Chuyện dọc đường

Dạy trẻ bơi và những lầm tưởng chết người

12/06/2019, 07:00

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, so với giai đoạn 2001-2010, số trẻ em tử vong do đuối nước trung bình hàng năm hiện nay đã giảm đi một nửa...

img
Bể bơi trường THCS Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) xây xong nhưng không thể vận hành do thiếu kinh phí đầu tư trang thiết bị phụ trợ

Song thực tế cho thấy, gần đây vẫn liên tiếp xảy ra những vụ đuối nước vô cùng thương tâm. Điển hình là vụ 8 đứa trẻ vừa rủ nhau ra bãi sông ở TP Hòa Bình đá bóng, rồi xuống tắm và tử vong dưới đáy sông Đà sâu lạnh chiều 21/3.

Điểm đáng lưu ý những đám tang tập thể như thế vẫn liên tiếp tái xuất hiện tại nhiều địa phương. Mới đây thôi, trưa 30/5, 5 học sinh lớp 8 của Trường THCS Trung Thành (huyện Yên Thành) tổ chức đi dã ngoại tại đập Trại Xanh (thuộc xã Bắc Thành) cũng đã vĩnh viễn không trở về nhà. Trước đó hai ngày, 3 em học sinh trên địa bàn xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) cũng không còn được cắp sách tới trường sau khi cùng nhau đi bắt cua đá ở khe nước gần nhà tối 28/5. Cũng Quảng Bình, 5 ngày trước (23/5) đã xảy ra 2 vụ đuối nước khiến 5 em học sinh tử vong…

Với một đất nước nằm dọc bờ biển, địa hình nhiều sông hồ, năm nào cũng phải đón hàng chục cơn bão, lũ, hay mùa nước nổi, đuối nước đang tước đi sinh mạng nhiều nhất của trẻ em và trẻ vị thành niên tại Việt Nam. Chính bởi vậy, việc phổ cập bơi và các kỹ năng phòng - chống đuối nước trong lứa tuổi học đường là một trong những yêu cầu bắt buộc, nhằm đảm bảo quyền cao nhất của trẻ em: Quyền được sống!

Chương trình phòng chống đuối nước được nhiều cơ quan có trách nhiệm triển khai, như Bộ VH-TT&DL, Bộ LĐ,TB&XH, Bộ GD&ĐT… Theo mục tiêu chương trình của Bộ GD&ĐT, đến năm 2020, 100% các trường học có bể bơi, hồ bơi; giảm từ 5% đến 10% số học sinh bị tai nạn thương tích hàng năm, đặc biệt là tai nạn đuối nước và TNGT; 70% số học sinh trở lên được hướng dẫn và biết kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, nhất là do đuối nước, TNGT; tăng dần tỉ lệ học sinh tiểu học vàTHCS biết bơi, có kỹ năng tự cứu đuối…

Mặc dù vậy, hiện nay, trung bình mỗi năm Việt Nam vẫn có trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Con số này cao nhất khu vực Đông Nam Á và gấp 8-10 lần các nước phát triển. Đặc biệt, theo một thống kê từ năm 2015 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam có trên 11.500 trẻ em bị chết đuối mỗi năm, cao thứ hai trên thế giới, trong khi đó, chỉ khoảng 30% trẻ em ở lứa tuổi tiểu học và THCS biết bơi…

Nhìn từ Hà Nội cho thấy, vẫn còn một số bể bơi xây rồi bỏ không và thực trạng này không phải hiếm gặp tại nhiều địa phương. Thu xếp được vốn để xây bể bơi đã chật vật, có được kinh phí để duy trì còn khó khăn hơn nhiều. Chưa kể, theo đánh giá của bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, nhiều địa phương vẫn đánh trống gõ mõ, phát động phong trào dạy bơi nhưng chưa thực chất, thực tế. Theo ông An, dạy bơi phải dạy kỹ năng bơi tự cứu, bơi cứu đuối. Có một số địa phương, một số trung tâm đã không hiểu rõ tầm quan trọng của kỹ năng này, phát động phong trào, dạy bơi lấy thành tích… Nhiều trẻ bơi được hơn chục mét đã tưởng mình biết bơi, khi gặp bạn ngã ao, nhảy ào xuống cứu và cả hai cùng chết đuối!

Bên cạnh đó, để phòng chống đuối nước, không thể thiếu vai trò, trách nhiệm của cha mẹ học sinh. Thực tế không hiếm trường hợp trẻ bị đuối nước ngay trong khuôn viên ngôi nhà của mình, do chum vại, bể chứa nước không có nắp đậy, ao hồ quanh nhà không có rào chắn, tường bao… Do vậy, cùng với cho con tham gia các lớp học bơi, giám sát thời gian sinh hoạt của con, nhất là trong dịp hè, cha mẹ cũng cần phải chú ý xây dựng, cải thiện môi trường an toàn trong và xung quanh ngôi nhà của mình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.