Đời sống

Đê biển Tây ở Cà Mau bị sạt lở sẽ khắc phục thế nào?

22/08/2019, 13:42

Về lâu dài, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT lưu ý tỉnh Cà Mau cần ưu tiên cứng hóa mái ngoài kết hợp chống tràn đê biển Tây.

img
Từng bao đất được đưa từ dưới chân đê lên để ngăn sạt lở và nước mặn tràn qua mặt đê.

Ngày 22/8, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (PCTT) vừa có văn bản chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Cà Mau về việc khắc phục sạt lở đê biển Tây.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, những ngày đầu tháng 8/2019, do tác động của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, kết hợp với thời kỳ triều cường lớn nhất trong năm (đỉnh triều xuất hiện lúc 13h ngày 3/8/2019), tại vùng biển Tây đã xuất hiện thủy triều dâng đột biến làm sóng tràn qua mặt đê và sạt lở mái đê đối với đoạn đê giáp cống Kinh Mới (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau).

Để khắc phục và đảm bảo an toàn cho đoạn đê nêu trên, trước mắt Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cà Mau cần tập trung nguồn lực tiếp tục thực hiện xử lý đảm bảo an toàn đoạn đê bị sạt lở dài 365m.

img
Sóng lớn kèm gió mạnh đánh trực tiếp vào thân đê phòng hộ kéo theo nhiều đất cát, cỏ, khiến giao thông qua tuyến đê bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
img
Nước mặn tràn qua mặt đê, gây ảnh hưởng cuộc sống của người dân bên trong đê.

Đối với đoạn mái đê phía biển từ cao trình 1+5.0m trở lên, tiếp tục gia cố bằng bao đất hoặc cát, tạo mái tối thiểu m=2 sau khi đã trải bạt chống sóng phủ kín mái đê. Đối với đoạn mái đê phía biển từ cao trình +1.50m trở xuống, đóng hàng cọc cừ tràm sát chân đê để chống xói sâu, giữ ổn định mái đê; từ hàng cừ tràm ở chân đê đến hàng cừ tràm ở cao trình +1.50m trải bạt chống sóng, phía trên đắp bao đất/cát hoặc đè bằng rọ thép, lõi đá hộc.

Tiếp tục lắp đặt cấu kiện bê tông cốt phi kim cách chân đê khoảng 5m để giảm sóng tác động lên mái đê. Đồng thời, chuẩn bị đá hộc, rọ thép, đất, cát, bao có kích thước đủ lớn dự trữ để kịp thời xử lý, đảm bảo an toàn đoạn đê nêu trên nói riêng và tuyến đê biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đặc biệt là trong trường hợp bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực.

img
Lực lượng chức năng khẩn trương khắc phục tình trạng sạt lở đê biển Tây.

Về lâu dài, đánh giá mức độ an toàn đối với các đoạn đê trọng điểm xung yếu, nhất là đoạn đê vừa xảy ra sự cố, xây dựng giải pháp xử lý đảm bảo ổn định lâu dài; trong đó, cần ưu tiên cứng hóa mái ngoài đê kết hợp chống tràn, hoàn thành trước tháng 6/2020.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai đối với các dự án đã có kế hoạch bố trí vốn, sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng, nâng cao năng lực chống chịu tuyến đê biển.

Cải tạo bãi, trồng rừng ngập mặn phù hợp với điều kiện tự nhiên, đảm bảo bảo vệ bền vững đê, bãi biển.

img
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (áo trắng) đến thăm và trao hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Trước đó, vào khoảng 15h ngày 3/8, nhiều đợt sóng lớn kèm theo gió mạnh đã đánh trực tiếp vào chân đê biển Tây (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), gây sạt lở đê, mực nước dâng cao, tràn qua mặt đê phòng hộ vào vùng ngọt hóa, khiến nhiều diện tích lúa và hoa màu có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng.

Tuyến đê phòng hộ ven biển Tây của tỉnh Cà Mau có vai trò ngăn mặn trực tiếp cho 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời. Nếu xảy ra vỡ đê, hàng chục ngàn hộ dân nơi đây sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cà Mau, tình hình thiệt hại trong khu vực nội địa (từ ngày 2-6/8/2019) làm 1 người bị thương (do sét đánh), sập 134 căn nhà, tốc mái 665 căn nhà, 1 trụ angten và 1 trường học (do dông lốc), sạt lở đất ven sông với chiều dài 195m làm thiệt hại 06 căn nhà; ngập 1.781 căn nhà, 1 trường học, 471m bờ ao vuông tôm, 2.540m lộ giao thông (do triều cường); mưa lớn gây ngập úng làm thiệt hại 108,75ha lúa hè thu. Ước tổng thiệt hại về tài sản 28,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, trên tuyến đê biển Tây có 7 đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm, nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào với tổng chiều dài 2.343m.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.