Hàng hải

Đầu tư luồng đón tàu 50.000 tấn cho cảng biển Quảng Nam là đề xuất đột phá

26/11/2022, 15:42

Đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang về đề xuất đầu tư luồng cảng biển nước sâu cho tàu 50.000 tấn của tỉnh Quảng Nam.

Sáng 26/11, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cùng Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đồng chủ trì Hội thảo lấy ý kiến về kết quả nghiên cứu Đề xuất quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Nam và đề xuất đầu tư luồng cảng biển nước sâu theo quy hoạch.

img

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đồng chủ trì hội thảo cùng Chủ tịch Quảng Nam Lê Trí Thanh

Từng bước nâng tầm cảng biển Quảng Nam

Theo đơn vị tư vấn, Quảng Nam có 2 khu bến là Tam Hiệp và Kỳ Hà. Bến Tam Hiệp với cảng Chu Lai có khả năng tiếp nhận tàu 20.000 tấn, hiện nay đang xây dựng 365m bến để tiếp nhận tàu lên đến 50.000 tấn, công suất thiết kế 3 triệu tấn hàng/năm.

Giáo sư Hitoshi Tanaka, Trường ĐH Tohoku (Nhật Bản) cho rằng, vấn đề lo ngại là Quảng Nam đang quy hoạch Cửa Lở kết hợp cả cửa vận chuyển và thoát lũ.

Theo vị giáo sư này, kinh nghiệm của Nhật Bản thì người ta chia ra 2 hạng mục rõ ràng. Quy hoạch cảng riêng, sông riêng. Nếu tuyến luồng dùng chung với mục tiêu thoát lũ thì bùn cát từ thượng lưu sẽ bồi lắng tuyến luồng, cần đánh giá kỹ càng.

Khu bến Kỳ Hà với 2 cầu cảng, hiện tiếp nhận tối đa tàu 6.600 tấn, công suất khai thác 0,5 triệu tấn/ năm.

Hàng hóa thông qua các cảng biển Quảng Nam hiện đạt 2,5 triệu tấn. Dự báo đến năm 2025 đạt 4,1 - 4,95 triệu tấn, đến 2030 đạt 8,5 – 10,25 triệu tấn/ năm.

Tư vấn cho biết, theo quy hoạch phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Nam thì khu bến cảng Tam Hiệp, Tam Hòa với chức năng phục vụ trực tiếp cho Khu kinh tế mở Chu Lai và vùng phụ cận, có các bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí, bến cảng khách và các bến cảng phục vụ ngành công nghiệp khác, tiếp nhận tàu đến 50.000 tấn.

Khu bến cảng Kỳ Hà, Tam Giang phục vụ trực tiếp cho Khu kinh tế mở Chu Lai, từng bước chuyển đổi công năng thành khu bến phục vụ chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh; có bến tổng hợp, hàng lỏng/khí, bến khách (phục vụ tuyến từ đất liền ra đảo), tiếp nhận tàu đến 20.000 tấn.

Tư vấn kiến nghị thiết lập mới tuyến luồng hàng hải cho tàu 50.000 tấn qua Cửa Lở, bao gồm cả đê kè chắn sóng, chắn cát, các công trình chỉnh trị luồng tàu và hệ thống bảo hiệu hàng hải.

img

Cảng Chu Lai

Quy hoạch các khu neo, điểm chuyển tải tại Vịnh An Hòa, Cù Lao Chàm và các khu neo đậu tránh trú bão khác đủ điều kiện; Quy hoạch các tuyến giao thông kết nối đến từng khu bến, bến cảng, các bến khách, bến thủy nội địa trong vùng nước cảng biển; Xây dựng các khu vực chứa vật liệu nạo vét, khu phi thuế quan và các cơ sở hậu cần logistics sau cảng hỗ trợ hoạt động khai thác cảng biển...

Tổng nhu cầu vốn đến năm 2030 là 18.890 tỷ, sau năm 2030 là 51.042 tỷ từ ngân sách nhà nước, doanh nghiệp.

Dự kiến đến năm 2023, Quảng Nam sẽ hoàn thành đầu tư bến số 2 Khu bến Tam Hiệp tiếp nhận tàu 50.000 tấn, đáp ứng dự báo hàng hóa đến năm 2025. Giai đoạn 2025- 2030 đầu tư 2 bến tại Tam Hiệp nâng tổng công suất thiết kế lên 14-16 triệu tấn/năm.

Sớm đầu tư tuyến luồng cho tàu 50.000 tấn

Theo ông Lê Tấn Đạt, Phó tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình hàng hải (đơn vị tư vấn), đầu tư tuyến luồng Cửa Lở cho tàu 50.000 tấn là kết cấu hạ tầng hàng hải quan trọng có tính chất quyết định đến định hướng phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai.

img

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết sẽ đề xuất đầu tư theo hướng đồng bộ cả luồng, hệ thống bến cảng, khu phi thuế quan, khu dịch vụ hậu cần cảng

Theo đó, tuyến luồng dài 6km, rộng 140m, được đầu tư trực tiếp gắn liền với 2 bến khởi động tại Tam Hòa và khu phi thuế quan 774ha, hình thành một dự án đồng bộ, gắn kết trong quá trình đầu tư, vận hành, khai thác. Tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 15,7 nghìn tỷ đồng từ việc huy động vốn của nhà đầu tư.

Tư vấn đưa ra 2 phương án. Một là tránh bãi cạn cắt đầu mom Cửa Lở kết nối vào tuyến luồng trong sông. Phương án 2 là đi qua bãi cạn đầu mũi Bàn Than vào Cửa Lở hiện hữu.

Trong đó, phương án 1 là khả thi bởi đây là địa hình cát và cát pha thuận lợi cho công tác nạo vét, tiết kiệm chi phí, vùng biển có độ sâu ổn định.

Còn phương án 2 không khả thi do khu vực bãi cạn là đá gốc, chi phí nạo vét, phá đá khoảng 8,3 nghìn tỷ đồng và còn làm tác động cảnh quan môi trường.

img

Cảng Chu Lai có khả năng tiếp nhận tàu 20.000 tấn. Hiện nay đang xây dựng 365m bến để tiếp nhận tàu lên đến 50.000 tấn

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, cảng biển Quảng Nam có sự tăng trưởng rất đáng khích lệ, bình quân đạt 16%. Số lượng tàu lớn ra vào ngày càng tăng. Cảng biển Quảng Nam còn có vai trò đáp ứng nhu cầu tránh trú bão.

Theo Thứ trưởng, do nhiều nguyên nhân, việc phát triển cảng biển Quảng Nam chưa đạt so với quy hoạch, chủ yếu là điểm nghẽn về tuyến luồng.

"Đây cũng chính là nguyên nhân, cơ hội để nghiên cứu đầu tư một tuyến luồng mới", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng cho biết thêm, trước khi Bộ GTVT xây dựng quy hoạch tổng thể về hàng hải, tỉnh Quảng Nam đã chủ động nghiên cứu, đề xuất xây dựng tuyến luồng Cửa Lở mới cho tàu đến 50.000 tấn, đây là đề xuất đột phá.

"Đây là tiền đề quan trọng để Cục Hàng hải trình Bộ GTVT, Bộ trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch nhóm, quy hoạch chi tiết vùng đất vùng nước cảng biển Quảng Nam", Thứ trưởng nói.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết thêm, trong 10 năm qua, trong số tổng kinh phí đầu tư ngành Hàng hải 201 nghìn tỷ thì kinh phí từ các nguồn ngoài ngân sách đến 86%, cho thấy sức hấp dẫn của hàng hải, cảng biển.

"Chúng tôi dự kiến đẩy tỉ lệ huy động vốn ngoài ngân sách lên đến 95%. Đề xuất của tư vấn về nguồn vốn 100% của doanh nghiệp là đúng đắn, là xu thế", Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, cơ sở pháp lý đầu tư tuyến luồng 50.000 tấn này đã có, đã được cập nhật vào quy hoạch.

Qua hội thảo sẽ cân nhắc các yếu tố cần thiết để báo cáo đề xuất đầu tư theo hướng đồng bộ cả luồng, hệ thống bến cảng, khu phi thuế quan, khu dịch vụ hậu cần cảng để trở thành một dự án lớn, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.