Xã hội

ĐBQH đề nghị "thiến hóa học" với hành vi xâm hại tình dục trẻ em

27/05/2020, 10:33

ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, cần phải có hình thức "thiến hóa học" đối với tội danh xâm hại tình dục trẻ em.

img
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình)

Xử phạt thật nặng người thân xâm hại

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 9, Quốc hội khoá XIV, ngày 27/5, Quốc hội thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Theo Báo cáo của Chính phủ, giai đoạn từ 2015 đến 2019, có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, có 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục; 857 trẻ bị bạo lực; 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt; 1.314 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác.

Trong các vụ xâm hại này thì phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc dư luận nhất là xâm hại tình dục, chiếm 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Đáng lưu ý, qua giám sát tại một số địa phương cho thấy, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ có xu hướng gia tăng, chiếm trên dưới 90%.

Phát biểu tại phiên họp sáng nay, các đại biểu ghi nhận những tín hiệu tích cực trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trong thời gian gian qua của Chính phủ cũng như là toàn hệ thống chính trị.

Góp ý cho báo cáo của đoàn giám sát, đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai (đoàn Trà Vinh) cho rằng, trẻ em luôn được Nhà nước dành nguồn lực, có các chính sách kịp thời chăm sóc về tinh thần và vật chất. Tuy nhiên, đại biểu Mai cũng cảnh báo tình trạng người bị hại không thể chống đỡ được khi kẻ hãm hại chính là những người thân yêu, gần gũi như ông bà, cha mẹ, thầy cô.

“Đau đớn thay, phẫn nộ thay, những tưởng trẻ em chúng ta được an toàn trong vòng tay yêu thương của người thân thì vẫn còn trường hợp bà đang tâm giết cháu, mẹ cha giết con, ông cha thay nhau hãm hiếp con cháu, thầy cô xâm hại học trò… đủ dạng, đủ kiểu, đủ lý do. Nhưng tột cùng của nó là đạo đức xuống cấp, luân thường đạo lý đảo lộn, các giá trị nhân bản bị xem thường”, đại biểu Mai cảnh báo.

"Giải pháp nào để người ta sống bằng phần người chứ không phải toàn phần con?", đại biểu Mai đặt câu hỏi và đề nghị xử lý gốc rễ của vấn đề là giáo dục ở cả 3 môi trường. Đối với gia đình, cần giám sát chặt chẽ, tăng trách nhiệm ông bà, bố mẹ, người thân; bản thân trẻ cũng phải được trang bị kỹ năng chống xâm hại và xử phạt thật nặng người thân xâm hại… Với nhà trường, tất cả giáo viên phải được đào tạo, xét tuyển kỹ lưỡng về quyền trẻ em, quyền con người. Đối với môi trường xã hội, người lớn phải làm gương, xử lý nghiêm hình mẫu lệch chuẩn như phụ huynh đánh học sinh, trách nhiệm quản lý, đặc biệt tại khu vực xã, phường.

Cần áp dụng "thiến hóa học"

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho rằng, trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em vẫn còn một số tồn tại.

"Nhiều quy định trong tội “ấu dâm” chưa rõ ràng, chưa có phòng xử án thân thiện, chưa có cơ chế điều tra phù hợp với đối tượng trẻ em, chưa có sự đồng thuận của chính gia đình nạn nhân, có những vụ án xâm phạm trẻ em nhưng người nhà đã thỏa thuận, che dấu, không dám tố cáo", ông Phương cho hay.

Chính vì vậy, sự giám sát của Quốc hội là nhằm mục đích có một sự đột phá, đòi hỏi tất các cấp, các ngành, mọi người, toàn xã hội, gia đình vào cuộc quyết liệt để tạo ra hành lang, hàng rào vững chắc không chỉ về mặt pháp lý, nhận thức mà cả hành động thực hiện.

Chính phủ và các cơ quan liên quan cần làm tốt công tác tuyên truyền, tăng cường hiệu lực trong thực tế, nghiên cứu để trình Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng và bổ sung hình phạt liên quan đến xâm hại trẻ em.

Cũng tại phần phát biểu của mình, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị mở rộng hình thức xử phạt như: “thiến hóa học”, nâng mức xử phạt hành chính, lao động công ích, công khai danh tính kẻ xâm hại, ghi tội danh vào hồ sơ lý lịch để răn đe các đối tượng xâm hại.

"Hình thức “thiến hóa học” đã có nhiều nước trên thế giới làm, tôi suy đoán, nếu mình đưa hình thức này vào chế tài xử phạt thì ít nhất là sẽ giảm được 50% xâm hại tình dục trẻ em", ông Phương nói.

Đại biểu đến từ Quảng Bình cũng cho rằng, các bộ ngành liên quan cần phải có cơ chế phối hợp trong quá trình lấy lời khai của trẻ bị xâm hại, cần phải có sự có mặt của bác sỹ tâm lý, người giám hộ.

"Chúng ta phải quan tâm đến vấn đề tổn thương đến sức khỏe và tâm lý của những trẻ em bị xâm hại. Báo chí khi thông tin cần phải bảo mật hình ảnh và tên tuổi để tránh làm ảnh hưởng đến tương lai của những trẻ bị xâm hại", ông Phương cho biết.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị, cần phải tập huấn cho đội ngũ điều tra, kiểm sát, xét xử kỹ năng khi làm việc với trẻ em. Thống nhất trong quan điểm không đưa ra lý do biện hộ cho hành vi xâm hại đến trẻ em do nạn nhân ăn mặc hở hang, rượu xe.

"Đề nghị bổ sung trong luật giám định tư pháp trong trưng cầu giám định tư pháp về xâm hại trẻ em là loại hình đặc biệt cần phải hết sức quan tâm", ông Phương nêu quan điểm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.