Xã hội

ĐBQH chỉ đọc văn bản, người nghe rất mệt

15/07/2015, 13:18

Bà Trương Thị Mai cho rằng, trong các phiên thảo luận, ĐBQH cần tăng tính tranh luận để đảm bảo tinh thần sôi động.

31
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp của Ủy ban TVQH thứ 39 ngày 14/7

Đánh giá về kết quả của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII vừa diễn ra, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, trong các phiên thảo luận, ĐBQH cần tăng tính tranh luận để đảm bảo tinh thần sôi động của nghị trường.

Ngày 14/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) họp phiên thứ 39 để đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 9, QH khóa XIII và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10, đồng thời cho ý kiến về kế hoạch triển khai việc tổng kết nhiệm kỳ QH khóa XIII.

Phải khắc phục tình trạng ĐB “đọc văn bản”

Đó là thực trạng được Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nêu ra khi đóng góp ý kiến thảo luận về việc đánh giá kết quả của kỳ họp vừa qua. Bà Mai cho rằng, nếu các ĐBQH đọc nguyên văn bài phát biểu chuẩn bị sẵn thì sẽ mất đi tinh thần sôi động của nghị trường, bởi mỗi phiên họp ở hội trường nếu có tranh luận đều rất hay, lôi cuốn tất cả mọi người tham gia, từ người trong hội trường, các cơ quan báo chí hay cử tri cả nước. “Đáng tiếc là không phải phiên họp nào chúng ta cũng làm được điều này. Thậm chí có những phiên chỉ đọc những bài phát biểu trùng lặp nhau hết. Đọc như thế khiến người nghe rất mệt mỏi”, bà Mai nêu thực trạng và cho rằng từ đây cần khắc phục tình trạng này nhằm tăng tính tranh luận. Về vấn đề này, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng thừa nhận: “Đúng là trong kỳ họp vừa rồi có hiện tượng ngồi trên bàn Đoàn chủ tịch thấy rõ có những bài phát biểu như đề án chuẩn bị sẵn nên có sự lặp đi lặp lại, kỳ tới cần rút kinh nghiệm, người điều hành phải chú ý vấn đề này”.

Trong khi đó, đề cập đến nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng: “Nhiều vấn đề lặp đi, lặp lại nhưng cách trả lời chất vấn vẫn như thế, vẫn chưa rõ thực trạng hiện nay như thế nào, chưa rõ hiệu quả của chính sách, của chủ trương đó. Sắp tổng kết 5 năm nhưng những người chịu trách nhiệm trả lời chất vấn còn chưa nắm rõ thực trạng, hiệu quả và trách nhiệm trước các vấn đề mà ĐBQH chất vấn. Trả lời rất hay, rất thành khẩn, nhưng cuối cùng giải quyết vấn đề đó thế nào thì không rõ. Cuối cùng là không thấy được kết quả, không thấy được trách nhiệm”.

“Mỗi ĐB sau 5 năm cần tự ngẫm lại mình”

Tham vấn ý kiến về kế hoạch triển khai việc Tổng kết nhiệm kỳ QH khóa XIII, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, mỗi đại biểu sau nhiệm kỳ 5 năm trên cương vị ĐBQH thì phải tự ngẫm lại mình, xem chúng ta có tự hào là ĐBQH hay không? Đánh giá xem QH đã toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân hay chưa? Theo Chủ tịch QH, mục đích chính của Tổng kết nhiệm kỳ QH là hướng tới tương lai, nên tổng kết phải đầy đủ, đưa ra được đánh giá và cả những đề xuất, bài học cho nhiệm kỳ sau. “Tổng kết thì đánh giá phải trúng, phải có chiều sâu. Đừng bôi đen, cũng đừng tô hồng. Tổng kết phải đưa ra bài học cho QH, rồi Hội đồng, Ủy ban, các đoàn ĐBQH và từng ĐBQH...”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Khẳng định việc tổng kết nhiệm kỳ cũng là để đổi mới, Chủ tịch QH tạm đúc kết lại những thành quả mà nhiệm kỳ QH khoá XIII đã đạt được: “Nhiều ý kiến ở các nhiệm kỳ trước cho rằng, QH hoạt động hình thức, thì tới khóa này đã không còn thấy nữa. Thậm chí, ngoài chuyện lập pháp thì các Nghị quyết của QH đưa ra được đánh giá là “đã làm chuyển động toàn quốc. Hay như chủ trương giảm TNGT từ 5-10% trên phạm vi toàn quốc, khi đưa ra bàn, Quốc hội đã yêu cầu từng địa phương phải giảm 5-10%... Và thực tế, các địa phương đã làm được”, Chủ tịch QH lấy dẫn chứng.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, chúng ta phải nhìn ra điểm hạn chế, khiếm khuyết, như chất lượng làm luật, hay ĐBQH chuyên trách và kiêm nhiệm với cơ cấu như hiện nay có đảm bảo chất lượng hay không? Tính chuyên nghiệp của ĐBQH từ đầu tới cuối nhiệm kỳ có thay đổi không? Thay đổi cụ thể như thế nào?

26 dự án luật sẽ được thông qua, cho ý kiến

Theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 10 trình Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến tại phiên họp 39 sáng 14/7, kỳ họp sẽ diễn ra trong hơn 28 ngày. Trong đó, QH sẽ dành hơn 18 ngày cho công tác xây dựng pháp luật. QH dự kiến xem xét thông qua 16 dự án luật như: Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật Tạm giữ, tạm giam... Tại kỳ họp này, QH cũng sẽ cho ý kiến đối với 10 dự án luật, trong đó có Luật về hội; Luật Quy hoạch; Luật Báo chí (sửa đổi), Luật Tiếp cận thông tin; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo... Bên cạnh đó, QH sẽ xem xét các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án; công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015. QH cũng dự kiến dành 2,5 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, kết hợp với xem xét báo cáo thực hiện các Nghị quyết của QH, Ủy ban thường vụ QH về chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII. Cũng tại Kỳ họp thứ 10, QH sẽ thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Hoài Vũ

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.