Chuyện dọc đường

Để đường sắt xứng tầm

21/03/2017, 07:22

Đóng đinh trong suy nghĩ của không ít người là hình ảnh đường sắt cũ kỹ, lạc hậu, chậm đổi mới...

2

Đường sắt đã nỗ lực đổi mới từ cơ sở vật chất đến nhân lực phục vụ nhưng vẫn khócạnh tranh với đường bộhàng không - Ảnh: K.Linh

Đóng đinh trong suy nghĩ của không ít người là hình ảnh đường sắt cũ kỹ, lạc hậu, chậm đổi mới. Thậm chí, đường sắt Việt Nam còn được gắn với bốn chữ chẳng mấy hay ho là “đừng sờ vào nó” cũng chính vì sự trì trệ, chậm đổi mới và phần nào đó là tư duy độc quyền đã ăn sâu trong bộ máy hàng chục năm ròng.

Nhưng đường sắt đang nỗ lực đổi mới, thay đổi hình ảnh của chính mình, nhất là trong khoảng hai năm gần đây. Kể cả những hành khách khó tính nhất đều cảm nhận được điều đó. Không còn cảnh ăn chực nằm chờ, xếp hàng dài mua vé ở một nhà ga cũ kỹ mà thay vào đó, hành khách ngồi nhà hoặc bất cứ đâu cũng có thể đặt mua vé tàu qua mạng, qua tin nhắn. Đến cái ke ga, hay nhà vệ sinh trên tàu trước đây xả thẳng ra môi trường, nay cũng được cải tiến. Những đôi tàu 5 sao được ví như khách sạn di động đã được đưa vào phục vụ hành khách.

Ngành Đường sắt còn chủ động xây dựng đề án và tổ chức quản lý, khai thác và kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đồng thời tái cơ cấu lại hoạt động của các đơn vị kinh doanh vận tải - một điều mà trong hàng chục năm không dễ lay chuyển, dù nhận không ít búa rìu dư luận. Điều đó cũng khiến không ít người dần thay đổi suy nghĩ về đường sắt, lĩnh vực hỏa xa giờ đã cầu thị và đã có thể “sờ được vào nó” để hoạt động hiệu quả hơn.

Nỗ lực là thế, nhưng bên cạnh những điểm tích cực, sau khoảng hai năm tái cơ cấu, đổi mới, đường sắt vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, mà rõ nhất chính là mô hình tổ chức, quản lý kinh doanh vận tải. Không ít khách hàng bày tỏ, giờ đường sắt vẫn còn quá nhiều “cửa ải”, thậm chí chồng chéo nhau, khiến giá thành vận tải đường sắt đội lên cao. Ngay trong nội bộ các DN đường sắt, do hoạt động theo mô hình cổ phần, trước áp lực tăng doanh thu, các DN sẵn sàng dùng chiêu trò, chạy đua về giá, cạnh tranh thiếu lành mạnh. Thực tế, cả vận tải hành khách và hàng hóa đường sắt đang có dấu hiệu thụt lùi, mất dần thị phần và ngày càng thua kém các phương thức vận tải khác, nhất là đường bộ, đường thủy.

Tất cả những điều đó cho thấy, đổi mới của đường sắt thời gian qua vẫn chưa đủ mà cần thêm nhiều sự nỗ lực, tái cơ cấu mạnh mẽ, triệt để hơn nữa. Trong đó, không thể không tính đến việc sớm triển khai một mô hình tách bạch giữa quản lý hạ tầng và kinh doanh vận tải. Cùng đó, các bộ, ngành, cơ quan chức năng cũng cần ưu tiên thêm vốn để hiện đại hóa hệ thống đường sắt quốc gia. Chỉ có như vậy, đường sắt mới thực sự hiện đại, tránh được chồng chéo, minh bạch để phát triển, xứng với tiềm năng và thế mạnh là ngành Vận tải chủ lực của đất nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.