ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương): 3 dấu ấn kỳ họp
Có 3 điều làm bà Nga ấn tượng về kỳ họp lần này.
Thứ nhất, là công tác tổ chức. Kỳ họp đã được chia thành 2 đợt, với 1 tuần nghỉ ở giữa. Đây là khoảng thời gian cần thiết để các cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), giải trình các nội dung đại biểu quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)
Thứ hai, về công tác lập pháp, kỳ họp có khối lượng công việc rất khổng lồ, lên đến 20 dự án luật và các nghị quyết quan trọng. Đây là một con số kỷ lục trong việc xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội.
Thứ ba là thái độ, tinh thần làm việc của các ĐBQH. Kỳ họp thứ 5 đã diễn ra trong không khí sôi nổi, những con số đăng ký phát biểu cũng rất kỷ lục. Như trong các phiên chất vấn, số đại biểu đăng ký đặt câu hỏi dao động từ 100 - 120 lượt; hay hơn 170 đại biểu đăng ký thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi)...
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM): Từ phản ánh thực tế đến hiến kế
Theo ông Ngân, tại kỳ họp thứ 5, những nội dung liên quan đến vấn đề kinh tế - xã hội luôn được đại biểu quan tâm. Các ĐBQH không chỉ phản ánh thực tế mà còn hiến kế, kiến nghị, đóng góp giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM)
Với riêng mảng đầu tư, các đại biểu đã rất quan tâm về danh mục đầu tư bổ sung, giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. Đồng thời, quan tâm nhiều đến gói an sinh xã hội, đặc biệt là quan tâm đến sự hỗ trợ cho người lao động đang bị cắt giảm giờ làm trong việc đơn hàng cắt giảm.
Không khí các cuộc thảo luận tại tổ và hội trường luôn sôi động, các đại biểu đã có những phát biểu tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm trong việc chuẩn bị thông qua các dự thảo luật và cho ý kiến luật, nghị quyết, quyết sách...
ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (đoàn Thái Nguyên): Tiếng nói của cử tri đã đến nhà Diên Hồng
Bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Thái Nguyên cho biết, trong 4 tuần diễn ra kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã xử lí khối lượng công việc rất lớn, làm việc hết công suất và hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Thái Nguyên)
Theo bà Hải, ở kỳ họp này, nhiều ĐBQH thấy những ý kiến của họ đã được các đơn vị liên quan giải trình, tiếp thu rất cụ thể. Điều này thể hiện các ĐBQH nghiên cứu rất sâu sắc vấn đề; các vị trưởng ngành rất cầu thị; các tài liệu và thông tin đi kèm được chuẩn bị kĩ lưỡng, tạo ra hệ sinh thái rất đầy đủ.
Kỳ họp này, lần đầu tiên báo cáo về kiến nghị cử tri được đưa ra Quốc hội để thảo luận. Trước đây, báo cáo này thường được báo cáo trước phiên chất vấn, để các ĐBQH lấy đó làm căn cứ chất vấn với các trưởng ngành.
Nhưng việc dành thời lượng một buổi họp Quốc hội để thảo luận về báo cáo này, là hết sức hiệu quả. Tiếng nói của cử tri đã được mang tới Nhà Diên Hồng, được tập hợp, được giải quyết.
ĐBQH Nguyễn Thị Sửu, đoàn Thừa Thiên Huế: Cơ quan truyền thông, báo chí tạo nên thành công kỳ họp
Đại biểu Sửu đánh giá cao tần suất tranh luận của ĐBQH trong kỳ họp này, việc tranh luận mang tính chất lợi ích chung, không vì ý tứ, quyền lợi cá nhân.
Sự tham gia của cơ quan truyền thông, báo chí cũng tạo nên thành công của kỳ họp, vừa sắp xếp hài hoà, hợp lý, vừa có tính chừng mực, trật tự, truyền tải ý kiến, thông điệp của ĐBQH rất nhanh.
ĐBQH Nguyễn Thị Sửu, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế
Quan trọng nhất, kỳ họp này đã đưa ra chủ trương, chính sách thiết thực, hiệu quả, để áp dụng vào thực tiễn. Những dự luật đã được thông qua cần được áp dụng ngay, những nghị định, thông tư, văn bản quy phạm pháp luật cũng cần được ban hành kèm các Luật sao cho đồng bộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận