Giao thông

Đẩy nhanh tiến độ thu phí đường bộ tự động

11/08/2016, 08:38

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa yêu cầu khẩn trương hoàn thiện thủ tục, đẩy nhanh tiến độ, chống thất thoát thu phí.

17

Trạm thu phí không dừng thí điểm trên QL1 qua Quảng Bình

Tại cuộc họp về tình hình triển khai dự án thu phí không dừng và kiểm soát tải trọng xe diễn ra hôm qua (10/8), Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa yêu cầu khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ dự án để bảo đảm minh bạch, chống thất thoát thu phí.

Đặc biệt lưu tâm yếu tố bảo mật của hệ thống

Sau khi nghe đại diện chủ đầu tư báo cáo về các thủ tục pháp lý, quy trình lựa chọn công nghệ, tiến độ triển khai và ý kiến của các đơn vị, nhà đầu tư, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu, các đơn vị liên quan của Bộ GTVT sớm hoàn thiện thủ tục pháp lý để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. “Thời gian qua, công tác thu phí tại nhiều trạm gây nghi ngờ trong dư luận xã hội. Điều này xuất phát từ việc chúng ta vẫn thực hiện thu phí thủ công, nên vẫn có tác động của con người vào hệ thống”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng khẳng định, việc áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng (ETC) theo chỉ đạo của Chính phủ, đã được Bộ GTVT thực hiện tuân thủ các quy định, bảo đảm công khai, minh bạch. Các đơn vị khác có khả năng tham gia vào dự án này cũng đã được biết và không có ý kiến gì khác.

Cơ quan quản lý Nhà nước giám sát chặt phí dịch vụ của nhà đầu tư. Số tiền thực thu hàng năm sẽ được quyết toán, kiểm toán và thanh tra giống như các dự án BOT khác. Khi vận hành, Nhà nước và nhà đầu tư dự án BOT có thể ngồi nhà cũng có thể kiểm tra toàn bộ tình hình thu phí. Các nhà đầu tư dự án BOT có thể tham gia giám sát 24/24h để bảo đảm sự chính xác.

Nhiều nhà mạng, đơn vị cung cấp công nghệ như: FPT, Viettel, VNPT, Hanel… cũng bày tỏ mong muốn tham gia vào đầu tư, cung cấp các dịch vụ công nghệ có liên quan đến dự án thu phí tự động không dừng (ETC) trong thời gian tới.

Về công nghệ, việc chọn giải pháp RFID được đa số các đơn vị, nhà đầu tư công nghệ cho rằng phù hợp với Việt Nam, đảm bảo hiệu quả, giá thành hợp lý. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, thời gian tới, các nhà đầu tư dịch vụ mới khi tham gia đầu tư các trạm thu phí không dừng cần xem xét thêm các giải pháp công nghệ trên nền tảng này để tăng hiệu quả dịch vụ, phù hợp với thực tế Việt Nam và tiến tới có thể tự sản xuất công nghệ nhằm làm giảm giá thành.

“Thuận lợi là đối với ô tô, muốn hay không muốn đều có thể dán thẻ E-Tag lên xe, chỉ có điều là cần tính đến phương thức thu phí, trả trước hay trả sau. Vì vậy, việc quảng bá thông tin, tuyên truyền về cách thức dán, nạp thẻ như thế nào cần phải lưu tâm. Người dân đã quen sử dụng tiền mặt từ rất lâu rồi, do đó cần phải tuyên truyền mạnh để thay đổi thói quen. Như vậy mới đẩy nhanh việc thực hiện dự án”, Bộ trưởng yêu cầu.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng cũng yêu cầu việc soạn thảo các hợp đồng cần đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư các dự án BOT vì đó cũng chính là quyền lợi của Nhà nước. Đối với 28 trạm trên QL1 và QL14 qua Tây Nguyên, cần tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý. Ban PPP sớm hoàn thiện hợp đồng mẫu để bảo đảm tính minh bạch.

Trước những ý kiến của một số nhà mạng như: VNPT, Viettel, FPT về sự cần thiết của việc nâng cao tính bảo mật, tránh tình trạng bị hacker tấn công hệ thống, Bộ trưởng yêu cầu chủ đầu tư dự án cần đặc biệt lưu ý vấn đề này. Theo Bộ trưởng, an toàn hệ thống là cực kỳ quan trọng. Nếu để sập mạng, luôn phải sẵn sàng các phương án để không thất thu phí. Phải nâng cao sự tin cậy của hệ thống, đảm bảo lợi ích nhà đầu tư, cũng là lợi ích Nhà nước.

Cuối năm, đưa 28 trạm thu phí không dừng vào hoạt động

Trước đó, báo cáo Bộ trưởng về quá trình thực hiện dự án, ông Vũ Quang Lâm, Tổng giám đốc Công ty CP VETC (TASCO) cho biết, toàn bộ quá trình lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn công nghệ và các thủ tục pháp lý đều được Bộ GTVT và nhà đầu tư thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Về nguyên tắc tính mức phí dịch vụ 8% doanh thu thu phí tại các trạm thu phí BOT, ông Lâm cho biết, đây là mức phí để thực hiện việc duy trì các dịch vụ và đảm bảo mức hoàn vốn cho nhà đầu tư.

“Phương pháp tính mức phí này cũng được thực hiện như các dự án BOT khác. Tức là hợp đồng mở, có quyết toán để điều chỉnh sát với thực tế thu phí”, ông Lâm nói.

Về tiến độ dự án, đến nay đã hoàn thành việc lắp đặt, thu phí không dừng tại 5 trạm thu phí và đang hoàn thành tiếp 2 trạm khác. Đến nay, cũng đã có 11 nghìn thẻ E-Tag (thẻ định danh phương tiện) được dán trên xe và dự kiến từ nay đến cuối năm có thể dán thêm từ 300-400 nghìn thẻ.

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng - Trưởng ban PPP (Bộ GTVT) cũng cho biết, hiện có nhiều nhà đầu tư khác muốn tham gia đầu tư hệ thống thu phí không dừng. Đến nay, TASCO mới triển khai tại các trạm thu phí trên QL1, QL14, còn lại rất nhiều trạm khác có thể tham gia. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống, cần có một đơn vị quản lý chung và được áp dụng cùng một công nghệ để phương tiện khi lưu thông trên tất cả các tuyến đường dù lắp thẻ của nhà cung cấp dịch vụ nào cũng có thể đi qua các trạm.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đề nghị phải quyết tâm đẩy nhanh tiến độ để cuối năm nay tất cả các trạm thu phí trên QL1 và QL14 đi vào hoạt động theo công nghệ ETC.

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, cần hướng đến khả năng cung cấp công nghệ trong nước. Để làm được điều này, rất cần sự vào cuộc của các nhà mạng, đơn vị cung cấp công nghệ trong nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.