Xã hội

ĐBSCL có 57 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm dài hơn 160km

09/04/2019, 10:04

Theo thống kê của ngành NN&PTNT, hiện nay khu vực ĐBSCL có 57 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 164km.

img
Quang cảnh Hội thảo về “Giải pháp xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL” tại Cà Mau. Ảnh: Gia Minh

Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay, khu vực ĐBSCL đã và đang đứng trước những thách thức không nhỏ của thiên tai, trong đó có sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển. Qua công tác quản lý và báo cáo của các địa phương trên địa bàn các tỉnh vùng ĐBSCL hiện có 326 vị trí bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài gần 786km, trong số đó có 57 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 164km (sạt lở bờ sông 38 điểm/dài 79km, sạt lở bờ biển 19 điểm/ dài 8km).

Tại Hội thảo về “Giải pháp xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL” do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức sáng nay tại Cà Mau (có đại diện lãnh đạo UBND, Sở NN&PTNT của 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL tham dự), ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT cho biết, trước diễn biến phức tạp của sạt lở có xu hướng ngày càng gia tăng, những năm qua Trung ương, các tổ chức quốc tế và các địa phương đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng công trình, nghiên cứu ứng dụng các giải pháp bảo vệ bờ sông, bờ biển.

Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai cho thấy, các địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức thực hiện các dự án xử lý sạt lở cấp bách, nên kết quả đạt được đến nay chưa cao.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: "Khó khăn nhất hiện nay là tình trạng sạt lở diễn ra phổ biến ở ven biển, ven sông, tỷ lệ sạt lở diễn biến cao hơn rất nhiều lần so với bên bồi, bên lở như trước đây. Cần có nghiên cứu sâu để phát triển quy luật mới về bên bồi, bên lở".

Đối với giải pháp công trình, dù rất phấn khởi với những kết quả đã đạt được, nhưng những giải pháp công trình hiện tại chỉ mới thành công ở bước tạo được sự ổn định gây bồi, tạo được rừng. Vì vậy, cần phải tiếp tục nghiên cứu các công trình có sức đầu tư thấp hơn, gây được bồi, tạo được bãi.

“Về vốn đầu tư, thời gian qua Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương cũng đã ưu tiên bố trí cho phòng chống thiên tai và sạt lở, nếu trông chờ vào ngân sách thì không đảm bảo nhu cầu nhiệm vụ đặt ra”, ông Sử nói và đề nghị huy động thêm nguồn lực của doanh nghiệp có dự án tại các vùng bị sạt lở, tham gia vào phòng, chống sạt lở. Tuy nhiên, phải có cơ chế cho họ, mạnh dạn giao đất cho nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư, nhưng theo quy định chưa thực hiện được.

Năm 2018, ngoài việc bố trí ngân sách theo kế hoạch hằng năm để các địa phương xây dựng công trình phòng chống sạt lở, Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 để xử lý 29 dự án xử lý cấp bách sạt lở bở sông, bờ biển thuộc 13 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục hỗ trợ 1.000 tỷ đồng xử lý sạt lở từ nguồn vốn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và 36 triệu USD từ dự án WB, ADB;…

img

Tin tức tai nạn giao thông mới nhất ngày hôm nay 9/4/2019

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.