Chuyện dọc đường

Để không tạo “sốt ảo” trong cấp đổi GPLX

24/08/2017, 08:50

Không thể phủ nhận việc tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi GPLX qua bưu điện đã tạo thuận lợi rất đáng kể...

20160427091002-gplx-bd-laocai (1)

Dịch vụ cấp đổi hồ sơ GPLX được cung cấp tại Bưu điện Lào Cai. (Ảnh: Vietnamnet)

Không thể phủ nhận việc tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi GPLX qua bưu điện đã tạo thuận lợi rất đáng kể cho người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa. Việc cấp đổi này trong vài năm qua đã tiết kiệm được chi phí và thời gian đi lại của người dân, giảm áp lực tại bộ phận một cửa của các Sở GTVT.

Đây là một bước cải cách của ngành GTVT trong việc phục vụ nhân dân. Việc nhận hồ sơ đổi, cấp GPLX qua bưu điện được triển khai phù hợp với quy định của pháp luật về cung cấp dịch vụ hành chính công. Cải cách này tạo sự tiện lợi nhất cho người dân có nhu cầu chuyển đổi GPLX.

Tuy nhiên phải thừa nhận, thời gian gần đây, việc cấp đổi này cũng bộc lộ khá nhiều bất cập. Trước khi Thông tư số 12 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX có hiệu lực, nhu cầu cấp, đổi GPLX qua hệ thống bưu điện cao là do người dân chưa hiểu rõ thông tin chuyển từ GPLX bằng bìa giấy sang vật liệu nhựa PET, nhất là đối với loại GPLX hạng A1. Nhiều người dân dù thời hạn GPLX còn dài, nhưng nghe theo tin đồn, ồ ạt đổ dồn về các điểm đổi GPLX khiến tình trạng quá tải xảy ra ở nhiều nơi. Sau khi Thông tư 12 có hiệu lực với quy định không bắt buộc người dân chuyển đổi GPLX mà khuyến khích thực hiện theo lộ trình, rõ ràng nhu cầu cấp, đổi GPLX qua bưu điện giảm rõ rệt.

Do đó, theo cá nhân tôi, thời điểm này không nên mở rộng hình thức cấp, đổi GPLX qua bưu điện với hình thức lưu động tới tận nhà người dân nữa. Việc cấp, đổi GPLX thuộc phạm vi quản lý của Nhà nước kết nối với doanh nghiệp nếu thông tin đến người dân chưa thực sự đầy đủ, xác thực, rất dễ gây “sốt ảo” trong cấp, đổi GPLX sang vật liệu PET như trước đây. Điều này còn tạo dư luận không tốt, khiến người dân hiểu sai về chính sách của Nhà nước và lãng phí cả về thời gian và tiền bạc. Thực tế, rất nhiều Sở GTVT phản  ánh về những bất cập trong công tác cấp đổi GPLX này. Vì vậy, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định nên tiếp tục hay dừng nhân rộng dịch vụ này.

Theo tôi cơ quan quản lý cần tập trung siết chặt hơn nữa công tác đào tạo, sát hạch, nâng cao đạo đức người lái xe, thực hiện “Văn hóa giao thông”. Đồng thời, thời gian tới, công tác này cũng cần ứng dụng khoa học công nghệ để công khai và minh bạch nhằm tạo dựng chất lượng, uy tín của ngành cũng như đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông.

Ông Nguyễn Văn Quyền
Chủ tịch Hội ATGT Việt Nam

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.