Phát triển - Kết nối

Đầu tư hạ tầng, phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa Khmer

29/11/2022, 19:49

Đầu tư hạ tầng cơ sở sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, gắn bảo tồn các giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer.

Quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông

Đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu chiếm 7,8% dân số của tỉnh (trên 74.000 nhân khẩu). Thời gian qua, các ngành, các cấp trong tỉnh luôn dành sự quan tâm, ưu tiên thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước cho đồng bào dân tộc Khmer.

Nhờ đó, đời sống của bà con không ngừng được nâng lên. Diện mạo phum sóc ngày càng khởi sắc, tạo nên sức sống mới ở các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

img

Tuyến đường Thuận Hòa - Xiêm Cán được nhựa hóa giúp cho việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân, đặc biệt là người dân đồng bào dân tộc ở Bạc Liêu được thuận lợi, an toàn.

Đặc biệt, TP Bạc Liêu là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh, là đầu mối giao thương với các tỉnh nên TP Bạc Liêu có nhiều ưu thế để phát triển kinh tế và văn hóa, xã hội.

Đặc biệt, một trong những thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội của TP Bạc Liêu là tiềm năng du lịch phong phú với những nét độc đáo về văn hóa, xã hội, có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái vườn, du lịch cộng đồng.

Chị Trần Thị Ly (ngụ TP Bạc Liêu) chia sẻ: “Ngày nay, hầu hết các ấp đều có đường giao thông nông thôn đến tận nhà, nối ấp liền ấp, xã liền xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vùng đồng bào DTTS đi lại. Giao thương được thông thoáng, an toàn giao thông, phát triển kinh tế gia đình, tăng gia sản xuất.

Đường sá thông thoáng, nhà tường được xây mới thay nhà lá mọc lên khắp phum sóc. Đồng bào dân tộc hiện nay không chỉ chăm chút cho vẻ đẹp cổ kính của các ngôi chùa Khmer - biểu tượng về văn hóa tín ngưỡng của mình, mà còn quan tâm đến nhà cửa, đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp”.

Thực tế, trong những năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh Bạc Liêu cũng luôn quan tâm xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn trong vùng đồng bào DTTS.

Chính quyền thường xuyên quan tâm duy tu, sửa chữa và nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông, giúp bà con vùng đồng bào DTTS đi lại được an toàn, thuận lợi. Nhiều tuyến đường được bê tông hóa, nhựa hóa chắc chắn, ô tô về đến phum sóc dẫn đến tận nương rẫy, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc.

img

Vẻ đẹp lộng lẫy của chùa Xiêm Cán (Bạc Liêu).

Bà Đỗ Ái Lam, Phó Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu cho biết, nhằm phát huy vai trò của chính quyền địa phương trong khai thác, phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đồng bào dân tộc Khmer khu vực vườn nhãn và chùa Xiêm Cán Bạc Liêu, UBND TP Bạc Liêu đã xây dựng Đề án Chiến lược phát triển du lịch TP Bạc Liêu đến năm 2025, định hướng năm 2030.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án, TP Bạc Liêu quan tâm đầu tư mới, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường đến điểm du lịch vườn nhãn, tiếp tục thực hiện các tiêu chí xây dựng xã Hiệp Thành trở thành phường Hiệp Thành, xã Vĩnh Trạch Đông đạt tiêu chuẩn xã Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Bên cạnh đó, thành phố đã và đang tập trung xây dựng nhiều sản phẩm du lịch thu hút du khách, trong đó tập trung nhiều vào sản phẩm du lịch vườn nhãn Bạc Liêu.

Phát triển sản phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng. Cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn trái, cải tạo mặt nước ao hồ thẩm mỹ để thả nuôi các loại thủy sản và động vật có giá trị để phát triển các khu du lịch vườn, du lịch đồng quê.

“Tận dụng tối đa lợi thế về biển, rừng ven biển, vườn nhãn cổ để phát triển các khu nghỉ dưỡng, nghỉ cuối tuần, sinh hoạt cộng đồng, kết hợp với tham quan, trải nghiệm mô hình các trang trại sinh thái nông nghiệp và thưởng thức các món ăn đặc sản của đồng bào dân tộc Khmer vùng ven biển”, bà Lam cho hay.

img

Một tiết mục văn hóa nghệ thuật với chủ đề "Bạc Liêu đón chào ngày mới" của đồng bào dân tộc Khmer ở Bạc Liêu.

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer

Cũng theo bà Đỗ Ái Lam, phát triển du lịch cộng đồng vườn nhãn Bạc Liêu luôn gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của đồng bào DTTS. Đặc biệt là bảo tồn phát huy các loại hình nghệ thuật dân tộc Khmer như: hát Dù - kê, nhạc ngũ âm, múa Apsara, múa Rom vong, múa gáo… Không thể thiếu là các lễ hội truyền thống đồng bào dân tộc Khmer như: Lễ hội Ok Om Bok, Lễ Dâng bông, Dol Ta, Chôl Chnăm Thmây…phục vụ nhu cầu thưởng thức của du khách.

Đặc biệt, TP Bạc Liêu sẽ hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; phối hợp xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển các khu, điểm du lịch. Trong đó, quy hoạch khu du lịch vườn nhãn thành khu du lịch vườn trọng điểm của TP Bạc Liêu.

Theo ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, trung bình mỗi năm, tỉnh đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai các dự án phát triển sản xuất giúp đồng bào Khmer nâng cao đời sống.

Bên cạnh đó, tỉnh dành sự quan tâm đặc biệt đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi.

img

Đường giao thông nông thôn được bê tông hóa giúp bà con đồng bào đi lại an toàn, thuận lợi.

Theo thống kê, trong 5 năm qua, 1.135 hộ người Khmer nghèo được vay vốn hơn 14 tỷ đồng được đầu tư cho phát triển kinh tế. Nguồn vốn này đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương. Nếu như cuối năm 2019, hộ nghèo DTTS còn 548 hộ (chiếm 17,76% tổng số hộ nghèo của tỉnh), đến nay còn 200 hộ (chiếm 5,83%).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu khẳng định: “Cùng các phong tục tập quán truyền thống của đồng bào DTTS vùng biển, đặc biệt là các di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer được xem là điểm nhấn trong thúc đẩy phát triển du lịch.

Từ đó, tạo thành một không gian sinh thái nông nghiệp hấp dẫn có thể tổ chức các hoạt động du lịch đa dạng như: nghỉ cuối tuần, văn hóa, sinh thái, ẩm thực… để du khách đến tham quan, trải nghiệm. Đồng thời, kết nối tour, tuyến, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.