Xã hội

Đề nghị duy trì thanh tra huyện, vẫn thành lập thanh tra cục, tổng cục

25/10/2022, 09:35

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị duy trì hoạt động của thanh tra huyện và cần có biện pháp khắc phục hạn chế trong hoạt động của cơ quan này.

Duy trì thanh tra huyện trong hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra

Sáng 25/10, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV tiếp tục diễn ra với việc thảo luận về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết: Đa số ý kiến tán thành với dự thảo Luật về việc duy trì hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện hành, gồm thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh và thanh tra huyện.

img

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Trước đó, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định việc thành lập cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Một số ý kiến đề nghị không tổ chức thanh tra huyện hoặc không thành lập thanh tra huyện tại một số đơn vị hành chính cấp huyện có quy mô nhỏ, dân số ít, không có nhiều yêu cầu về thanh tra.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính đã có quá trình hình thành và phát triển ổn định, lâu dài. Việc tiếp tục duy trì, củng cố thanh tra huyện để tham mưu, giúp UBND cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra là cần thiết, bảo đảm cho chính quyền địa phương cấp huyện thực hiện hiệu quả nhiệm vụ theo phân cấp, kịp thời phát hiện sai phạm ngay từ ở cơ sở; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về tổ chức với cơ quan thanh tra ở cấp tỉnh và trung ương.

"Thanh tra huyện không chỉ thực hiện nhiệm vụ về thanh tra mà còn là đầu mối tổ chức triển khai nhiều nhiệm vụ được giao trong các luật khác, như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng…” ông Tùng nêu.

Theo ông Tùng, những bất cập trong tổ chức và hoạt động của thanh tra huyện thời gian qua không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà là do chưa được quan tâm bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Việc không duy trì thanh tra huyện tuy giảm được số lượng lớn cơ quan, nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên các địa bàn cấp huyện, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa cao.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ thanh tra huyện trong hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như Chính phủ đã trình và bổ sung vào dự thảo Luật quy định cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định cho đầy đủ.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp căn cơ, đồng bộ để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của thanh tra huyện thời gian qua, trước hết cần khẩn trương kiện toàn tổ chức, biên chế, bảo đảm các điều kiện cần thiết nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để Thanh tra huyện có đủ năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

img

Quang cảnh kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV

Nhiều bất cập khi ghép chung cơ quan kiểm tra của Đảng và thanh tra huyện

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị chuyển Ban Tiếp công dân huyện về thanh tra huyện để có sự gắn kết giữa công tác tiếp dân và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nâng cao hiệu quả của công tác này.

Tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện có chức năng tham mưu, giúp việc cho cả HĐND và UBND, do đó, việc để Ban Tiếp công dân trực thuộc Văn phòng sẽ thuận lợi cho công tác tham mưu, giúp việc đối với cả hai cơ quan này.

Đồng thời, sẽ tạo thuận lợi cho việc điều hòa, phối hợp giữa Ban Tiếp công dân với các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm giải quyết hiệu quả các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, đặc biệt là những khiếu nại, tố cáo liên quan tới nhiều cấp, nhiều ngành.

Cách tổ chức này đã được quy định trong Luật Tiếp công dân, thực hiện ổn định từ nhiều năm nay và cũng thống nhất với mô hình Ban Tiếp công dân cấp tỉnh, về cơ bản trong quá trình thực hiện không có vướng mắc. Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ mô hình Ban Tiếp công dân huyện như hiện hành thuộc Văn phòng HDND và UBND cấp huyện.

Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị ghép chung cơ quan kiểm tra của Đảng và thanh tra huyện thành một cơ quan chung có chức năng thanh tra, kiểm tra để bảo đảm tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc ghép chung cơ quan kiểm tra của Đảng và cơ quan thanh tra cấp huyện thành một cơ quan chung đã được thực hiện thí điểm tại một số địa phương thời gian qua nhưng đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc trong quá trình hoạt động.

Đến nay, việc thí điểm này đã được cấp có thẩm quyền xem xét và quyết định dừng lại. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho không bổ sung vấn đề này trong dự thảo Luật.

img

Kiểm soát chặt chẽ việc thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc Bộ

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, nhưng đề nghị quy định rõ trong Luật tiêu chí thành lập.

Một số ý kiến đề nghị không thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, vì việc thành lập tổ chức mới sẽ phát sinh thêm biên chế, không phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành, tại các tổng cục, cục thuộc Bộ không thành lập tổ chức thanh tra chuyên ngành độc lập, nhưng để đáp ứng yêu cầu quản lý thì Luật Thanh tra cho phép Chính phủ xem xét, quyết định giao một số tổng cục, cục thuộc Bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Trên thực tế, tại các cơ quan này đã tổ chức các đơn vị tham mưu về công tác thanh tra (như Thanh tra - pháp chế, Thanh tra - kiểm tra…) và bố trí đội ngũ công chức làm công tác thanh tra.

Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu quản lý hoặc theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, trong một số luật đã quy định việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại tổng cục, cục thuộc bộ.

Do đó, việc dự thảo Luật quy định thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc Bộ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành tại một số tổng cục, cục thuộc Bộ; tạo cơ sở pháp lý minh bạch cho hoạt động thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan này.

Việc thành lập thanh tra tổng cục, cục về thực chất không làm phát sinh tổ chức, biên chế mới do hiện tại ở các cơ quan này đã có bộ máy và biên chế làm nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Sau khi Luật được Quốc hội ban hành, Chính phủ sẽ rà soát kỹ các cơ quan hiện đang được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo hướng chỉ cơ quan nào đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, nguyên tắc và thực sự cần thiết, có đủ năng lực thì mới được thành lập cơ quan thanh tra, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động và tinh gọn bộ máy.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.