Thị trường

Đầu tư tiền tỷ,“đánh bạc” với hoa Tết

19/01/2015, 07:14

Bao nhiêu tiền bạc họ đã đổ vào ruộng hoa, nếu năm nay hoa nở sớm, mất mùa thì dân Tây Tựu... mất Tết.

41

Người trồng hoa ở Tây Tựu chỉ mong thời tiết rét để được mùa Tết

 Chỉ mong... rét

Sáng 11/1, cánh đồng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) sáng bừng trong nắng ấm, nhưng khuôn mặt những chủ vườn hoa lại lo âu. “Năm nay nhuận, hoa có nguy cơ nở sớm, nên cứ nắng lên là chúng tôi thêm lo. Nếu trời cứ rét đậm, âm u như mấy hôm trước lại mừng”, chị Hòa, HTX số 2 Tây Tựu cho hay.

Gom lại những lá, cành hoa cúc còn sót lại bên bờ ruộng, chị Hòa cho biết, hôm nay giá hoa cúc bán buôn chỉ 400-500 đồng/bông. “Với giá bán này, nhà vườn sẽ lỗ. Bởi nguyên tiền giống cho một sào hoa cúc đã năm triệu đồng. Vào ngày rằm, mùng một còn bán được một nghìn đồng/bông, chứ ngày thường có khi con buôn ép giá chỉ 300 đồng/bông. Nếu thu hoạch đúng vụ Tết thì may ra một sào cúc lãi được 20-30 triệu đồng, còn có tiền ăn Tết”, chị Hòa nói.

"Cả ba hợp tác xã Tây Tựu năm nay trồng khoảng 300 ha hoa Tết các loại, chủ yếu là hoa hồng, cúc, thược dược, ly…”.

Ông Bùi Trung Hòa,
Phó Chủ tịch UBNDphường Tây Tựu, Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Nhưng thấp thỏm lo hơn vẫn là những chủ vườn hoa ly, bởi vốn đổ vào hoa ly lớn nên khả năng thua lỗ cũng nhiều hơn. Anh Tuấn, một người trồng hoa ly ở Tây Tựu cho hay, vụ hoa Tết năm ngoái, nhiều hộ trồng hoa ly ở Tây Tựu kiếm lãi lớn. Cũng vì thế, năm nay có thêm nhiều nhà tiếp tục đầu tư hàng tỷ đồng vào hoa ly. Nhà nào vốn nhiều thì đầu tư tiền tỷ, nhà ít thì vài ba trăm triệu. Nhiều nhà phải cầm cố cả nhà đất, ruộng vườn, vay lãi ngân hàng để trồng ly.

Anh Tuấn nhẩm tính, để trồng một sào hoa ly, người nông dân phải bỏ vốn khoảng 120 triệu đồng. Năm ngoái, ly được mùa, vào vụ Tết giá ly bán được 35-40 nghìn đồng/cành nên nhiều hộ thu lãi vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. “Năm nay nhuận, nên thời điểm này dù cách Tết cả tháng, ly đã nảy nụ to. Nếu trời cứ nắng, ly nở sớm thì bán giá rất rẻ. Như hôm 8/1, giá bán buôn ly chỉ 17 nghìn - 18 nghìn đồng, lỗ nặng”, anh Tuấn lo lắng.

Nơm nớp lo hoa ly rớt giá

Theo ông Bùi Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND phường Tây Tựu, mấy năm nay, người Tây Tựu đầu tư rất lớn để trồng hoa ly, trong đó chỉ có 20 ha ở Tây Tựu, còn lại người dân đi thuê khoảng 180 ha đất ở huyện Đan Phượng, Hoài Đức trồng ly. Nhẩm tính sơ, Tây Tựu có khoảng 10 hộ trồng hoa ly lớn, vốn đầu tư từ vài tỷ đến chục tỷ, như hộ ông Nguyễn Văn Xuân, ông Nguyễn Văn Cúc, Nguyễn Văn Tỵ ở Đội 6, HTX số 2 Tây Tựu.

Ông Hòa cho biết, hoa ly thuộc dòng “quý tộc”, đầu tư lớn, chăm sóc kỹ, nếu thành công thì cho lãi cao, nhưng rủi ro thì thua thiệt cũng rất lớn. Trong đó, đắt đỏ nhất là đầu tư giống hoa, bởi giá củ ly giống lên tới 13 nghìn - 22 nghìn đồng/củ (tùy loại, tùy thời điểm). Sau đó phải đầu tư nhà lưới quy mô, rồi thuê người chăm sóc suốt ba tháng ròng. Nhẩm tính, một sào đất trồng được 6.500 củ ly, ngoài tiền giống (chỉ tính một nghìn đồng/củ), thêm chi phí chăm bón suốt ba tháng trời, nếu giá hoa ly bán được 28 nghìn đồng/cành thì mỗi củ ly người nông dân lãi được 5 nghìn - 10 nghìn đồng. Vào ngày rằm, mùng một, hoa ly bán được 30 nghìn đồng/cành nhưng mấy hôm nay, giá hoa ly vụt rớt còn 16 nghìn - 20 nghìn đồng/cành, tức người trồng ly đang lỗ.

“Giá hoa ly Tây Tựu tăng giảm thất thường, khiến người trồng ly nơm nớp nỗi lo hoa rớt giá, nhất là khi nhiều hộ cùng trồng ly như hiện nay”, anh Tuấn than.

Còn ông Hòa cho biết, trước phong trào trồng ly phát triển rầm rộ ở Tây Tựu, UBND phường định hướng cho bà con nâng cao sản xuất, tuy nhiên cũng phải tìm hiểu thị trường để đầu tư có khoa học, nếu không độ rủi ro cao, giống như “đánh bạc”. “Theo thông báo dư nợ từ Ngân hàng NN&PTNT của nông dân Tây Tựu vay để trồng hoa năm 2014 là trên bốn tỷ đồng, chưa kể họ còn vay của nhiều ngân hàng khác”, ông Hòa cảnh báo.

Ngoài việc khuyến cáo người trồng hoa Tây Tựu tìm hiểu thị trường trước khi trồng ly, UBND phường Tây Tựu cũng mong cơ quan chức năng hỗ trợ nguồn giống củ ly. Bởi đến nay chưa có một doanh nghiệp đầu mối Nhà nước nào đứng ra cung cấp giống cho bà con. Bà con phải tự mua và ký kết hợp đồng với những nhà cung cấp tư nhân trôi nổi, nên dễ bị ép giá, không được bồi thường nếu giống kém, cây chết...

Trần Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.