Xã hội

ĐBQH không đồng tình việc tổ chức mật phục, bắt quả tang giáo viên dạy thêm

11/11/2021, 11:25

Tranh luận về vấn đề dạy thêm học thêm, đại biểu Nguyễn Công Long cho biết, có những nơi tổ chức mật phục bắt quả tang giáo viên dạy thêm.

"Con em chúng tôi trưởng thành, đỗ đạt đi làm cũng là nhờ học thêm"

Sáng nay (11/11), Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc với nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn.

img

Đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai)

Tranh luận về vấn đề dạy thêm, học thêm, đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cho biết, ông tán thành việc cấm dạy thêm, học thêm trực tuyến.

Tuy nhiên, đại biểu Long cho rằng, trong điều kiện bình thường thì cần phải xem xét lại việc cấm dạy thêm, học thêm.

"Từ trước đến nay, chúng ta tiếp cận và coi việc dạy thêm, học thêm như vấn nạn của xã hội. Có những nơi tổ chức mật phục bắt quả tang giáo viên dạy thêm rồi đưa lên báo chí. Tôi cho rằng cách ứng xử đối với các nhà giáo như thế là không phù hợp", ông Long nói.

Theo ông Long, không nên "cái gì không quản được thì cấm", mà phải đánh giá việc dạy thêm có ý nghĩa như thế nào trong nhu cầu thực tiễn của phụ huynh học sinh.

"Con em chúng tôi trưởng thành, đỗ đạt đi làm cũng là nhờ học thêm", ông nói và cho biết, cử tri cũng đặt ra câu hỏi "tại sao ngành y được làm thêm mà ngành giáo dục lại không được dạy thêm".

Đại biểu đến từ đoàn Đồng Nai cho rằng, việc dạy thêm, học thêm cũng xuất phát từ đời sống của các giáo viên quá thấp.

"Rất nhiều giáo viên coi dạy thêm là cách mưu sinh, chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề này để giải quyết thấu đáo", ông Long cho hay.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, dạy thêm ngoài giờ, ngoài nhà trường, của những người không đang làm việc trong cơ sở giáo dục, việc dạy thêm đáp ứng nhu cầu thì không thể cấm.

"Còn giáo viên trực tiếp dạy học sinh của mình mà bớt các nội dung chính cần dạy, để dạy thêm thì việc đó thuộc điều lệ đạo đức nhà giáo, cái này bị cấm", ông Sơn nói và đề xuất đưa dạy thêm, học thêm vào danh sách ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

img

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Gần 1,9 triệu học sinh không có thiết bị học tập

Đánh giá về quá trình dạy, học trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói, biện pháp này là cách ngành giáo dục, thầy và trò ứng phó với dịch bệnh, nhưng việc triển khai còn nhiều khó khăn.

Theo thống kê, Bộ trưởng nói, không phải 1,5 triệu em mà chính xác là 1,867 triệu em hiện không có bất kỳ thiết bị gì trong tay để học tập. Thậm chí, có gia đình 2-3 anh chị em chỉ có một điện thoại. Thực trạng này đã khiến nhiều học sinh dần bỏ học.

"Giải quyết vấn đề này cấp bách hơn là đánh giá xem các cháu học được gì từ chương trình trực truyến", Bộ trưởng Sơn nêu quan điểm và cho biết, điểm tích cực là ở những vùng khó khăn hàng đầu, các vùng địa phương chia cắt ở miền núi phía bắc vẫn đang có thể học trực tiếp.

Đánh giá về hiệu quả, Bộ trưởng nói, học trực tuyến là giải pháp thách thức, nên "chất lượng không thể nói sẽ như học trực tiếp". Bộ đã có hướng dẫn để bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh khi quay lại trường. Đồng thời, Bộ trưởng cũng lưu ý các trường "không đưa các em ra đánh giá ngay".

"Chúng ta đừng căng thẳng quá, đầu tiên phải cho các em làm quen môi trường, tự phòng chống dịch, rồi sau đó mới bắt đầu. Không nên nhồi nhét, đặt vào tay các em các phiếu đánh giá, khảo sát. Việc cân đo đong đếm còn ở phía trước", Bộ trưởng nói.

Trong nhóm giải pháp củng cố kiến thức, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói cần căn cứ vào nội dung chương trình cốt lõi. Bộ sẽ không bỏ các bài giảng trên truyền trình, chương trình học trực tuyến. Khi học sinh quay lại trường, giáo viên có trách nhiệm đánh giá để phân ra theo nhóm, tùy theo khả năng từng em, vì một lớp khó có thể đồng đều như trước.

"Các cháu có thiết bị tốt, bố mẹ kèm cặp tốt thì tốt hơn, nhưng các cháu thiết bị phập phù có thể sẽ kém hơn", Bộ trưởng nhận xét.

Theo đó, triển khai phương pháp dạy theo hướng cá thể hóa là phù hợp cho một lớp có nhiều trình độ. "Chúng ta cần những giải pháp tổng thể về chuyên môn, về trang thiết bị, về tư vấn tâm lý, cần giải pháp mang tính tổng thể hơn", Bộ trưởng cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.