Xã hội

ĐBQH hiến kế sáp nhập tỉnh, thành để bộ máy bớt cồng kềnh

26/10/2018, 10:57

ĐBQH đề xuất nghiên cứu sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố nhằm tinh gọn bộ máy.

ta van ha

ĐB Tạ Văn Hạ cho rằng sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố là giải pháp hiệu quả nhất để tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy

Ngày 26/10, Quốc hội dành trọn một ngày để thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2019.

Kinh tế tăng trưởng nhưng “2 đầu tàu” liên tục hụt thu

ĐB Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đánh giá, năm 2018 đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong sự điều hành vững chắc, sát sao của Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp chúng ta đạt được hầu hết các chỉ tiêu KT-XH, trong đó có hơn 2/3 đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Dẫn ra hàng loạt con số ấn tượng sau nửa nhiệm kỳ, tăng trưởng bình quân GDP tăng trưởng từ 5,91% giai đoạn 2011-2015 thì đến nay là 6,57%, quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,3 lần so với 2015, nợ công giảm, ĐB Cầu nhận định: kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, tinh giản bộ máy đạt kết quả bước đầu khả quan, đời sống nhân dân được nâng lên rõ nét, xếp hạng của Việt Nam được cải thiện mạnh mẽ.

“Một hình ảnh của Chính phủ trọng dân, gần dân đang có sức lan toả ra cả nước, đó là những điểm sáng qua tiếp xúc cử tri ĐBQH ghi nhận được”, ông Cầu nói.

Dẫn câu nói của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng rằng chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế trên trường quốc tế như ngày hôm nay, song ĐBQH Nghệ An cũng cho rằng vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức.

Một trong những thách thức mà ĐBQH nhìn thấy là thu ngân sách năm 2018 tăng 3% nhưng có chiều hướng sụt giảm mạnh, những năm gần đây nguồn thu ở 3 khu vực chính không đạt dự toán, hai đầu tàu kinh tế TP.HCM và Hà Nội trong 2 năm cũng liên tục hụt thu, tình trạng thất thu thuế còn rất lớn, nợ thuế tăng, thất thoát lãng phí trong đầu tư đất đai còn lớn. Đó là những điểm tối về kinh tế mà cử tri đòi hỏi Chính phủ cần có giải pháp căn cơ hơn trong thời gian tới.

Về giáo dục, ông Cầu cho biết cử tri tỏ ra thất vọng với đổi mới thi cử và cải cách giáo dục với kỳ thi THPT quốc gia. Năm 2017 đề thi quá dễ tạo ra cơn mưa điểm 10 gấp 40 lần năm 2016 và bi kịch khi có những em 30 điểm vẫn trượt đại học, năm 2018 lại quá khó và phát hiện động trời trong thi cử. “Đây là điểm đen không nên có trong lịch sử, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo khắc phục” – ĐBQH tỉnh Nghệ An kiến nghị.

Bộ máy nhà nước vẫn còn cồng kềnh

Góp ý về việc tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng dù đã triển khai nhưng còn chậm, bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, chưa tinh giản được những đối tượng có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém, ngân sách nhà nước chi cho lương vẫn chiếm tỷ lệ lớn.

Cho rằng tinh gọn bộ máy là lĩnh vực vừa phức tạp, vừa nhạy cảm, không thể làm trong ngày một ngày hai song đại biểu tỉnh Bạc Liêu cũng nhấn mạnh: Đã đến lúc phải nhận thức rõ tiền thuế của nhân dân không thể chịu nổi khi hàng năm chi thường xuyên chiếm hơn 60% ngân sách nhà nước, một phần không nhỏ cho quốc phòng an ninh. "Vậy còn đâu cho chi đầu tư phát triển?", ông Hạ băn khoăn.

Dẫn chứng việc khi bước vào thời kỳ đổi mới 1986 nước ta chỉ có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành và gần đây, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, sáp nhập Hà Nội và Hà Tây, Thủ đô Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với nhiều thành tựu to lớn, toàn diện.

Từ thực tiễn kinh nghiệm nêu trên, đại biểu đề nghị Chính phủ ngoài các giải pháp hiện có, nên nghiên cứu tham mưu với Đảng, Quốc hội xem xét giải pháp sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố. Theo đại biểu, đây có thể coi là giải pháp hiệu quả nhất để tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.