Phát triển - Kết nối

Đầu tư hạ tầng giao thông tạo đột phá phát triển kinh tế miền núi

Huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) lấy đầu tư hạ tầng giao thông làm tiền đề, tạo bứt phá phát triển kinh tế, đời sống người dân.

Theo ông Đỗ Tài, Bí thư Huyện ủy Đông Giang (tỉnh Quảng Nam), huyện miền núi Đông Giang có gần 80% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu. Để phát huy vai trò, nội lực trong nhân dân đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế địa phương thực sự rất khó khăn. Thời gian qua, sự đầu tư phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu dựa vào nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh Quảng Nam và doanh nghiệp.

Vì vậy, trên cơ sở các nhiệm vụ đột phá được đặt ra, huyện Đông Giang đang xác định lấy đầu tư kết cấu hạ tầng, giao thông làm nhiệm vụ đột phá, nhằm huy động các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

img

Tuyến đường QL14G theo tiêu chuẩn đường cấp IV sẽ tạo động lực, thế mạnh đột phá cho huyện Đông Giang

Lấy hạ tầng giao thông bứt phá phát triển kinh tế - xã hội

Theo ông Hồ Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, mới đây, HĐND tỉnh Quảng Nam đã thông qua chủ trương thực hiện nâng cấp, mở rộng đoạn tuyến An Điềm - A Sờ với tổng mức đầu tư 260 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh Quảng Nam. Cùng với đó, HĐND tỉnh Quảng Nam cũng phê duyệt đầu tư dự án công trình đường nội thị phía tây thị trấn Prao với tổng mức 170 tỷ đồng (trong đó, ngân sách tỉnh Quảng Nam cấp 162 tỷ đồng, còn lại ngân sách huyện Đông Giang).

"Đường nội thị phía tây thị trấn Prao nằm phía tây sông A Vương có điểm đầu nối với đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Prao, điểm cuối nối đường giao thông qua thôn A Dung (xã A Rooi) với chiều dài 7,3km. Tuyến đường này sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông nội thị Prao và liên vùng; sắp xếp, mở rộng dân cư về phía tây sông A Vương; tạo thuận lợi đi vào vùng sản xuất; rút ngắn đáng kể thời gian lưu thông của người dân A Rooi về trung tâm huyện Đông Giang", ông Minh nói.

Ông Minh cho biết: "Trong 5 năm qua, nhờ sự chủ động, linh hoạt huy động nhiều nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, huyện Đông Giang đã thực hiện kiên cố hóa hơn 12km mặt đường huyện, các tuyến đường liên thôn với chiều dài gần 11km, với tổng mức hơn 597 tỷ đồng. Các tuyến Zà Hung - A Rooi, tuyến Zà Hung - Jơ Ngây, Kà Dăng - Mà Cooih xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng giao thương thuận lợi, thúc đẩy kinh tế địa phương. Đến nay, 40/40 thôn của huyện Đông Giang đã có đường ô tô vào tận nơi".

Nhờ xác định quan điểm "giao thông mở đường", nên trong giai đoạn 2015 - 2020, huyện Đông Giang đã được đầu tư hoàn thiện hạ tầng điện chiếu sáng, đến nay bảo đảm 40/40 thôn có điện lưới quốc gia và 11 trung tâm xã, thị trấn có điện đường chiếu sáng. Công tác quy hoạch dân cư cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, từ năm 2017-2020, huyện Đông Giang triển khai hỗ trợ di dời 710 hộ dân đến các khu dân cư mới, với kinh phí thực hiện 35,2 tỷ đồng.

Việc hoàn chỉnh hạ tầng giao thông thị trấn Prao và đẩy mạnh triển khai xây dựng một số tuyến đường đô thị Sông Vàng (xã Ba) là mục tiêu quan trọng nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hình thành các vùng đô thị huyện Đông Giang sau 2025. Đồng thời, tạo động lực, điều kiện để các xã Mà Cooih, Jơ Ngây "cán đích" xã nông thôn mới.

img

Đường giao thông được nâng cấp, mở rộng tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương hàng hóa vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đông Giang.

Được "tiếp sức" từ các công trình, dự án hạ tầng giao thông có nguồn vốn Trung ương

Theo ông Minh, thời gian qua, huyện Đông Giang không chỉ nhận được các nguồn vốn đầu tư từ tỉnh Quảng Nam, mà còn thừa hưởng nhiều công trình, dự án hạ tầng giao thông từ ngân sách Trung ương.

Điển hình như vào cuối năm 2020, cùng một lúc, 4 cây cầu gồm Km32+480, Sông Vàng, Sông Kôn và Dốc Rùa 2 trên tuyến QL14G qua địa bàn huyện Đông Giang đưa vào sử dụng. Cả 4 cây cầu đều có bề rộng 7,5m, với tổng kinh phí xây dựng hơn 52,8 tỷ đồng. Các công trình thuộc Dự án tín dụng ngành GTVT để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ 2, từ nguồn vốn vay Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Những cây cầu mới, vững chắc thay thế cho các cây cầu cũ, ngầm tràn không chỉ xóa bỏ “điểm đen” ngập lụt, TNGT, mà còn thay đổi diện mạo vùng miền núi, giúp người dân đi lại an toàn, gia tăng kết nối, thông thương hàng hóa giữa địa phương với vùng đồng bằng, thành thị và địa bàn Đà Nẵng.

Ông Minh chia sẻ: "Đông Giang là địa bàn miền núi, có mạng lưới sông, suối khá dày đặc, độ dốc lớn. Không chỉ đối với các tuyến đường huyện, đường giao thông dân sinh, mà nhiều vị trí trên tuyến QL14G thường xuyên bị ngập lụt mỗi khi có mưa lũ, nhất là vào mùa mưa bão".

img

Du khách nước ngoài đến tham quan tại một làng truyền thống huyện Đông Giang.

Tại các điểm Km32+480, Sông Vàng, Sông Kôn, Dốc Rùa 2 nước lũ thường gây ngập sâu, khiến tuyến QL14G đia quan địa bàn thường xuyên bị chia cắt nhiều ngày. Nhiều tai nạn thương tâm đã xảy ra, lũ cuốn trôi mất tích nhiều người dân khi cố băng qua đường ngập nước. Giao thông chia cắt, hàng hóa, nhu yếu phẩm từ dưới miền xuôi lên, hay sản vật rừng núi bản địa cũng ngưng trệ.

Đáng lo nhất, là con em học sinh luôn đối mặt với nguy hiểm rình rập mỗi khi đến trường trong mùa mưa lũ bất thường. Tuy nhiên, từ ngày 4 cây cầu Km32+480, Sông Vàng, Sông Kôn, Dốc Rùa 2 cùng lúc được xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng thì những “điểm đen” ngập lụt, hiểm họa TNGT được hạn chế.

“Hiện tuyến QL14G đi qua địa bàn huyện Đông Giang dài hơn 41km. Việc đầu tư xây dựng nâng cấp các câu cầu, cũng như tuyến đường QL14G theo tiêu chuẩn đường cấp IV sẽ tạo động lực, thế mạnh đột phá cho huyện Đông Giang phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, địa phương sẽ định vị thêm một đô thi tại xã Ba, triển khai và hình thành các dự án du lịch, khai thác quỹ đất dọc tuyến, cụm công nghiệp giáp với địa bàn Đà Nẵng, đặc biệt là mô hình kinh tế trang trại, du lịch cộng đồng”, ông Minh nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.