Phát triển - Kết nối

Hơn 5.000 tỷ đầu tư hạ tầng, khơi thông “mạch máu” phát triển miền núi

24/12/2021, 15:33

Mở đường để các tỉnh miền núi tăng cường kết nối với miền xuôi và thông thương qua biên giới.

“Bỏ ngỏ” tiềm năng do hạn chế kết nối

Ban QLDA 2, Bộ GTVT cho biết, theo nghiên cứu của các đơn vị tư vấn vùng Tây Bắc hiện có 4 phương thức, trong đó vận tải đường bộ đóng vai trò quan trọng nhất. Tổng chiều dài các tuyến quốc lộ trong khu vực Tây Bắc là gần 2.600km, chiều dài của các tuyến tỉnh lộ là 3.455km, chiều dài của đường huyện và đô thị là gần 15.200km.

img

Các tuyến đường kết nối giao thông miền núi phía Bắc hiện nay còn nhiều hạn chế với quy mô nhỏ hẹp, nhiều đoạn xuống cấp - Ảnh minh họa

Hệ thống đường bộ là loại hình giao thông chủ yếu của vùng nhưng chưa được xây dựng kết nối liên hoàn. Ngoài đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai có quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật của đường cấp cao, còn lại các tuyến đường khác cấp đường đều thấp (kể cả quốc lộ). Vì vậy, việc lưu thông giữa các tỉnh miền núi phía Bắc với khu vực đồng bằng, cảng biển và ngược lại gặp nhiều khó khăn, dẫn đến làm giảm khả năng phát triển KT-XH.

Điều kiện tự nhiên các tỉnh miền núi phía Bắc có những tiềm năng rất lớn về du lịch, văn hóa và khoáng sản. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa phát huy được hết những tiềm năng này một phần là do hệ thống đường giao thông còn đi lại khó khăn.

Tại tỉnh Lai Châu, việc kết nối với các địa phương khác chủ yếu bằng hai tuyến quốc lộ chính là QL4D, QL32 có quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp IV, V miền núi.

Trong đó, QL32 hiện tại đã xuống cấp và thường xuyên bị ách tắc, khả năng thông hành kém, QL4D thường xuyên xảy ra tình trạng sương mù, tầm nhìn hạn chế, đặc biệt về mùa đông thường xuyên xảy ra tình trạng băng tuyến trên đèo Ô Qúy Hồ, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Đối với tỉnh Yên Bái, hiện có Nghĩa Lộ là đô thị kết nối với vùng du lịch Mù Căng Chải theo tuyến QL32. Giao thông kết nối với Nghĩa Lộ từ Hà Nội được thực hiện theo QL32 gặp nhiều khó khăn (quy mô đường 2 làn xe), thời gian đi lại kéo dài; giao thông kết nối Nghĩa Lộ với tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai được thực hiện thông qua tuyến ĐT.175 có quy mô nhỏ (bề rộng mặt đường 3-4m), mặt đường xuống cấp (mặt đường đất), điều kiện hình học thấp và trong điều kiện lưu lượng xe trong khu vực tăng nên không đáp ứng được nhu cầu vận tải.

Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần phải đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, giảm thời gian đi lại từ Hà Nội tới Nghĩa Lộ và vùng du lịch Mù Căng Chải, góp phần hỗ trợ đồng bào dân tộc khu vực (05 nhóm dân tộc Thái, Dao, H’mong, Tày và Mường).

Đồng thời, tạo nên tuyến đường trục ngang theo hướng Tây Bắc, tạo điều kiện xuất khẩu các loại nông sản, khoảng sản, khai thác tiềm năng du lịch với các tỉnh khác trong khu vực; Nâng cao sức hấp dẫn các nhà đầu tư (công nghiệp khai khoáng, du lịch) đối với khu vực đầy tiềm năng nhưng chưa có điều kiện phát triển.

img

Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc sắp được triển khai sẽ rút ngắn hành trình giữa các tỉnh vùng cao với thủ đô Hà Nội, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế - Ảnh minh họa

Hơn 5.300 tỷ đồng tăng cường kết nối

Theo đại diện Ban QLDA 2, trước thực trạng nêu trên, dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng phát triển châu Á và Chính phủ Úc tài trợ nhằm đảm bảo tính kết nối giữa các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái với cao tốc Hà Nội - Lào Cai đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và chuẩn bị khởi công ngay trong tháng 12/2021.

Dự án được thực hiện nhằm rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị kinh tế của tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và các địa phương khác có liên quan về thủ đô Hà Nội, nâng cao hiệu quả khai thác đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai.

Qua đó, góp phần giảm chi phí vận tải hàng hóa và hành khách, giảm ùn tắc và TNGT, tăng cường khả năng liên kết giữa các tỉnh và các vùng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, củng cố và đảm bảo an ninh quốc phòng cho các tỉnh miền núi phía Bắc.

Quy mô của dự án gồm 2 tuyến. Trong đó, tuyến 1 kết nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai với chiều dài khoảng 147km, quy mô cấp 3 miền núi. Tuyến 2 nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Hà Nội - Lào Cai có chiều dài khoảng 53km, đường cấp 4 miền núi.

Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 5.300 tỷ đồng. Vốn vay ADB hơn 187 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc là gần 4,5 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam hơn 43,5 triệu USD

“Dự án được chia thành 11 gói thầu. Trong đó, gói thầu xây lắp XL-08 xây dựng đoạn tuyến Km128+040 - Km137+040 và Km137+960 - Km146+540 thuộc tuyến nối Lai Châu với giá trị hơn 285 tỷ đồng. Thời gian thi công 30 tháng. Các gói thi công còn lại sẽ được triển khai trong năm 2022.

Dự kiến được thực hiện tổng trong khoảng 4 năm, sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2024”, đại diện Ban QLDA 2 thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.