Xã hội

ĐBQH Đỗ Văn Đương: “Trượt Quốc hội như là một định mệnh”

18/06/2016, 08:25

“ĐBQH phải nói tiếng nói của dân, có tính phản biện mạnh mẽ chứ không phải đến nghị trường rồi chỉ ngồi vỗ tay...

1

Ông Đỗ Văn Đương từng khiến dư luận xôn xao với phát ngôn: “Chạy chức xong phải vơ vét mới đủ bù” - Ảnh: Khánh Linh

“ĐBQH phải nói tiếng nói của dân, có tính phản biện mạnh mẽ chứ không phải đến nghị trường rồi chỉ ngồi vỗ tay và gật đầu”. Tuy không trúng cử ĐBQH khóa XIV, nhưng ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp vẫn thẳng thắn bày tỏ quan điểm như vậy khi trao đổi với Báo Giao thông.

Không nên làm “nghị đọc”, “nghị gật”

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, ông có những phát biểu gây tranh cãi. Nếu bây giờ được phát biểu lại, ông có thay đổi quan điểm của mình về những vấn đề đã từng đề cập?

Thay đổi quan điểm làm chi. Chỉ có điều khi nói hay khi bình luận phải đặt vấn đề trong hoàn cảnh cụ thể của nó. Hầu hết các phát biểu “gây tranh cãi” của tôi đều nói bên ngoài hành lang Quốc hội, khi mà không có nhiều thời gian diễn đạt, chỉn chu câu chữ để người viết và người đọc chưa hiểu hết bối cảnh sâu xa của nó.

Trong cuộc sống, bất cứ ai cũng không tránh khỏi hạn chế, sai lầm nhưng quan trọng là mình nhận thức ra cái đó và từng bước sửa đổi, khắc phục. Những câu nói gây tranh cãi cũng làm tôi dằn vặt và tôi cũng phải điều chỉnh, ý thức rằng mỗi phát biểu của ĐBQH là vấn đề lớn, quan trọng nên cần chỉn chu để tránh người ta hiểu không đúng, bình luận không hay. Đó là cái rất quan trọng. Còn đánh giá gây sốc hay không thì tùy từng cách hiểu, “giật tít” của mỗi người.

Sau một nhiệm kỳ ngồi ghế ĐBQH, ông tự đánh giá mình đã làm tròn vai người đại biểu dân cử?

Ngoài tích cực phát biểu, chất vấn trên nghị trường, tôi là ĐBQH chuyên trách rất vất vả, như con ong, cái kiến tận tuỵ làm việc từ sáng đến tối. Trong khóa XIII, bản thân tôi trực tiếp dự thảo 3 nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp, đồng thời trực tiếp biên tập, chỉnh lý 2 bộ luật quan trọng, đăc biệt là Bộ luật Tố tụng hình sự với 510 điều, làm việc trong 3 tháng trời ròng rã liên tục, có hôm đến 2h sáng mới về nhà.

Tôi cũng trực tiếp đề xuất và cũng là người chắp bút toàn bộ báo cáo giám sát chuyên đề của Quốc hội về tình hình oan, sai và bồi thường cho người bị oan trong tố tụng hình sự. Tôi cũng chắp bút việc xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về phòng, chống oan, sai, rà soát kiểm tra các trường hợp bị oan và phải bồi thường. Tôi trực tiếp nghiên cứu nhiều vụ án oan, sai như vụ: Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long… góp phần làm sáng tỏ oan, sai cho họ. Tất cả những việc ấy đều là sự thật. Tôi ra sức làm để có lợi cho dân, cho nước và đặc biệt là vì lương tâm, đạo đức của một con người, và vì trách nhiệm của người đại biểu.

Tôi luôn tâm niệm rằng, đã làm ĐBQH thì không nên làm “Nghị đọc”, đọc những bài người khác chuẩn bị sẵn. Làm như vậy là không có nhận thức đầy đủ vấn đề mình phát biểu, mà đọc thì cũng chẳng tâm huyết hay trách nhiệm gì với chính lời phát biểu của mình.

ĐBQH cũng phải có tiếng nói phản biện mạnh mẽ chứ không phải đến nghị trường rồi chỉ ngồi vỗ tay và gật đầu. Nói xuôi chiều thì dễ lắm, chẳng đụng chạm ai cả, nhưng như thế thì người ta cảm thấy ĐBQH chưa phải đại diện của dân.

Phát biểu gây tranh cãi vì không đặt trong đúng bối cảnh

Khi phát biểu “Luật sư chỉ bào chữa cho người có tiền”, ông đã bị một số luật sư phản ứng khá gay gắt. Lúc ấy ông có suy nghĩ thế nào?

Câu nói ấy được người ta trích dẫn tách rời bối cảnh nên gây hiểu lầm cho người đọc. Vấn đề tôi nói không phải đụng chạm, chỉ người nào “có tật giật mình”, còn người chân chính không có ý kiến gì.

Ông Đỗ Văn Đương sinh ngày 10/10/1960, quê ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.Ông là Tiến sỹ Luật, có trình độ cao cấp lý luận chính trị.Ông Đương trúng cử ĐBQH khoá XIII và là Uỷ viên thường trực của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội.Tại đợt bầu cử vừa qua, ông Đương ứng cử tại một đơn vị bầu cử trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Khi nói “Luật sư chỉ bào chữa cho người có tiền”, ý tôi muốn nói trong điều kiện nước ta, có tới khoảng 80% người phạm tội không có điều kiện thuê luật sư, vì luật sư thực ra cũng là một ngành nghề kinh doanh, phải có thu nhập trả cho công sức người ta bỏ ra. Đó là một điều đúng với bất kỳ ngành nghề lao động nào, trừ những lao động mang tính chất nhân ái, nhân hậu, bào chữa miễn phí.

Quan điểm của tôi trong vấn đề gây tranh cãi ở trên là Nhà nước cần tăng cường luật sư công, khi xử các vụ án hình sự, tôi rất đồng ý với quan điểm phải mở rộng trường hợp chỉ định người bào chữa, trước đây chỉ chỉ định với án tử hình, nay bộ luật mới giảm xuống án 20 năm tù. Nhưng tôi cho rằng, trong tương lai với các vụ án mà bị cáo có thể bị xử phạt tù, nếu người ta không có điều kiện thuê luật sư thì Nhà nước nên chỉ định mời luật sư cho họ. Thế mới là nhân văn, nhân đạo vì quyền tự do của con người hết sức quan trọng.

Một trong những phát ngôn khác khiến dư luận ồn ào là “Quyền im lặng không phải là quyền con người”, ông có thể chia sẻ suy nghĩ của mình khi đưa ra quan điểm như vậy?

Ý tôi nói khi ấy là bàn đến quyền im lặng của người phạm tội, còn đương nhiên quyền im lặng là quyền con người. Câu nói này xuất phát từ việc xây dựng Bộ luật Tố tụng hình sự, nó liên quan đến quyền của người phạm tội. Tuy nhiên, ghi trong luật thế nào để khi thực thi quyền đó vừa bảo đảm được quyền khai hay không khai của người phạm tội, vừa không gây khó khăn, trở ngại cho công tác điều tra, xử lý tội phạm, giữ gìn sự bình yên cho xã hội.

Tôi vẫn khẳng định trong việc lấy lời khai đối với người phạm tội, phải để cho người ta tự do về mặt tư tưởng, không được gây áp lực, khai hay không khai là quyền của người phạm tội, nghiêm cấm việc bức cung, nhục hình. Còn trách nhiệm chứng minh là của cơ quan tố tụng, phải bằng các nghiệp vụ điều tra nào đó không trái luật pháp để lấy được lời khai, tìm ra chứng cứ buộc tội. Nếu không chứng minh được phải kết luận người ta không phạm tội, phải xin lỗi, bồi thường và khôi phục danh dự cho người ta. Đó là công bằng, đó là tư pháp văn minh.

2

ĐBQH khóa XIII Đỗ Văn Đương luôn làm nóng nghị trường với cácnội dung đề cập - Ảnh: Lã Anh

ĐBQH không nói, dân biết tin vào đâu?

Với những phát biểu ít nhiều gây động chạm, ông có cân nhắc kỹ khi phát biểu?

Hầu hết những vấn đề tôi nói đều là những vấn đề thẩm thấu trong tôi rất lâu rồi, hàng mấy chục năm trong con người tôi chứ không phải câu nói bột phát, ngẫu nhiên. Những câu nói đều gắn với việc xây dựng chính sách pháp luật, coi đó là những thực tiễn hết sức quan trọng. Còn khi tách khỏi bối cảnh của vấn đề thì dễ trở thành câu nói “gây sốc” như có người nói.

Sau mỗi lần phát biểu về các vấn đề “nóng” mà ít nhiều có thể gây động chạm, thường tôi không phải chịu áp lực từ cuộc điện thoại nào hết, thậm chí nhiều cử tri đồng tình, động viên cần vững vàng, mạnh dạn tìm cơ chế giải quyết những vấn nạn còn tồn tại.

Chỉ có những người thân trong gia đình đôi khi khuyên tôi bớt nói đến các vấn đề “nóng”, vì lo ngại va chạm với chỗ này, chỗ khác. Nhưng tôi lại nghĩ rằng, nói như thế còn có chỗ để dân tin, nếu ĐBQH không ai nói thì dân biết tin vào đâu khi thực tế xảy ra như vậy?

Trong suốt một nhiệm kỳ cống hiến, đâu là những vấn đề mà ông quan tâm, tâm huyết nhất?

Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có đóng góp gì lớn trên diễn đàn Quốc hội cả, nhưng tôi đã luôn cố gắng hết sức làm hết trách nhiệm của ĐBQH phản ánh bức xúc của dân, chất vấn người có trách nhiệm và chính từ những chất vấn ấy cũng đã góp phần tạo nên sự thay đổi.

Ví dụ khi chất vấn về con gà cõng 14 loại phí, hay vấn đề xây dựng trụ sở hành chính tập trung hàng nghìn tỷ đồng, nêu quan điểm chống thực phẩm bẩn như đấu tranh chống tội phạm ma túy… Đặc biệt, tôi đề cập nhiều đến vấn đề giảm biên chế, chạy chức, chạy quyền tạo bất công lớn, “đẻ” ra tham nhũng… Tất nhiên, tiếng nói của tôi chỉ như giọt nước giữa biển cả, nhưng chắc chắn nó sẽ góp phần giúp các nhà hoạch định chính sách nhìn ra vấn đề.

Vậy ông nghĩ mình còn mắc nợ gì với cử tri không?

Nợ nhiều chứ. Tôi còn rất nhiều ấp ủ muốn thực hiện, tiếp tục cống hiến cho Quốc hội để trả nợ cử tri ở nhiều lĩnh vực.

Ví dụ như tôi luôn trăn trở về công cuộc làm sao công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu quả hơn. Chúng ta quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, mới nghe rất đúng nhưng trên thực tế lại không phải như vậy, vì không ai dại gì mà “vạch áo cho người xem lưng”. Nếu phát hiện tham nhũng trong cơ quan, tổ chức mình mà người đứng đầu bị xử lý thì họ vô hình trung thành người có tội.

Không buồn, chỉ chạnh lòng

Khi hay tin mình không trúng cử ĐBQH khóa XIV, cảm xúc của ông thế nào?

Tôi cho rằng đó là định mệnh. Dù số phiếu của tôi là 56,53% nhưng thấp hơn so với ứng viên khác nên tôi chấp nhận nó như một định mệnh, không buồn nhưng có đôi chút chạnh lòng và tiếc rằng sự lựa chọn của cử tri đã không tạo điều kiện cho mình tiếp tục cống hiến cho dân nữa. Còn kết quả dân có bầu trúng, bầu đúng hay không thì phải chờ thực tế trả lời, chứ giờ chưa trả lời được.

Khi không trúng cử, gia đình và bạn bè tôi rất chia sẻ, động viên. Bản thân tôi cũng chỉ chạnh lòng 1-2 hôm, rồi vẫn ngủ ngon, vẫn đi làm bình thường, vào cuộc làm việc một cách tích cực, hiệu quả, không nghỉ một ngày nào.

Tôi nghĩ mình đã rất trách nhiệm trong nhiệm kỳ làm ĐBQH vừa qua, được dân bầu làm ĐBQH mà không dám nói, không giúp được dân là một điều hổ thẹn.

Sau nhiệm kỳ khóa tới, liệu ông có ra ứng cử ĐBQH nữa không?

Tôi đã hết tuổi rồi, còn chuyện tự ứng cử thì tôi chưa từng nghĩ đến. Quan trọng nhất là dù không làm ĐBQH nữa thì tôi vẫn tận tuỵ, trách nhiệm với công việc mà Nhà nước giao phó, trung thành với lời hứa của cử tri, không thể hiện ở Quốc hội thì thể hiện ở chỗ khác, vẫn công tâm, khách quan, chính trực, vẫn là bạn của dân, đứng về phía người dân.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.