Xã hội

ĐBQH tranh luận gay gắt về việc cách chức Hiệu trưởng Tôn Đức Thắng

06/11/2020, 11:53

Sáng 6/11, các ĐBQH tranh luận gay gắt về việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định cách chức Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng.

img
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại phiên chất vấn sáng 6/11

Sáng 6/11, tại phiên chất vấn Quốc hội, Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đặt câu hỏi với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cách chức Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng.

“Việc cách chức như vậy có đúng thẩm quyền của Tổng Liên đoàn Lao động hay không?”, ông Vân đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Vân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, vấn đề này nếu chỉ trong thời gian 3 phút thì không đủ. Còn nếu trả lời nhát gừng thì lại không đúng. Ngay lập tức, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn nhắc: “Chỉ cần Phó Thủ tướng nói đúng hay sai”.

Vì vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời rất rõ ràng, ngắn gọn: Thứ nhất, Chính phủ ủng hộ mô hình tự chủ đại học. Thứ hai, Luật Giáo dục đại học đã quy định rất rõ các chức danh lãnh đạo bao gồm hiệu trưởng thì do hội đồng trường quyết định, đề nghị cấp có thẩm quyền quyết. Ở trường hợp này, cấp có thẩm quyền là Tổng Liên đoàn Lao động công nhận, phê chuẩn.

“Như vậy, trong trường hợp có Hội đồng trường thì việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xử lý Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng mà không căn cứ vào đề nghị của Hội đồng trường là không đúng luật. Tuy nhiên, trường hợp này hết sức đặc biệt, bởi thời điểm đó, hội đồng trường Đại học Tôn Đức Thắng đã hết hiệu lực. Việc kiện toàn hội đồng trường của Tổng Liên đoàn Lao động chậm trễ do nguyên nhân cả chủ quan và khách quan, cho nên tại thời điểm hiệu trưởng nhận kỷ luật, thì trường Tôn Đức Thắng không có hội đồng trường”, Phó Thủ tướng nói.

img
Từ trái sang: Đại biểu Lê Thanh Vân, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy và nguyên Hiệu trưởng trường Tôn Đức Thắng Lê Vinh Danh

Sau phần trả lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về trường Tôn Đức Thắng, đại biểu Lê Thanh Vân bấm nút tranh luận. Đại biểu Vân tán thành vế thứ nhất câu trả lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về áp dụng của Tổng Liên đoàn Lao động (cách chức Hiệu trưởng mà không căn cứ vào đề nghị của Hội đồng trường-PV) là sai.

Vế thứ hai, theo đại biểu Vân, Phó Thủ tướng cho rằng "do Hội đồng trường Tôn Đức Thắng giải thể trước, giờ phải kiện toàn lại nên Tổng Liên đoàn Lao động ra quyết định kỷ luật" là không đúng. Vì theo đại biểu Vân, Tổng Liên đoàn Lao động có quyền kỷ luật viên chức do mình quản lý, còn kỷ luật Hiệu trưởng trường là phải theo luật.

“Chức danh Hiệu trưởng trường Tôn Đức Thắng, chưa có Hội đồng trường thì chưa thể bị bãi nhiệm, cách chức”, đại biểu Lê Thanh Vân khẳng định và đề xuất nên tôn trọng và thực hiện đúng Luật Giáo dục đại học.

Về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM) nêu ý kiến: Trong điều kiện trường Đại học Tôn Đức Thắng chưa có Hội đồng trường thì thẩm quyền kỷ luật viên chức là Hiệu trưởng của trường Đại học Tôn Đức Thắng do đơn vị chủ sở hữu quyết định. Do vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện kỷ luật Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng là đúng quy định.

“Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản để xin ý kiến Bộ Nội vụ và Bộ Nội vụ có văn bản trả lời ngày 21/8/2020 về thẩm quyền kỷ luật xử lý đối với cán bộ, viên chức là người đứng đầu trường Đại học Tôn Đức Thắng. Văn bản này khẳng định: Đến nay trường Đại học Tôn Đức Thắng chưa có hội đồng trường nên thẩm quyền tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức xử lý kỷ luật đối với hiệu trưởng là do Tổng Liên đoàn Lao động quyết định”, bà Thúy nói.

Ngay sau đó, đại biểu Vân tiếp tục tranh luận lần hai. Đại biểu Vân đề nghị đại biểu Thúy đọc lại Luật Giáo dục Đại học vì ông không thấy văn bản nào cho phép Tổng Liên đoàn Lao động cách chức Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng.

Đại biểu Vân đề nghị Bộ Nội vụ giải trình về vấn đề này. Theo ông Vân, nếu Bộ Nội vụ đồng ý với hành động đó thì đó là hành vi trái pháp luật.

“Quốc hội vừa thông qua Luật Giáo dục Đại học quy định rất rõ như vậy mà giờ cứ "thanh minh, thanh nga" rằng đấy là cơ sở pháp lý là thế nào”, ông Vân nói.

Chiều 23/10, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức hội nghị công bố quyết định cách chức hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng đối với ông Lê Vinh Danh.

Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM đã có kết luận về khuyết điểm, vi phạm của Đảng ủy Trường Đại học Tôn Đức Thắng và cá nhân ông Lê Vinh Danh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường.

Theo đó, ông Danh thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Đảng ủy, dẫn đến Đảng ủy có những khuyết điểm, vi phạm nghiêm trọng như: không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo Quy định số 97-QĐ/TW ngày 22/3/2004 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các đơn vị sự nghiệp; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, không chấp hành các chỉ đạo của cơ quan chủ quản…

Ông Danh đã bổ nhiệm 44 cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền không thông qua Đảng ủy, đề xuất bổ nhiệm phó hiệu trưởng không có trong quy hoạch; Duyệt chi khoản tiền hơn 14,62 tỉ đồng không đúng quy định; Sử dụng hơn 10 tỉ đồng tiền lãi từ nguồn cho vay của Tổng Liên đoàn lao động trích lập các quỹ không đúng mục đích vay: Chi trả lương, thu nhập cán bộ, giảng viên, nhân viên của trường chưa bảo đảm công khai, minh bạch; Ban hành hướng dẫn về quy trình đầu tư xây dựng, mua sắm, sửa chữa, thanh lý tài sản của trường sai quy định, có nguy cơ gây ra tổng giá trị thiệt hại cho trường khoảng 30 tỉ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.