh nghiệp và đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân cần nghiên cứu các hình thức ủy thác đầu tư nhằm giảm thiểu rủi ro. Mặt khác, cần chủ động trang bị kiến thức, thông tin, kinh nghiệm để chuyên nghiệp, hiệu quả hơn trong quản lý tài sản, tiền bạc của mình. Đặc biệt, cần phải loại bỏ tâm lý “ăn xổi” trong kinh doanh, đầu tư. Chính tâm lý “tham lam” khiến nhiều nhà đầu tư bỏ qua mọi nguyên tắc, kinh nghiệm để rồi thua lỗ, thậm chí nhiều trường hợp mất trắng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.