Xã hội

Để đường ngang trái phép: Kỷ luật Chủ tịch từ xã đến tỉnh

15/03/2017, 13:27

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu có quy định xử lý nghiêm việc tự ý mở lối đi dân sinh ngang qua đường sắt.

Kim Ngan

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Luật Đường sắt sửa đổi phải giải quyết được vấn nạn đường ngang không phép đang đe dọa an toàn chạy tàu. Ảnh: Phương Hoa

Thảo luận về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật đường sắt (sửa đổi) sáng 15/3, nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng trước thực trạng nhiều lối đi, đường ngang dân sinh qua đường sắt được mở tràn lan, không có sự cấp phép của các cơ quan có thẩm quyền, không có biển cảnh báo... 

Báo cáo rõ hơn vấn đề này, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thông tin, hiện chỉ có 1.511 đường ngang hợp pháp (645 đường ngang có rào chắn, 363 đường ngang lắp chắn tự động, 507 đường ngang bố trí biển cảnh báo)... Nhưng có đến 4.211 đường ngang, lối đi dân sinh không được cấp có thẩm quyền cho phép, không nằm trong quy hoạch và không có biển cảnh báo. Uỷ ban ATGT Quốc gia cũng đã rất nhiều lần chỉ đạo giải quyết tình trạng này. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Luật đường sắt (sửa đổi) phải giải quyết được vấn đề này. Những nơi thực sự có nhu cầu thì Nhà nước phải đầu tư, làm sao giải quyết triệt để đường ngang dân sinh bất hợp pháp. Đặc biệt, nơi nào chính quyền mở đường dân sinh trái phép thì kỷ luật ngay Chủ tịch xã, Chủ tịch huyện, tỉnh. 

duong-ngang-dan-sinh

Việc tự ý mở lối đi dân sinh qua đường sắt tiềm ẩn nguy cơ lớn về tai nạn giao thông

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa khẳng định trong luật đã nêu rõ trách nhiệm của Bộ, của Tổng công ty đường sắt và của chính quyền các cấp trong việc này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định với các tuyến đường sắt địa phương trực tiếp quản lý, khi có nhu cầu mở đường ngang đều được đáp ứng theo đúng quy định chứ không khó khăn gì. Nhưng vừa qua, việc mở đường ngang dân sinh rất tuỳ tiện mà chính nhiều địa phương không nắm được.

“Luật cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của địa phương trong việc này, không thể cứ mở đường ngang dân sinh tuỳ tiện. Việc này sẽ khiến lái tàu vô cùng căng thẳng” – Bộ trưởng Nghĩa nói và cho rằng việc này là do thiếu quản lý đồng bộ, trách nhiệm. Bên cạnh việc thiếu nhiều nguồn lực, còn do ý thức của người dân khi “chỉ có mấy chục mét cũng ngại đi qua đường ngang đã được mở hợp pháp”. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng nếu không luật hoá trách nhiệm của địa phương việc này thì sẽ “không quản nổi”. 

Rất quan tâm đến con số "hơn 4.000 đường ngang, lối đi dân sinh trái phép", Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đặc biệt lưu ý Luật đường sắt (sửa đổi) phải có quy định thực sự nghiêm khắc về việc này.

“Chúng ta cấm rất nhiều nhưng có xử được không? Luật đã cấm nhưng nếu không có chế tài xử phạt nghiêm gắn với trách nhiệm thì không bao giờ chúng ta thực hiện được. Luật phải gắn với trách nhiệm, không chỉ của Bộ GTVT hay ngành đường sắt mà còn trách nhiệm của địa phương nơi có đường sắt đi qua. Mở đường dân sinh trái phép, để xảy ra tai nạn tuỳ mức độ phải xử lý nghiêm, thậm chí phải cho “mất chức” chứ không đơn giản” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.