Xã hội

Đề nghị giảm phạt tù, tăng phạt tiền người vi phạm không vụ lợi

20/03/2023, 15:38

Viện trưởng Viện KSND Tối cao đề nghị cụ thể hóa nội dung quy định bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Bịt lỗ hổng của pháp luật để tránh bị lợi dụng

Chiều 20/3, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao Lê Minh Trí.

img

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn tỉnh Nam Định) cho biết, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ đạo phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế và phòng, chống tham nhũng, kịp thời khắc phục những bất cập để không thể tham nhũng.

Qua giải quyết các vụ án tham nhũng lớn, bà Hoa đề nghị Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho biết đã có những chỉ đạo và có những biện pháp như thế nào để thực hiện chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Bên cạnh đó, bà Hoa cũng cho biết, thời gian qua có một số cán bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, bên cạnh những việc làm được có tính đột phá và không có yếu tố vụ lợi thì có những việc làm còn sai sót, thậm chí vi phạm pháp luật.

"Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết quan điểm và các giải pháp để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ, không bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng, đồng thời bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung?", bà Mai Thị Phương Hoa nói.

Trả lời nội dung này, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết, hoàn thiện thể chế, cơ chế là vấn đề lớn, vĩ mô liên quan đến nhiều cấp ngành. Dưới góc độ của ngành kiểm sát, ông Trí đề nghị tăng cường công khai minh bạch trong quản lý xã hội, nhà nước.

"Nhất là lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, cần tăng cường hiệu lực hiệu quả cải cách hành chính. Bởi vì tăng cường minh bạch thì chúng ta mới kiểm tra, kiểm soát được", ông Trí nói.

Viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ dễ hiểu, dễ áp dụng và không thể làm khác.

"Hiện nay văn bản hướng dẫn giải thích luật chúng ta chưa đáp ứng kịp thời, chính vì thế luật ra rồi nhưng hướng dẫn không kịp thời", ông Trí nói.

Cụ thể hóa quy định bảo vệ người dám nghĩ, dám làm

Ông Trí nói ủng hộ chủ trương chống tham nhũng, cần xử lý nghiêm người cầm đầu, chủ mưu, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, thực tiễn các vụ án cho thấy có trường hợp thực hiện mệnh lệnh cấp trên, tham mưu không chính xác, đầy đủ và cấp trên không kiểm soát được công việc nên ra quyết định rủi ro.

Các trường hợp này chủ động khắc phục hoàn toàn hậu quả, thấy sai đã sửa, giúp cơ quan chức năng thì cần miễn, giảm, tha nhưng luật hiện hành đang vướng.

Viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng, trong giai đoạn đất nước phát triển, khối lượng công việc lớn, kiểm soát khó khăn, nhiều người vi phạm nhưng không có mục đích vụ lợi. Vì vậy, ông đề nghị rà soát, sửa điều luật cụ thể về việc xử lý hình sự các trường hợp nêu trên.

Ông Trí dẫn chứng vụ Việt Á đã được nghiên cứu đề nghị cấp có thẩm quyền phân hóa các trường hợp cần xử lý, trong đó có vi phạm phải xử lý nghiêm, có vi phạm xử lý đảng, có loại xử lý hành chính.

Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết, từng kiến nghị với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khi ông còn làm Thường trực Ban Bí thư rằng Đảng có Văn bản 69 nêu rõ khi chấp hành mệnh lệnh cấp trên mà sai thì không kỷ luật. Ông Trí đề nghị cụ thể hóa nội dung này bằng các quy định của pháp luật.

"Đây là việc lớn, cần có sự đồng bộ để các cơ quan cùng điều chỉnh các điều luật cụ thể, như quy định gây thiệt hại 100 triệu đồng bị xử lý hình sự", ông Trí nói và đề nghị cần giảm phạt tù, tăng phạt tiền.

img

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí

Điều tra và thu thập chứng cứ theo cả 2 hướng buộc tội và gỡ tội

Về chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết, 2 yêu cầu này có sự mâu thuẫn với nhau và là thách thức lớn với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Nhấn mạnh đây là yêu cầu rất cao và ngặt nghèo, do đó thời gian qua, Ban Cán sự và Viện trưởng VKSND Tối cao yêu cầu toàn ngành là phải quán triệt nghiêm túc lời dạy của Bác Hồ đối với kiểm sát viên là công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn. Đặc biệt, Viện trưởng có một chỉ thị chuyên đề chuyên về chống oan sai, trong đó đưa ra nhiều giải pháp cụ thể

"Trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, Viện trưởng Viện KSND Tối cao đã yêu cầu các kiểm sát viên các cấp thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục và biện pháp do luật tố tụng hình sự quy định gắn chặt với công tố với điều tra ngay từ đầu, nhất là trong thực hiện 7 biện pháp điều tra cơ bản như bắt khám, xét, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, hỏi cung đối chất về mặt nhận dạng", ông Trí nói.

Chỉ đạo tập trung làm tốt khâu thụ lý tin báo, tố giác tội phạm để hạn chế oan sai, lọt tội phạm ngay từ đầu. Kiểm sát viên phải yêu cầu xác minh, điều tra và thu thập chứng cứ theo cả 2 hướng buộc tội và gỡ tội; yêu cầu nắm chắc và áp dụng những nội dung nguyên tắc suy đoán vô tội, đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội, trọng chứng hơn trọng cung, án tại hồ sơ và không được suy diễn; chứng cứ đến đâu xử lý đến đó.

"Không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế và đảm bảo đúng pháp luật. Những vấn đề mới và phức tạp phải tìm hiểu sâu trong lĩnh vực chuyên môn, lắng nghe giải trình với yêu cầu kiểm sát viên phải đảm bảo khách quan, toàn diện trong xem xét, đánh giá chứng cứ, trong xác định tội danh và khung hình phạt phải đảm bảo xử lý nghiêm khoan hồng nhân văn thuyết phục", Viện trưởng VKSND Tối cao nói.

Ông Lê Minh Trí nhấn mạnh hạn chế oan sai và bỏ lọt tội phạm thì một trong những biện pháp quan trọng là công tác cán bộ. Do đó, đề ra yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra trường hợp tòa án tuyên bị cáo không phạm tội hoặc hủy án để điều tra lại; trường hợp phải đình chỉ vì không phạm tội thì kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể lãnh đạo đơn vị và xem xét cả trách nhiệm của Viện kiểm sát cấp trên.

Viện kiểm sát cũng tăng cường thanh tra nghiệp vụ để phát hiện oan sai và bỏ lọt tội phạm để ngăn chặn kịp thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, gắn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với công tác xây dựng ngành, đơn vị các cấp, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp kiểm sát trong công tác Đảng cũng như trong chuyên môn nghiệp vụ, nhất là đối với yêu cầu chống oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.