Chi phí sản xuất các xe ô tô cứu thương ở Việt Nam tăng từ 30-40%
Chiều 27/11, tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Phát biểu thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) quan tâm đến nội dung khấu trừ và hoàn thuế đối với các loại ô tô chuyên dùng.
Hiện nay, việc sản xuất các loại xe ô tô chuyên dùng như xe cứu thương, xe chở tiền, xe chở phạm nhân và xe ô tô chuyên dùng khác còn gặp nhiều vướng mắc về chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đại biểu lấy ví dụ về trường hợp xe cứu thương, để sản xuất xe cứu thương, các doanh nghiệp phải sử dụng đầu vào là chiếc xe 9 chỗ hoặc 12 chỗ chưa gắn nội thất.
Những chiếc xe đầu vào thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất có thể lên đến 50%. Nhà sản xuất khi mua nguyên liệu đầu vào này đã phải trả thuế thông qua giá mua xe.
Sau khi cải tạo xe thương mại này thành xe cứu thương bán ra thì xe cứu thương thuộc diện không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Các doanh nghiệp không được khấu trừ hay hoàn thuế đối với thuế tiêu thụ đặc biệt đầu vào. Hay nói cách khác, đầu vào đã phải chịu thuế, mà đầu ra lại không được khấu trừ.
Tình trạng trên dẫn đến hệ lụy chi phí sản xuất các xe ô tô cứu thương ở Việt Nam tăng từ 30 - 40%.
"Với khoảng 2.000 chiếc xe cứu thương trên toàn quốc thì chúng ta thu khoảng 500 - 600 tỷ đồng. Chi phí này cuối cùng dồn lên người bệnh. Điều này làm tăng phí y tế, giảm khả năng tiếp cận dịch vụ của người bệnh", theo đại biểu Đồng.
Điều này cũng khiến doanh nghiệp trong nước không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu; thiệt hại lớn cho ngành cơ khí và ứng dụng. Do đó, đại biểu Đồng cho rằng phải có cơ chế khấu trừ và hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với doanh nghiệp dùng ô tô thương mại để sản xuất ô tô chuyên dùng.
Đề xuất cân nhắc lại việc tăng thuế với xe pick-up chở hàng
Góp ý tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho hay xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép, đang chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt từ 15-25%.
Nếu áp dụng như đề xuất trong dự thảo Luật thuế suất sẽ áp bằng 60% xe con chở người cùng dung tích xilanh, thì thuế suất sẽ có thể tăng lên gấp đôi.
Đại biểu chỉ ra hiện nay, dòng xe này sử dụng chủ yếu ở ngoài đô thị, có với công năng chính là chở hàng. Nhiều hộ gia đình, đơn vị sử dụng phục vụ kinh doanh vừa và nhỏ, thuận tiện, đơn giản trong vận chuyển.
Hơn nữa, tại Việt Nam, xe pick-up chở hàng cabin kép chỉ chiếm khoảng 5% thị phần ô tô cả nước, chưa đến mức quá lớn để gây ảnh hưởng đến giao thông nếu sử dụng trong khu vực đô thị.
Ở nhiều nước trong khu vực lân cận như Thái Lan, Lào, xe pick-up (trong tiếng Việt là xe tải nhẹ hoặc xe bán tải) sử dụng với mục đích đa dạng, để đi làm kết hợp chở nông cụ, hàng hóa khác để phục vụ cuộc sống.
Với đặc điểm kỹ thuật riêng và công năng linh hoạt như vậy, xe pick-up chở hàng cabin kép là dòng xe có tính phù hợp với nhóm sản phẩm ưu tiên theo Quyết định 1168/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 16/7/2014 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, đó là "Chú trọng phát triển dòng xe tải nhỏ đa dụng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn".
Mặt khác, việc tăng thuế cũng cần tính đến bảo đảm tính cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước với nhập khẩu, khuyến khích tăng sản xuất lắp ráp tại Việt Nam hơn nhập khẩu, phù hợp chiến lược phát triển của ngành ô tô và thị trường ô tô tại Việt Nam.
Do đó, đại biểu đề xuất cân nhắc lại việc tăng thuế với xe pick-up chở hàng cabin kép, cần hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Nếu cần phải tăng để thu ngân sách thì nghiên cứu lại lộ trình phù hợp, từ 3 tới 5 năm, lùi thời hạn áp dụng và mức tăng vừa phải, ổn định để bảo toàn nguồn lực chung cho doanh nghiệp, người dân, cho ngân sách đồng thời nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của Luật, để Luật thực sự đi vào cuộc sống.
Còn theo đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai), việc đánh thuế xe ô tô bán tải Pick-up như xe ô tô thông thường là chưa phù hợp, vì phần lớn xe bán tải chủ yếu được sử dụng ở vùng nông thôn, ở các đồn biên phòng, ở các vùng biên giới mà đánh thuế ngang với xe ô tô bình thường khác.
Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế gián thu, vì vậy thuế tiêu thụ đặc biệt không đánh ở khâu lưu thông mà đánh ở khâu người sản xuất bán hàng hoặc nhập khẩu sản phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt không hoàn thuế giá trị gia tăng.
Xe không thiết kế là xe chuyên dụng thì không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong quá trình các loại xe khác mà cải tiến hành thành xe chuyên dụng thì phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận