Bất động sản

Để doanh nghiệp "ôm đất" trục lợi, cần làm rõ trách nhiệm người gia hạn

15/10/2021, 14:44

Đại biểu quốc hội cho rằng, các địa phương quản lý chưa tốt dẫn đến việc chủ đầu tư lợi dụng "ôm đất" nhằm trục lợi.

Cho thuê đất khi chưa có hồ sơ

Trong Báo cáo tình hình kiểm toán ngân sách bộ, ngành, địa phương năm 2021 vừa gửi tới Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ loạt vi phạm về việc sử dụng đất.

Cụ thể, nhiều trường hợp chưa điều chỉnh đơn giá thuê đất khi hết thời kỳ ổn định đơn giá thuê như: Tỉnh Bình Phước có 252 đơn vị với tổng diện tích 206.938.854 m2; tỉnh Đắk Nông có 43 tổ chức thuê đất với diện tích đất 70.992.667m2; thành phố Hải Phòng, 131 đơn vị với tổng diện tích 2.641.411m2…

img

Dự án của Công ty TNHH MTV Sudico tại Tiến Xuân, Thạch Thất bị đề nghị thu hồi

Bên cạnh đó có tình trạng cho thuê đất nhưng lại chưa có hồ sơ liên quan nên cơ quan thuế tạm thu theo giá đất từ nhiều năm trước. Đơn cử: Tỉnh Vĩnh Phúc với 7 lô đất với diện tích là 136.960 m2 tạm thu theo giá đất từ năm 2006.

Cũng theo cơ quan kiểm toán, Hưng Yên có 97 dự án đã được giao đất chậm tiến độ sử dụng. Đến thời điểm kiểm toán, UBND tỉnh chưa ban hành quyết định xử lý...

Cần làm rõ trách nhiệm người cho phép điều chỉnh

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội nữ trí thức Hà Nội cho biết, về nguyên nhân dẫn đến sử dụng đất chưa hiệu quả là do một số địa phương quản lý còn chưa tốt, dẫn đến các chủ đầu tư phạm luật, lợi dụng "ôm đất" nhằm trục lợi.

Bà An khẳng định, đất đai là tài sản vô giá, là sở hữu của toàn dân, do Nhà nước quản lý, cho nên phải sử dụng hiệu quả, đúng giá trị. Bà An cũng nhấn mạnh, nên rà soát ngay lập tức các dự án đầu tư đang “ôm đất” mà không triển khai để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, thảo luận tại phiên họp thứ 4 về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cấp quốc gia, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, khi nhà đầu tư giữ đất mà không đầu tư, chỉ chờ giá đất tăng thì cần phải đánh thuế cao để tránh lãng phí đất. Riêng đất nông nghiệp thì nên đánh thuế thấp, thậm chí có thể miễn.

“Luật đã quy định rồi, dự án nếu không triển khai trong thời gian quy định thì phải xử lý, thu hồi đất. Phải xử lý nghiêm minh việc này, không thể cho phép cứ kéo dài, dây dưa mãi được. Nếu có việc kéo dài dự án mà không triển khai phải làm rõ ai là người cho phép điều chỉnh, người đó phải chịu trách nhiệm, xử lý một cách nghiêm minh vì đất đai như tôi nói là tài sản vô giá”, PGS. TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

Bà An cũng kiến nghị Quốc hội chỉ đạo rà soát kế hoạch sử dụng đất, đánh giá hiệu quả của việc sử dụng đất trên phạm vi toàn quốc, không riêng tỉnh, thành phố nào. Quốc hội cho rà soát nhưng phải có thời hạn nhất định, phải báo cáo, không được kéo dài từ năm này qua năm khác. “Đây là vấn đề cấp bách, có câu chuyện người ta móc nối với nhau để "lấy" đất với giá rẻ xong "ôm đất", để đó rất nhiều năm chờ lên giá nhằm hưởng lợi, trong khi Nhà nước, người dân không được hưởng lợi gì cả”, bà An nói.

PGS.TS Bùi Thị An cũng cho rằng, việc tham ô, tham nhũng từ đất đai, nếu có thể thì nên xử lý bằng tài chính, tức đánh thuế cao các chủ đầu tư “ôm đất”, và phải làm minh bạch. Xử lý như thế nào, giá trị bao nhiêu, phải tương xứng với phần chủ đầu tư hưởng lợi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.