Đường bộ

Để lỗi thu phí tự động không dừng, nhà cung cấp dịch vụ bị phạt thế nào?

29/01/2022, 12:39

Các nhà cung cấp dịch vụ đang nỗ lực để không lặp lại sự cố hơn 300 xe dán thẻ ePass không qua được làn thu phí tự động trên 2 tuyến cao tốc.

Sáng ngày 22/1 vừa qua, hàng trăm xe dán thẻ ePass sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC) do CTCP Giao thông số VN (VDTC) cung cấp không qua được làn ETC trên các tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Hà Nội - Hải Phòng.

Nguyên nhân được xác định do lỗi ổ cứng trên thiết bị lưu trữ tại hệ thống Back-End của nhà cung cấp dịch vụ là Công ty TNHH Thu phí tự động VETC khiến không có dữ liệu đầu vào đường cao tốc để tính phí và mở barie.

img

Hệ thống thu phí ETC trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ

Sau sự cố, VETC đã phối hợp với VDTC, nhà đầu tư các tuyến cao tốc để xác định nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục.

Cho biết đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố này, ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC nói doanh nghiệp này đang rà soát lại các tồn tại của hệ thống, hạn chế tối đa những lỗi kỹ thuật tương tự . Bên cạnh đó, đơn vị cũng tiến hành bảo trì, bảo dưỡng lại hệ thống để nâng cao chất lượng dịch vụ để đảm bảo quá trình vận hành ETC ổn định.

"Hệ thống thu phí không dừng của VETC và VDTC đã được kết nối liên thông, đảm bảo chủ phương tiện chỉ cần dán một thẻ để qua trạm. Khi xảy ra sự cố, quan trọng nhất là cần tăng cường phối hợp giữa hai đơn vị để xử lý", ông Vinh nói.

Đại diện CTCP Giao thông số VDTC - đơn vị sở hữu thẻ thu phí không dừng ePass cho rằng, các nhà đầu tư BOT cần lắp đặt biển bảng, cử nhân sự phân luồng tại các trạm để các phương tiện đi vào đúng làn đường, tránh tình trạng xe ETC đi vào làn thu phí thủ công tại đầu vào dẫn đến việc hệ thống không xác nhận được ở đầu ra trên tuyến cao tốc kín.

Ở góc độ đơn vị quản lý, ông Nguyễn Huy Thiêm, Phó trưởng phòng Kỹ thuật công nghệ, Công ty quản lý đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho rằng, lý tưởng nhất là nhà cung cấp dịch vụ cần có hệ thống dự phòng. Đề phòng trường hợp xảy ra sự cố lớn và kéo dài, trong thời gian ngắn, hệ thống chính sẽ tự động chuyển sang hệ thống dự phòng và khi đó không ảnh hưởng đến công tác thu phí và chủ phương tiện. Tuy vậy, việc đầu tư song song hai hệ thống sẽ rất khó cho nhà cung cấp dịch vụ vì chi phí lớn.

"Để đảm bảo độ ổn định cho hệ thống, ngoài việc xây dựng giải pháp chuẩn, nhà cung cấp dịch vụ cần không ngừng kiểm tra, rà soát, đánh giá về hạ tầng phần cứng, phần mềm, các giải pháp bảo mật, dự phòng các tình huống khẩn cấp, đảm bảo tính ổn định của hệ thống", ông Thiêm nói.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ - Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ VN) cho hay, rút kinh nghiệm về lỗi kỹ thuật vừa qua, Tổng cục Đường bộ chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ tiếp tục tiến hành các biện pháp phòng ngừa, rà soát cấu hình hệ thống và nhân lực vận hành, ứng trực 24/24 giờ, đặc biệt đảm bảo đáp ứng lưu lượng tăng đột biến trong dịp lễ Tết.

Theo ông Toàn, quy trình xử lý sự cố đã được quy định trong hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa VETC và VDTC. Theo đó, tại tại trạm của đơn vị nào quản lý thì nhà cung cấp dịch vụ phải chịu toàn bộ trách nhiệm đối với các sự cố tại trạm. Khi xảy ra lỗi, nhà cung cấp dịch vụ quản lý trạm thu phí không thể nói là thẻ của nhà cung cấp dịch vụ khác nên không chịu trách nhiệm.

"Tổng cục Đường bộ VN đang xây dựng hệ thống giám sát độc lập tương tự như bên viễn thông. Khi bị đứt tín hiệu gửi về ngay lập tức cơ quan quản lý biết được ngay", ông Toàn cho biết.

Đề cập đến chế tài xử phạt, ông Toàn cho hay: Theo quy định tại hợp đồng, nhà cung cấp dịch vụ sẽ phải đền bù số tiền bằng đúng với số tiền thiệt hại do lỗi mình gây ra.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.