Xã hội

ĐBQH: Kỷ luật tài chính vẫn là căn bệnh trầm kha, chưa giải quyết được

09/01/2023, 10:03

Sáng 9/1, Quốc hội thảo luận về Điều chỉnh dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Kỷ luật, kỷ cương tài chính vẫn là căn bệnh trầm kha

Tiếp tục kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khoá XV, trong phiên họp sáng 9/1, Quốc hội đã thảo luận về bổ sung dự toán nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài; Bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021; Điều chỉnh dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; Điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương.

img

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) băn khoăn về thời gian giải ngân. Theo đại biểu, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu rõ trường hợp được Quốc hội cho phép, đề nghị Chính phủ rà soát khẩn trương triển khai thực hiện để đảm bảo tính hiệu quả và khả năng giải ngân trong thời gian chỉnh lý ngân sách năm 2022 đúng quy định của pháp luật. Song, thời gian chỉnh lý ngân sách hàng năm theo Thông tư số 85/2017 của Bộ Tài chính quy định kết thúc vào 31/1 năm sau.

“Như vậy, nếu hôm nay Quốc hội thông qua nghị quyết này thì chỉ còn 22 ngày nữa là đến 31/1/2023, các địa phương chỉ còn 9 ngày nữa để giải ngân hết toàn bộ số vốn được điều chỉnh tăng dự toán, điều này là khó khả thi. Nếu không kịp thì mục tiêu của việc điều chỉnh là tạo điều kiện cho các địa phương sẽ không còn ý nghĩa”, đại biểu Nga nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc điều chuyển nguồn chi thường xuyên để thực hiện chi đầu tư phát triển nhưng các dự án của Bộ Tài chính không có trong danh mục đầu tư công trung hạn, mà phải sử dụng nguồn chi thường xuyên. Đại biểu Hạ cũng băn khoăn liệu việc điều chỉnh lần này đã đủ tiền để thực hiện chi các dự án đó và các năm sau lại tiến hành điều chỉnh tiếp có phải là hiện tượng lách luật hay không?

Nhấn mạnh nhiệm vụ của Bộ Tài chính trong việc “gác cửa” chưa nghiêm, trong khi kỷ luật, kỷ cương tài chính vẫn là căn bệnh trầm kha đến bây giờ vẫn chưa giải quyết được, đại biểu Hạ đề nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính quan tâm, báo cáo với Quốc hội về nguyên nhân của tình trạng này.

Phát biểu về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu nguyên nhân có những địa phương vay dư vốn, phải trả lại, còn có những địa phương vay thiếu vốn. Đại biểu cho rằng, cần phân tích nguyên nhân lập dự toán không chuẩn, để có thể rút kinh nghiệm, đưa ra giải pháp khả thi, hữu hiệu cho tình trạng đầu tư cho vay, vay lại, trả lại vốn của các địa phương.

img

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Không ưu ái trong phân bổ dự toán đối với ngành thuế và hải quan

Giải trình ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về vấn đề bổ sung vốn viện trợ nước ngoài chưa có trong dự toán, đây là những khoản viện trợ không có dự toán trước, do các tổ chức nước ngoài tài trợ khi có những vấn đề nổi lên, thường là bất thường và nhỏ lẻ. Vì vậy, chúng ta bị động trong việc lập dự toán, mà phải căn cứ trên báo cáo của các bộ, ngành để thực hiện lập dự toán.

Trong năm 2021, 2022 vừa qua, nguồn này chủ yếu là tài trợ, ủng hộ cho việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Khi đó, tình hình hết sức cấp bách, đòi hỏi phải có phản ứng nhanh chóng, kịp thời, nên vì lợi ích nhân dân, để đảm bảo quyền lợi, sức khỏe, tính mạng của nhân dân, có lúc đã phải thực hiện từ trước, để sau đó hoàn thiện thủ tục sau, đáp ứng yêu cầu thực tế.

Trả lời câu hỏi về việc phân bổ dự toán là có sự ưu ái đối với ngành hải quan, ngành thuế hay không, Bộ trưởng khẳng định, chế độ đặc thù của các bộ, ban ngành sẽ thay đổi theo chính sách tiền lương mới, nên việc điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan không phải là sự thiên vị.

Bộ chú trọng đảm bảo cơ sở vật chất để hiện đại hóa cơ sở vật chất, đảm bảo ngành thuế, ngành hải quan, với những cơ sở vật chất thừa, không sử dụng đến, hai ngành này sẽ trả về địa phương để bố trí cho các cơ quan hành chính của địa phương.

Sáng cùng ngày, với 468/473 các ĐBQH có mặt đã biểu quyết tán thành, chiếm 94,35%, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.