Tài chính

Để doanh nghiệp thực sự trở thành trụ cột

05/05/2021, 05:56

"Doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế quốc gia. Trụ cột càng lớn thì dân càng giàu, nước càng mạnh và sự tự cường càng lớn".

Tại cuộc gặp mặt, đối thoại với các doanh nhân, trí thức mới đây với chủ đề “Đối thoại 2045”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Thủ tướng Chính phủ) đã nhấn mạnh: "Doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế quốc gia. Trụ cột càng lớn thì dân càng giàu, nước càng mạnh và sự tự cường càng lớn". Vậy làm sao để cộng đồng doanh nghiệp thực sự trở thành trụ cột của nền kinh tế? Bản thân doanh nghiệp phải làm gì, liên kết hỗ trợ nhau như thế nào và Nhà nước cần hỗ trợ họ bằng những cơ chế, chính sách gì? Báo Giao thông ghi nhận ý kiến một số doanh nhân xung quanh vấn đề này.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI:
Hướng tới những mô hình mới

img

Thế giới sau đại dịch Covid-19 đang được định hình, các chuỗi cung ứng toàn cầu đang được sắp xếp lại, các dòng chảy thương mại - đầu tư quốc tế sẽ đảo chiều, Việt Nam lại một lần nữa đứng trước cơ hội có thế “hóa rồng”, “hóa hổ”.

Sau hơn một năm Covid-19, dù chịu nhiều tác động nặng nề nhưng cũng là dịp để các doanh nghiệp tự làm mới mình, tìm ra những hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn. Đây cũng là lúc chúng ta cần chuyển mình mạnh mẽ để hiện thực hóa khát vọng “Việt Nam hùng cường” như định hướng phát triển “sẽ xuất hiện các tập đoàn khổng lồ mang tên Việt Nam đến năm 2045”.

Để làm được điều đó, giới doanh nghiệp cho rằng, cần phát huy nội lực của bản thân doanh nghiệp và đất nước để tăng khả năng cạnh tranh. Đồng thời, cần tham gia công đoạn chế biến sâu và nâng cao năng lực cạnh tranh cho chuỗi cung ứng, phân phối để phát triển bền vững.

Hơn nữa, việc hướng đến những mô hình mới, hướng đến bảo vệ môi trường là xu thế bắt buộc thay đổi...

CEO Lê Dung, Tổng giám đốc Công ty CP đào tạo và phát triển nhân lực Dgroup:
Kết nối cộng đồng doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi

img

Kết nối cộng đồng doanh nghiệp được đánh giá là yếu tố cốt lõi nhằm hỗ trợ lẫn nhau. Điều này cũng đã được minh chứng rõ nét khi chúng ta vượt qua đại dịch thành công. Trong giai đoạn này, để duy trì việc phát triển bền vững, bên cạnh việc tập trung thực hiện mục đích lợi nhuận, các doanh nghiệp cũng cần xây dựng một nền tảng văn hóa riêng biệt cùng với việc thực hiện trách nhiệm xã hội.

Năm 2021 sẽ là một dấu mốc quan trọng giúp các doanh nghiệp bước ra khỏi khủng hoảng, tái cấu trúc và định hướng kinh doanh.

Đây được đánh giá là một giai đoạn khá nhạy cảm, do đó, chủ doanh nghiệp phải vô cùng tinh tế để nắm bắt cơ hội phù hợp.

Hơn lúc nào hết, đất nước Việt Nam và từng người dân cần chung khát vọng lớn đưa đất nước trở nên hùng cường. Khát vọng không phải trên giấy mà phải chuyển sang doanh nghiệp, sang từng người dân, cùng mơ ước có những phát minh sáng chế cả thế giới cần và sử dụng.

Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty T&T 159 Hòa Bình:
Phát triển mô hình nông nghiệp tuần hoàn, bền vững

img

Để nâng tầm nông nghiệp nước nhà không những doanh nghiệp phải đầu tư hướng đến công nghệ cao mà lãnh đạo đất nước cũng cần đẩy mạnh nhiệm vụ “Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ mới, giá trị gia tăng cao” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Để làm được điều đó, chúng ta cần nâng cao về chuỗi giá trị, tức là dùng khoa học công nghệ và giải pháp kỹ thuật để phục vụ mục tiêu cuối cùng là năng suất. Đồng thời, nên áp dụng kinh tế tuần hoàn bởi nó giảm thải và hầu như không bỏ “bất cứ thứ gì” trong khâu sản xuất.

Kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm và suy thoái môi trường sống trong những thập niên gần đây.

Ở lĩnh vực này, chúng ta phải thay đổi nhận thức của cả người dân và cả doanh nghiệp khi tham gia chuỗi giá trị. Trong khi đó, Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế tuần hoàn, thách thức này cần được khắc phục.

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Tổng Giám Đốc Công ty CP dược phẩm Vinapharma, chủ nhãn hiệu trà cần tây Green Beauty:
Hạn chế xuất khẩu thô, tham gia công đoạn chế biến sâu

img

Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng sản phẩm phần lớn là sản xuất thô, xuất khẩu thô hoặc gia công cho thương hiệu khác. Thực tế, doanh nghiệp đầu tư chế biến rau quả quy mô lớn trong nước bị hạn chế, bởi Việt Nam chưa hình thành được những vùng chuyên canh, thâm canh rộng, tập trung. Trong khi các tập đoàn một khi đã đầu tư máy móc thì cần số lượng nguyên liệu chế biến đủ nhiều.

Do vậy, để hiện thực hóa giấc mơ “Việt Nam hùng cường” chúng ta phải biến thế mạnh của mình làm trụ cột. Tức là, những sản phẩm nông nghiệp cần nâng cao giá trị và vị thế.

Để làm được điều đó, chỉ có cách doanh nghiệp phải tham gia công đoạn chế biến sâu và nâng cao năng lực cạnh tranh cho chuỗi cung ứng, phân phối. Đồng thời kết nối giữa người nông dân và doanh nghiệp tạo ra sự liên kết bền vững về chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản sạch, chất lượng.

Song song đó, Chính phủ cũng cần có giải pháp tổng thể để phát triển ngành chế biến, xuất khẩu bền vững, để những người nông dân không còn phải lo vấn đề đầu ra cho sản phẩm cũng như chuyện “được mùa rớt giá”.

Ở địa phương, những chính sách vay vốn, phân phối quỹ đất cũng rất cần thiết để thu hút “đại bàng” khi đây là khâu yếu nhất, thiếu nhất từ các địa phương.

Đặc biệt, Hiệp định EVFTA đang tạo điều kiện cho các nhà sản xuất chuyên nghiệp có cơ hội làm ăn lớn. Do vậy, cần thiết phải hỗ trợ khâu xúc tiến thương mại để doanh nghiệp được khai phá những vùng đất mới, học hỏi những nước xuất khẩu lớn cũng như tiếp cận tốt những thị trường xuất khẩu tiềm năng.

Ông Vũ Minh Quân, Giám đốc Công ty CP DVC Hà Nội, chủ thương hiệu chiếu công nghệ cao Việt - Thái:
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ

img

Việt Nam phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ, manh mún, nhưng họ chính là thành phần cân bằng thị trường. Do vậy, thời gian tới, chính sách hỗ trợ cần hướng đến nhóm doanh nghiệp này thay vì chủ yếu dành cho “ông lớn” như vừa qua. Bên cạnh đó phải cổ vũ phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để thu hút nhiều ý tưởng mới từ đội ngũ tri thức.

Ngoài ra, Chính phủ cần hoạch định rõ ràng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và xây dựng những dự án mang tính định hướng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi đây chính là tầng khởi đầu phát triển.

Mặt khác, để thực hiện ước mơ “Việt Nam hùng cường” thì mỗi doanh nghiệp trước hết cần phải phát triển nội lực của chính mình để phát triển tốt hơn, có thêm nhiều đối tác muốn hợp tác với mình hơn… từ đó, cũng là phát triển nội lực của đất nước.

Đặc biệt, khi nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 thì đây cũng là cơ hội để chúng ta xác định được vai trò và “sức khỏe” của những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hành trình vượt khó vừa qua chính là hành trang để doanh nghiệp tự làm mới mình, nâng cao tính chủ động thay vì trông chờ, mong ngóng... các chính sách hỗ trợ hay tìm các đối tác như “mò kim đáy bể” mà không có định hướng cho tương lai.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.