Báo Giao thông vừa đăng bài "Đại gia nợ nần, bỏ của chạy lấy người vì resort", phản ánh việc nhiều doanh nghiệp đầu tư làm dự án du lịch tại Quảng Ngãi với vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng sau đó phải "bỏ của chạy lấy người" hoặc bị ngân hàng kê biên dẫn đến mất trắng, lâm cảnh nợ nần.
Đại diện một số doanh nghiệp phản ánh, trước đây, họ đầu tư các dự án là theo kêu gọi của tỉnh. Phần nữa họ cũng nhìn thấy cơ hội phát triển nếu địa phương đầu tư hạ tầng như đã "vẽ" ra.
Thế nhưng trải qua thời gian dài, ngoài việc doanh nghiệp tự thân thì phía chính quyền không có nhiều hỗ trợ. Hạ tầng giao thông, xã hội quá kém dẫn đến không hút được du khách…
Bởi thế, có người đã ví von, doanh nghiệp chẳng khác nào rơi vào tình cảnh "vào sọt" vì resort!
Chuyện nhà đầu tư lĩnh vực du lịch ở Quảng Ngãi "ngã nhào" đang đặt ra nhiều vấn đề trong phát triển ngành công nghiệp không khói, có lẽ không phải là câu chuyện riêng của địa phương này.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận, hạ tầng du lịch của tỉnh còn yếu kém, đó là thực trạng mà địa phương đã nhận diện được và đang nỗ lực thay đổi.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định với Báo Giao thông rằng, câu chuyện yếu kém của du lịch Quảng Ngãi là đúng thực tế, nhưng đó là chuyện của những nhiệm kỳ trước. Lãnh đạo tỉnh trong nhiệm kỳ này đang nỗ lực để "kéo" bánh xe du lịch trở lại guồng quay.
Ông Minh cho rằng, Quảng Ngãi đang rất "khát" nhà đầu tư vào du lịch tìm đến địa phương và tỉnh trải thảm để hỗ trợ nhằm đưa các dự án vào hoạt động bằng những cơ chế đặc thù. Song, Quảng Ngãi cũng sẵn sàng "cắt bỏ" những khối ung nhọt tồn tại bấy lâu nay, gây lãng phí quỹ đất và nguồn lực xã hội, ngáng chân các nhà đầu tư chân chính khác.
"Tất yếu có thời điểm hạ tầng chưa tốt, nhưng trong vài năm trở lại đây đã có rất nhiều công trình, dự án đi vào hoạt động với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng như cầu Cổ Lũy (2.250 tỷ), dự án đường Hoàng Sa và Trường Sa hơn 2.000 tỷ, dự án đường ven biển Dung Quất-Sa Huỳnh gần 1.000 tỷ đồng và sắp tới đây là dự án đồng Hoàng Sa-Dốc Sỏi hơn 3.500 tỷ đồng…
Điều đó chứng tỏ tỉnh rất quan tâm, hỗ trợ, song các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nợ nần không thể "đổ" hết cho địa phương, các doanh nghiệp phải nhìn lại chính mình, xem cách quản trị doanh nghiệp, cách tiếp cận thị trường có đúng, có giải pháp thu hút du khách hay chưa…", ông Minh phân tích.
Tuy nhiên, thực tế "không tìm thấy chỗ tiêu tiền" khi đến Quảng Ngãi là câu chuyện đáng phải bàn.
Nhìn đi ngoảnh lại, du lịch Quảng Ngãi ngoài đảo tiền tiêu Lý Sơn, chỉ có thêm một vài điểm đến khác nhưng nhỏ lẻ, thiếu kết nối để tạo thành "con đường du lịch".
Thế nên dù hàng nghìn du khách háo hức đến Lý Sơn, nhưng, chỉ "2 ngày một đêm" là du khách tất tả lên tàu rời đảo. Thậm chí, nhiều người một đi không trở lại là điều Quảng Ngãi đã nhìn thấy nhưng khắc phục như thế nào để níu chân du khách lại là bài không đơn giản.
Như lời Chủ tịch tỉnh Đặng Văn Minh, thì tỉnh đã nhận diện được vấn đề. Mong rằng tới đây sẽ có nhiều nhà đầu tư tìm tới, triển khai nhiều dự án hoành tráng, để giá trị văn hoá và lịch sử, tiềm năng du lịch của địa phương này được phát huy hơn nữa.
Nhưng như đã nói ở trên, muốn thu hút các nhà đầu tư thì chắc chắn địa phương phải có những chính sách, cơ chế mang tính chất "trải thảm" thực sự, sát cánh thực sự. Bởi chẳng nhà đầu tư nào dám mạo hiểm bỏ tiền ra khi họ không nhìn thấy được cơ hội tương lai.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận