Xã hội

ĐBSCL: Đau đầu tuyển công nhân sau giãn cách

25/10/2021, 20:58

Nhiều công ty giày da, thủy sản... ở ĐBSCL đang đau đầu vì thiếu công nhân sau giãn cách.

Cuống cuồng tuyển công nhân

Chiều 25/10, tại Hội trường UBND huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, Công ty Giày Tae Kwang Cần Thơ (nằm ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) đã phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Phong Điền tổ chức buổi tuyển dụng lao động.

Việc tuyển dụng sẽ tổ chức tại nhiều địa phương, nhằm giúp các lao động tìm được việc làm, ổn định cuộc sống sau đại dịch.

img

Anh Bùi Công Thành (áo trắng) cùng nhân viên ở Phòng Nhân sự Công ty Giày Tae Kwang trực tiếp tư vấn và hướng dẫn cho các lao động. Ảnh: Ngọc Chiến

Anh Bùi Công Thành, cán bộ Phòng nhân sự Công ty Giày Tae Kwang cho biết: “Số lao động của công ty chiếm khoảng 60% lao động tại Cần Thơ và 40% từ các tỉnh thành lân cận.

Sau dịch Covid-19, đa số các lao động đến từ các tỉnh thành khác đều đã nghỉ việc hoặc chưa thể trở lại công ty làm việc được nên công ty vẫn chưa thể hoạt động lại 100% công suất”.

“Được sự hỗ trợ từ Sở LĐ-TB&XH tại các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ, chúng tôi sẽ tổ chức tuyển dụng tại 5 quận, 4 huyện. Dự kiến số lao động được tuyển dụng vào khoảng 500 người”, anh Thành nói.

img

Anh Nguyễn Văn Toàn vui mừng khi tìm được việc làm sau thời gian dài giãn cách. Ảnh: Ngọc Chiến

Anh Nguyễn Văn Toàn (29 tuổi, ngụ huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) chia sẻ: “Trước đây tôi làm ở công ty ở Bình Dương do dịch nên nghỉ về quê, đến nay cũng nửa năm rồi. Nghỉ dịch quá lâu, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, nay có thông tin Công ty Tae Kwang đang tuyển dụng nên tôi đến đăng ký.

Đợi lên lại Bình Dương thì không biết tới khi nào, với lại được làm gần nhà nên cũng thuận tiện cho việc đi lại hơn”.

Những lao động đều phải tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng Covid-19 thì mới đủ điều kiện được tuyển dụng và ưu tiên cho người biết nghề may.

Vào các ngày 26, 27, 28, 29, công ty này vẫn tiếp tục tuyển dụng tại các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, huyện Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh.

img

Nhiều người lao động tại huyện Phong Điền, TP Cần Thơ háo hức đến với buổi tuyển dụng. Ảnh: Ngọc Chiến

Tuy nhiên, theo một số người tham gia buổi tư vấn, số người dự thực tế không nhiều, và số được tuyển cũng khó đáp ứng yêu cầu của công ty. Bởi lẽ, nhiều người vẫn còn ngán ngại dịch, và nhất là một số người vẫn chưa được tiêm vaccine như yêu cầu công ty đặt ra. Còn người đã tiêm đủ đa phần sẽ trở lại Bình Dương, TP.HCM... làm việc vì lương cao hơn.

Tính đến ngày 24/10, Cần Thơ đã triển khai tiêm 1.010.542 liều vaccine cho người dân, trong đó 214.263 người đã được tiêm mũi 2. Cần Thơ vẫn đang cố gắng đạt mục tiêu trong tháng 10 có 100% dân số được tiêm mũi 1 để đạt miễn dịch cộng đồng sớm và trong 2 tuần đầu tiên của tháng 11, đạt mục tiêu 85 - 90% dân số được tiêm mũi 2.

Còn ở Sóc Trăng, tính đến ngày 25/10, tỷ lệ dân số trên 18 tuổi trở lên đã tiêm được ít nhất 1 mũi vaccine phòng Covid-19 ở Sóc Trăng mới đạt 81,81%; tỷ lệ người trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi đạt 13,55%.

Khan hiếm lao động

Giám đốc một công ty thủy sản ở Cà Mau cho biết, hồi giãn cách, công ty đau đầu vì chi phí quá nặng để thực hiện "3 tại chỗ" khi phải thuê khách sạn cho công nhân ở. Còn giờ, công ty đang đối mặt với tình trạng khan hiếm lao động.

Ông Võ Văn Phục, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch Việt Nam (Vinacleanfood), chia sẻ: "Những ngày đầu tháng 10, tôm thu hoạch khá nhiều nhưng công ty không thể thu mua tôm nhiều được vì có đến gần 500 lao động không thể đi làm".

Qua khảo sát cho thấy, hiện nay số lao động tại các doanh nghiệp ngành tôm ở ĐBSCL chỉ mới đạt bình quân 60-80% so với thời điểm chưa bùng phát dịch bệnh. Điều lo lắng nhất hiện nay của các doanh nghiệp là số lao động được tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 đạt tỷ lệ chưa như mong muốn.

Từ đầu tháng 10 đến nay, mặc dù dịch Covid-19 ở ĐBSCL từng bước được kiểm soát nhưng vẫn còn một số ổ dịch mới xuất hiện và lây lan trong cộng đồng, buộc một số địa phương phải siết chặt việc đi lại của người dân, gây thiếu hụt lao động cho doanh nghiệp.

“Số lao động của công ty chỉ bằng 60-70% so với lúc bình thường và trong số này chỉ khoảng 40% được tiêm hai mũi vaccine, còn lại chưa tiêm mũi nào. Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, công ty buộc phải làm rất kỹ các khâu kiểm soát, xét nghiệm khiến chi phí tăng lên”, ông Phục cho biết.

img

Công nhân làm việc tại các doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Cà Mau. Ảnh: Trần Khải

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, sau khi tỉnh Sóc Trăng phát hiện ổ dịch Covid-19 ở 1 cơ sở chế biến tôm, người lao động tại các địa phương có F0 không được đi lại như trước nên phải nghỉ việc. Tính từ ngày 5/10, số lao động của Công ty Sao Ta giảm khoảng 400 người.

Do đó, dù dòng người về quê trong những ngày qua có nhiều, nhưng để làm việc phải đáp ứng yêu cầu về tay nghề, phải được tiêm vaccine nên tình trạng thiếu hụt lao động trong những ngày tới vẫn khó khắc phục.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.