Xã hội

ĐBSCL khốn khó vì Trung Quốc biến Mekong thành của riêng

14/07/2016, 14:22

Đó là nhận định của nhiều nhà khoa học khi ĐBSCL đang đối mặt với những khó khăn to lớn vì hạn, mặn.

2

Khai thác cát quá mức, trong khi các đập thủy điện phía thượng nguồn Mekong đang giữ lại một lượng lớn trầm tích là một nguyên nhân khiến ĐBSCL đang bị nhấn chìm, nước biển xâm nhập sâu

Qua buổi tham luận mới đây về “Các biện pháp kiểm soát mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất dân sinh”, trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL 2016 (MDEC – Hậu Giang 2016). Những nhà khoa học đến từ các Bộ, ngành nêu rõ, ngoài các yếu tố thiên tai, ĐBSCL đang phải gánh chịu một tác động cực kỳ to lớn đến từ con người.

6 tháng đầu năm nay, ĐBSCL bị ảnh hưởng rất lớn của đợt hạn hán nặng nhất trong lịch sử 100 năm qua. Sản xuất nông nghiệp đã bị suy giảm 2%, ước tính tổng thiệt hại hơn 4.600 tỷ đồng…

Bằng những số liệu khoa học, GS.TS Nguyễn Ngọc Trân, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước nêu rõ biến đổi khí hậu tại ĐBSCL một phần do chính con người ở vùng ĐBSCL và những quốc gia trên thượng nguồn sông Mekong gây ra.

1

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, sự sinh tồn của ngành nông nghiệp ở ĐBSCL đang chịu quá nhiều sự lệ thuộc vào nguồn nước từ các đập của Trung Quốc trên dòng Mekong.

Theo ông Trân, hiện nay chúng ta đang khai thác nguồn nước ngầm quá mức trong khi hiện tượng El-Nino ngày càng khốc liệt làm khan hiếm nguồn nước ngọt. Thêm vào đó, tình trạng khai thác cát tràn lan cũng là một nguyên nhân khiến vùng đồng bằng đang bị nhấn chìm, nước biển dâng cao. Cạnh đó là việc khai thác tài nguyên nước ở thượng nguồn sông Mekong, nhất là việc khai thác thủy điện.

“Từ khi các đập thủy điện của Trung Quốc đi vào hoạt động, trầm tích bị các đập này giữ lại, chế độ thủy văn xáo trộn, lượng nước đổ về đồng bằng giảm. Từ đó gây ra hệ lụy xâm nhập mặn, hạn hán. Điển hình là đợt hạn, mặn năm 2015-2016 vừa qua đã bộc lộ sự lệ thuộc của ĐBSCL vào nguồn nước từ sông Mekong. Hiện tượng này chắc chắn sẽ mạnh lên hơn rất nhiều khi Trung Quốc đưa vào vận hành 14 đập thủy điện trước năm 2020”, GS.TS Nguyễn Ngọc Trân nói, đồng thời nhận định Trung Quốc đang biến dòng Mekong thành của riêng nước này.

Cùng quan điểm, các giáo sư, tiến sĩ của Viện khoa học Việt Nam cũng thừa nhận, trong chương trình nghiên cứu cấp nhà nước của Bộ KH-CN và báo cáo của các tổ chức khoa học trên thế giới như Ủy hội sông Mekong (MRC), tổ chức SEA… đã chỉ ra xu thế thay đổi dòng chảy từ thượng lưu sông Mekong là rất bất lợi cho vùng ĐBSCL. Diễn biến lũ về đồng bằng những năm gần đây cho thấy có những thay đổi rất lớn. Đặc biệt, dòng chảy mùa lũ ở các đập thủy điện của Trung Quốc còn thấp hơn cả mùa khô.

Tương tự, nghiên cứu của Cục quản lý tài nguyên nước còn chỉ ra cụ thể 6 công trình thủy điện của Trung Quốc đang vận hành làm lượng trầm tích về đồng bằng sụt giảm tới 78%. Đó là nguyên nhân ảnh hưởng đến sản xuất của người dân, đe dọa đến an ninh nguồn nước…

Từ những nghiên cứu trên, các nhà khoa học đã kiến nghị các Bộ, ngành cần có bản quy hoạch bài bản, báo cáo tác động mội trường, có chiến lược cụ thể và tránh chồng chéo trong quản lý nhà nước. Chính cần phủ đổi mới về thể chế, nhất thiết phải liên kết các vùng lại với nhau và xem nguồn nước lợ, mặn là một thứ tài nguyên mới.

Đặc biệt, 6 nước có dòng Mekong chảy qua phải xây dựng một cơ chế sử dụng nguồn nước trên cơ sở xác định dòng Mekong là tài sản chung…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.