Quản lý

Đẩy nhanh thu phí tự động để chống thất thu

12/07/2016, 05:53

Từ nay đến trước năm 2018, 1/2 số cửa tại các trạm thu phí sẽ áp dụng công nghệ thu phí tự động...

1

Bộ GTVT đang đẩy nhanh việc thu phí tự động nhằm chống thất thu, đồng thời làm hài lòng người dân (Trong ảnh: Trạm thu phí không dừng Km 604 + 700 QL1, Quảng Bình) - Ảnh: Văn Thanh

Trao đổi với Báo Giao thông trước thềm hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Bộ GTVT tổ chức sáng nay (12/7), Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, từ nay đến trước năm 2018, 1/2 số cửa tại các trạm thu phí sẽ áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng và đến trước năm 2020, tất cả các cửa tại các trạm thu phí trên toàn quốc sẽ áp dụng hoàn toàn công nghệ này để đảm bảo tính chính xác, chống được thất thoát cao nhất.

2

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường

Tập trung điều chỉnh toàn bộ quy hoạch 5 lĩnh vực

Năm 2016 là năm đầu tiên trong kế hoạch 5 năm 2016 -2020 với nhiều mục tiêu quan trọng đã được đặt ra đối với ngành GTVT. Đến nay, qua 6 tháng triển khai, những kết quả nổi bật ngành GTVT đạt được là gì, thưa Thứ trưởng?

Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2016, ngành GTVT đã đề ra khẩu hiệu: “Chủ động, sáng tạo, quyết liệt để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng XII đề ra đối với ngành GTVT”. Trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, 6 tháng đầu năm 2016, ngành GTVT đã tập trung hoàn thành công tác sửa đổi Luật Đường sắt, từng bước tổng kết để sớm báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Giao thông đường bộ. Đồng thời, Bộ GTVT đã triển khai xây dựng các thông tư hướng dẫn, văn bản pháp luật liên quan đến Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật Hàng không dân dụng vừa được Quốc hội thông qua. Bên cạnh đó, ngành GTVT tiếp tục rà soát công tác cải cách thủ tục hành chính để giảm triệt để tình trạng giấy phép con, ban hành các thông tư hướng dẫn kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong và ngoài ngành GTVT hoạt động hiệu quả hơn.

Đặc biệt, ngành GTVT đã tập trung điều chỉnh toàn bộ quy hoạch của 5 lĩnh vực đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ cuối năm 2015 gồm: Đường bộ, hàng không, hàng hải, đường sắt và đường thủy nội địa. Cụ thể, ở lĩnh vực đường bộ, sau khi Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngành GTVT đã tập trung phát triển nhanh, mạnh hệ thống đường cao tốc, nhất là tuyến cao tốc Bắc - Nam; Phấn đấu từ nay đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông với chiều dài còn lại cần phải đầu tư khoảng 1.300km. Đồng thời, ngành GTVT tập trung xây dựng hoàn chỉnh những tuyến cao tốc từ Thủ đô Hà Nội đi các tỉnh phía Bắc, từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, những năm qua, ngành GTVT quá chú trọng đầu tư phát triển hệ thống đường bộ, trong khi, hai lĩnh vực đường sắt và đường thủy nội địa ít được quan tâm đầu tư, dẫn tới việc mất cân đối trong cơ cấu vận tải. Thời gian tới, ngành GTVT sẽ giải quyết thực trạng này ra sao, thưa Thứ trưởng?

Nhằm giảm tải cho đường bộ, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tập trung đầu tư mạnh vào lĩnh vực đường sắt, đường thủy nội địa. Đối với đường sắt, trong nhiệm kỳ này, ngành GTVT sẽ cố gắng để thông qua được chủ trương về dự án đường sắt tốc độ cao, tiến hành triển khai thí điểm trước các đoạn Hà Nội - Vinh, TP Hồ Chí Minh - Nha Trang và từng bước xây dựng đường sắt đôi. Đồng thời, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt với các đối tác nước ngoài để sớm xây dựng tuyến đường sắt kết nối Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng. Ở lĩnh vực đường thủy nội địa, Bộ GTVT sẽ tập trung nâng tĩnh không thông thuyền cho các cây cầu đường sắt bắc qua nhiều tuyến đường thủy hiện nay. Đồng thời, phấn đấu chuyển khoảng 30% vận tải bằng container từ đường bộ sang đường thủy nội địa và 30% sang đường sắt.

Ngoài ra, Bộ GTVT sẽ tăng cường đầu tư kết nối, đặc biệt là các tuyến kết nối đường Hồ Chí Minh với QL1 thông qua hệ thống đường ngang để giảm tải cho hệ thống đường bộ hiện tại.

3

Bộ GTVT tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực đường sắt, chuyển khoảng 30% vận tải container từ đường bộ sang đường sắt - Ảnh: Ngô Vinh

Dự án BOT được lựa chọn kỹ càng

Vừa qua, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến các dự án BOT giao thông. Thời gian tới, khi triển khai đầu tư các dự án theo hình thức này, Bộ GTVT có chủ trương, định hướng thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng, những năm qua, ngành GTVT đã huy động được nguồn vốn khá lớn để đầu tư phát triển hệ thống đường bộ, hàng không, cảng biển và một số lĩnh vực khác. Tuy nhiên, các dự án được đầu tư bằng hình thức BOT ở lĩnh vực đường bộ vừa qua đã đặt ra nhiều thách thức, nhất là công tác quản lý nguồn thu, vấn đề minh bạch thời gian thu phí của các dự án. Để giải quyết vấn đề này, Bộ GTVT đã yêu cầu tất cả các trạm thu phí phải tiến hành thu phí điện tử một dừng, trạm nào hiện nay chưa chuyển đổi sẽ không được thu phí.

Bộ GTVT cũng đưa ra lộ trình, từ nay đến trước năm 2018, 1/2 số cửa tại các trạm thu phí sẽ áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng và đến trước năm 2020, tất cả các cửa tại các trạm thu phí trên toàn quốc sẽ áp dụng hoàn toàn công nghệ này. Công tác thu phí được thực hiện bằng công nghệ điện tử sẽ đảm bảo tính chính xác, chống được thất thoát cao nhất, đồng thời làm hài lòng người dân và đảm bảo minh bạch trong quá trình thực hiện.

Liên quan đến định hướng trong thời gian tới, sau khi tổng kết 5 năm thực hiện đầu tư các dự án BOT, BT, Bộ GTVT thống nhất quan điểm không đầu tư hạ tầng bằng mọi giá. Các tuyến đường được lựa chọn đầu tư bằng hình thức BOT thời gian tới phải đảm bảo đáp ứng các nguyên tắc: Tuyến đường xây dựng mới, tối ưu về lưu lượng phương tiện và phải đảm bảo lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ GTVT cũng đưa ra chủ trương, các dự án BOT tập trung triển khai trong thời gian tới cần có sự tham gia của nguồn vốn Nhà nước để giảm thời gian thu phí và hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án.

Một trong những mục tiêu quan trọng nhất đặt ra trong nhiệm kỳ 2016 - 2020 của ngành GTVT là việc đầu tư nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông. Theo Thứ trưởng, khó khăn lớn nhất để thực hiện mục tiêu này là gì?

Hiện, Bộ GTVT đã xây dựng phương án đầu tư và phương án tài chính của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 236 nghìn tỷ đồng, trong đó nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước khoảng 50%, còn lại là vốn của nhà đầu tư, kết hợp với các đoạn tuyến đầu tư bằng nguồn vốn ODA. Đây là dự án rất cấp thiết phải đầu tư bởi áp lực giao thông lên QL1 hiện rất lớn, Bộ GTVT đang cố gắng phấn đấu khởi công dự án vào đầu năm 2017 và hoàn thành vào năm 2020.

Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ GTVT đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án. Vấn đề khó khăn nữa là nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, bởi để có nguồn vốn hỗ trợ đầu tư dự án, Chính phủ sẽ phải phát hành trái phiếu và thời gian để thực hiện công tác này sẽ kéo dài. Bộ GTVT cũng kiến nghị giải pháp, đối với phần đầu tư theo BOT sẽ cho thực hiện trước, phần đầu tư bằng vốn Nhà nước có thể chậm lại để đáp ứng tiến độ hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2020.

Thành lập các ban QLDA đường bộ theo khu vực

Trong bối cảnh hiện nay, mô hình các Ban QLDA đã và đang bộc lộ nhiều vấn đề bất cập. Được biết, Bộ GTVT đang có chủ trương sắp xếp lại các Ban QLDA. Thứ trưởng có thể chia sẻ cụ thể về kế hoạch này?

Thực hiện đề án tái cơ cấu toàn ngành, trong giai đoạn 2013-2015, Bộ GTVT đã tiến hành củng cố lại các ban QLDA. Hiện nay, ở đường sắt, hàng không và hàng hải, mỗi lĩnh vực đều chỉ có một ban QLDA, như vậy là rất gọn gàng. Riêng lĩnh vực đường bộ hiện có khá nhiều các ban QLDA, kể cả các ban QLDA của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Sắp tới, chủ trương của lãnh đạo Bộ GTVT là sẽ thành lập các ban QLDA theo khu vực để nắm được tình hình cụ thể trên địa bàn, tập trung kêu gọi vốn và vừa có điều kiện quản lý để nâng cao chất lượng, hiệu quả dự án. Trên cơ sở đó, có thể sắp tới, Bộ GTVT sẽ tiến hành sáp nhập các ban QLDA lại với nhau nhằm giảm bớt đầu mối nhưng vẫn đáp ứng được các nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Đối với lĩnh vực hàng hải, Bộ GTVT đang tập trung hoàn thiện đầu tư các cảng biển, trong đó tập trung vào cảng Lạch Huyện và Cái Lân ở khu vực phía Bắc, phát huy tối đa các cảng trung chuyển của Cái Mép - Thị Vải ở khu vực phía Nam, cũng như hệ thống cảng biển liên doanh. Đồng thời, Bộ GTVT đang tiến hành tổ chức lại các cảng biển trên địa bàn cả nước theo hướng cổ phần hóa Nhà nước chi phối để có định hướng phát triển các loại cảng phù hợp với các nguồn hàng và tăng cường dịch vụ logistics nhằm kết nối với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy ngày càng tốt hơn.

Với hàng không, Bộ GTVT đang tập trung vào công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) để sớm khởi công dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Dự kiến, dự án sẽ khởi công trong năm 2019 và hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2022. Ngoài ra, để giảm thiểu tình trạng quá tải tại các sân bay, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tập trung mở rộng các nhà ga tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài, đáp ứng công suất 20-25 triệu hành khách/năm (Nội Bài), 27-30 triệu hành khách/năm (Tân Sơn Nhất).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.